TTCK khó khăn, broker vẫn kiếm bội tiền
Trong khi nhiều CTCK và NĐT phải chật vật để tồn tại trong giai đoạn sụt giảm của TTCK, thì, nhiều môi giới (broker), bằng sự năng động của mình vẫn có thể kiếm được bội tiền.
Trong quán café trên đường Lý Thường Kiệt (Hà Nội), một môi giới của CTCK Hòa Bình nhiệt tình giải thích về những ưu việt của việc cho vay chứng khoán. Hai nhà đầu tư chăm chú lắng nghe và thỉnh thoảng đặt câu hỏi. TTCK chưa định rõ xu hướng, giá trị giao dịch thấp kỷ lục, các môi giới phải tự vận động tìm ra các chiêu thức kiếm tiền. Cho dù thế nào, họ vẫn xác định "nín thở chờ thời", đợi ngày mai tươi sáng hơn.
Giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh cuối năm 2010, dịch vụ cho vay chứng khoán được nhiều môi giới đứng ra thực hiện. Một số CTCK không lộ diện, nhưng cũng cho phép (bất thành văn) môi giới phối hợp với công ty có chức năng đầu tư thực hiện nghiệp vụ này, để tạo giá trị gia tăng cho NĐT. Môi giới chứng khoán ở giữa khớp nối NĐT có nhu cầu với công ty cho vay. Công ty này đứng ra ký hợp đồng với NĐT có nhu cầu vay cổ phiếu với các thỏa thuận về mức phí, cơ chế giao dịch… Mọi giao dịch được thực hiện trên tài khoản của người cho vay. Người đi vay nếu chưa quen biết, chưa có uy tín, sẽ phải đặt cọc 20% trên tổng giá trị cổ phiếu vay. Môi giới ở giữa nhận hoa hồng cả hai đầu, người đi vay và cho vay.
Khi thị trường đi ngang như hiện nay, dịch vụ cho vay chứng khoán vẫn có "đất sống". "VN-Index có những phiên đi lên, nhưng thực chất là được kéo bởi một số mã cổ phiếu lớn. Nhiều cổ phiếu vẫn lặng lẽ xuống giá, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Chính vì thế, nhu cầu vay chứng khoán bán giá cao ở thời điểm hiện tại và mua trả lại về sau vẫn đang tồn tại", môi giới tên Long cho biết. Môi giới này kỳ vọng sản phẩm cho vay chứng khoán sẽ tiếp tục sôi động, bởi thị trường có thể điều chỉnh tiếp khi triển vọng vĩ mô trong ngắn hạn chưa mấy sáng sủa.
Những môi giới vẫn cố giữ "core" chứng khoán và thực hiện nghiệp vụ cho vay giờ đây thực hiện thêm việc cầm cố cổ phiếu. NĐT có chứng khoán, nhưng thiếu tiền có thể thông qua các môi giới để vay tiền. Chẳng hạn, NĐT có cổ phiếu SSI, thị giá 20.000 đồng/CP, môi giới cho NĐT vay tiền với giá cầm cố 13.000 đồng/CP; lãi suất từ 3,5 - 7%/tháng. Cho dù thỏa thuận thế nào thì trong hợp đồng khách hàng cũng là người phải nhận lại chứng khoán.
"Xác định thị trường khó khăn nên phần lớn anh em môi giới ở công ty mình đều không bị động hay chán nản. Mặt khác, bọn mình cũng tìm thêm các công việc để làm, nên cuộc sống cũng đỡ khó khăn", môi giới tên Hậu ở CTCK APEC chia sẻ. Công việc mà Hậu và đồng nghiệp làm thêm là môi giới bất động sản. Bên cạnh đó là tìm cách gia tăng lợi ích tài sản của các khách VIP từng gắn bó trước đây. "Tùy từng khách hàng mà bọn mình tư vấn cho họ sử dụng tiền làm gì, có khi là mua ô tô cho công ty du lịch thuê, sau hai ba năm thu hồi lại vốn. Có khi bọn mình tìm người có nhu cầu vay vốn nếu khách hàng có tiền nhàn rỗi cho vay", anh Hậu nói.
S là một môi giới năng nổ, luôn đi đầu trong việc nghĩ ra các sản phẩm "câu" nhà đầu tư, nên thời điểm thị trường xấu như hiện nay cũng không khiến anh "ngồi im". Tận dụng lợi thế là CTCK khá "sạch" về đầu tư và mạnh về tài chính, anh đã bàn với lãnh đạo công ty nghiên cứu cho ra sản phẩm "ứng phó" với lạm phát và đánh vào nhu cầu nhà ở của nhiều người Hà Nội hiện nay. Đó là tìm một số đối tác kinh doanh bất động sản để thiết kế một sản phẩm khác biệt. Theo đó, CTCK đứng ra thu xếp vốn cho dự án bằng cách phát hành một loại trái phiếu kèm chứng quyền mua căn hộ, với mức giá căn hộ thấp hơn nhiều so với giá thị trường. NĐT mua căn hộ bằng trái phiếu sẽ phải nộp 100% số tiền mua căn hộ, trong đó CTCK hỗ trợ 50%. NĐT nhận trái tức hàng năm, được mua căn hộ với giá gốc, còn doanh nghiệp bất động sản có vốn thực hiện dự án. Số tiền NĐT phải trả cho CTCK theo một kế hoạch được xác định trước.
Môi giới chứng khoán hoạt động trên nền tảng của thị trường là giá trị giao dịch và diễn biến chỉ số VN-Index. Trong bối cảnh thị trường trầm lắng và sản phẩm đầu tư nghèo nàn như hiện nay, nỗ lực của các môi giới trong việc tìm kiếm lợi nhuận cho mình và "giữ lửa" với nhà đầu tư là thực tế rất đáng ghi nhận. Nhưng ranh giới giữa việc họ được phép và không được phép làm hiện rất mong manh.
Nguyễn Phúc Trâm Anh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|