Ám ảnh "bóng ma" chứng khoán 2008
Phải chăng, "bóng ma" chứng khoán 2008 đã trở lại? Cũng là vực thẳm nhấn chìm nhiều cổ phiếu nhỏ, cũng là sự phát lộ về lỗ lãi của phân nửa số công ty chứng khoán, cũng là tâm lý hoang mang của hành khách theo tàu.
Hiện có một nghịch lý ở Việt Nam: dù vẫn được tâm niệm là một bộ phận hữu cơ, một phần không thể thiếu của nền kinh tế quốc dân, nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) lại vận hành hầu như độc lập với nền kinh tế ấy. Trong suốt nhiều tháng qua, bất chấp các kết quả kinh tế không đến nỗi quá tệ, gam màu chủ đạo trên bức tranh chứng khoán vẫn là một sắc đỏ.
Phải chăng, "bóng ma" chứng khoán 2008 đã trở lại? Ban đầu, nó cũng chỉ chập chờn thôi, nhưng lần hồi người ta nhận ra khá đầy đủ diện mạo của nó: cũng là vực thẳm nhấn chìm nhiều cổ phiếu nhỏ, cũng là sự phát lộ về lỗ lã của phân nửa số công ty chứng khoán, cũng là tâm lý hoang mang của hành khách theo tàu.
Có một điểm tương đồng của năm 2008 với năm 2011 này. Số công ty chứng khoán năm 2008 có khoảng 100, còn hiện nay là 105.
Vào cuối năm 2008, người ta đã tổng kết nhiều quỹ đầu tư và công ty chứng khoán đứng trước nguy cơ phá sản. Nhưng thật may mắn là chẳng bao lâu sau, TTCK đứng dậy từ đống đổ nát và giúp các tổ chức này hồi sinh.
Còn nay, TTCK mới chỉ đi được một phần ba thời gian năm 2011, nhưng đã có hơn một nửa công ty chứng khoán công bố lỗ. Các quỹ đầu tư nước ngoài cũng chẳng hơn gì lắm. Nếu như năm 2008 họ mất đến 60-70% NAV (giá trị tài sản ròng) thì một số quỹ đầu tư lúc này cũng đang đứng trước tình trạng bị ám ảnh bởi "bóng ma" chờ chực tóm lấy cổ mình.
Trong 17 tháng khủng hoảng, từ tháng 10/2007 đến tháng 2/2009, TTCK đã mất đi 80% giá trị, còn đa số cổ phiếu cũng mất đi ít nhất ngần ấy so với đỉnh. Còn trong giai đoạn hiện nay, thật khó biết lấy đỉnh ở thời điểm nào để so sánh.
Thời điểm tháng 10/2009 chăng? Nếu tính từ thời điểm đó đến nay, thị trường đã trải qua 19 tháng, nghĩa là còn dài hơn cả thời gian thời khủng hoảng. Hãy lấy minh họa về một cổ phiếu có tính vận động khá ổn định của thị trường như VTO (Công ty CP Vận tải Xăng dầu). Trong giai đoạn cuối 2007 - đầu 2009, cổ phiếu này đã mất khoảng 85% giá trị. Còn từ cuối 2009 đến nay, cổ phiếu này đã mất đi 2/3 giá trị. Nếu so sánh, rõ ràng là tình hình VTO trong giai đoạn hiện nay còn khả qua hơn khá nhiều so với thời khủng hoảng.
Thế nhưng chẳng ai biết được hiện tình này còn kéo dài bao lâu nữa. Nếu thị trường vẫn tiếp tục uể oải, sẽ còn đủ thời gian để các cổ phiếu nhỏ giảm còn 1/6 - 1/7 giá trị đỉnh của chúng.
Những người theo chủ nghĩa phiêu lưu sử dụng margin quá đà phải sớm nhận lấy cái chết đã đành, nhưng khi cổ phiếu giảm về gần mức 0 thì ngay cả những nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ cũng chẳng còn bao nhiêu tài sản trong tay. Mà vốn dĩ, thị trường xuống 5-6 lần nhưng chỉ lên cùng lắm được 2-3 lần. Vì thế ngược hẳn với xu thế tranh mua khi thị trường lên, người ta sẵn lòng giành bán với bất cứ giá nào vào lúc thị trường đổ dốc. Đó cũng là một đặc trưng cố hữu mà người đời gọi là tâm lý bầy đàn của thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, như một dư chấn, luồng cổ phiếu phát hành thêm vẫn ồ ạt tuôn ra thị trường làm cho các nhà đầu tư hoa cả mắt. Trong năm 2008, nhiều cuộc đấu giá cổ phần đã phải nhận thất bại ê chề, và bản thân TTCK khi đó bị coi như một cơ thể suy nhược chức năng thu hút vốn. Người ta thờ ơ, quay lưng với những doanh nghiệp nào tung ra lượng cổ phiếu thưởng. Càng lỗ càng thưởng, càng thưởng lại càng lỗ.
Năm nay cũng vậy, riêng quý I đã có hơn 1,3 tỷ cổ phiếu tuôn trào trên thị trường. Không có tiền nào mua cho lại được, nhất là với một đám giấy lộn bị kiểm soát đặc biệt.
Nhưng vẫn chưa hết, các ngân hàng ăn nên làm ra vẫn tiếp tục lộ trình tăng vốn điều lệ của mình khiến cho cổ phiếu ngành ngân hàng càng bị pha loãng. Dù đã bị coi là thấp về thị giá, nhưng vào cái thời bóng ma tái hiện, người ta lại đang coi rẻ cổ phiếu ngân hàng - một tâm lý y hệt như năm 2008.
Mà một khi cổ phiếu ngân hàng vẫn bị đánh giá là chưa hấp dẫn, hẳn thị trường còn có nguy cơ xuống tiếp. Điều đó người ta đã chứng kiến vào mấy tháng cuối của đợt khủng hoảng thị trường. Còn giờ đây, khi các kế hoạch tăng vốn của ngân hàng mới chỉ đang trong lộ trình thực hiện và giá cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa dưới mệnh giá, trong khi số cổ phiếu được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt hoặc bị treo giò chưa có tín hiệu dừng lại, nhà đầu tư bắt đầu trở nên cực kỳ cẩn trọng với chỉ chừng 30% tài khoản được giao dịch thực tế.
Đã thấp thoáng vài ba công ty chứng khoán có ý định "chuyển nghề", như KLS, SSI biến tấu dần sang loại hình kinh doanh bất động sản. Đây cũng là một điểm lạ so với năm 2008. Điều đó có thể cho thấy những công ty chứng khoán lớn - là con mắt và đôi tai của thị trường - đã bắt đầu có cái nhìn khá u ám về đường đi dài hạn của TTCK.
Sự kiện một doanh nghiệp đang có ý định xin hủy niêm yết cổ phiếu và có thể kéo theo những doanh nghiệp khác (cũng là một sự khác biệt so với năm 2008), càng cho thấy trạng thái niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường đang rất mong manh trong ngắn hạn và chẳng mấy chắc chắn trong dài hạn.
Nhưng chí ít thì năm 2008 cũng có lý do xác thực để giải thích về sự hiện hình và biến mất sau đó của "bóng ma". Đó là nỗi đồng cảnh ngộ của TTCK Việt Nam với các TTCK và nền kinh tế trên thế giới. Vậy nên vào cuối năm 2008, đã chẳng có công ty chứng khoán nào tự động đổi nghề, để cuối cùng họ cũng được thoát khỏi tình trạng u ám đó.
Còn từ đầu năm 2010 đến nay thì lại chẳng có nguồn cơn thuyết phục nào để lý giải cho sự tái hiện của năm 2008, khi chứng khoán thế giới vẫn tiếp tục đà vượt dốc, còn chứng khoán Việt Nam lại miệt mài lao dốc.
Rất có thể, đó là một nghịch lý mà những quỹ đầu tư và công ty chứng khoán lớn nhất đang nhận ra và bắt đầu tìm cách hoạch định cho họ một con đường khác, nhằm thoát khỏi một cuộc chơi mà phần rủi đang chiếm ưu thế.
Sự ảm đạm này còn ám ảnh bao lâu nữa?
Việt Thắng
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|