Đằng sau việc 1.6 tỷ cổ phiếu sở hữu Nhà nước tại VCB được niêm yết
(Vietstock) – Bài viết giải thích lý do tại sao 1.6 tỷ cổ phiếu sở hữu Nhà nước tại VCB được niêm yết, những điều nhà đầu tư cần lưu ý và ảnh hưởng của việc niêm yết này đến chỉ số VN-Index.
Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) vừa có thông báo sẽ niêm yết gần 1.6 tỷ cổ phiếu thuộc sở hữu vốn nhà nước tại Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (HoSE: VCB ).
Động thái này cho thấy có thể Chính phủ đang thực hiện chiến lược tái cơ cấu tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, như nhận định trước đây của chúng tôi.
Việc niêm yết này thực tế cũng không thể khắc phục được sự “méo mó” của VN-Index như một số ý kiến nhận định.
Tại sao niêm yết và Nhà đầu tư cần lưu ý điều gì?
Hiện tại, số cổ phiếu lưu hành của VCB là gần 1.76 tỷ cổ phiếu nhưng mới chỉ có khoảng 163 triệu cổ phiếu, chiếm 9.3% số cổ phiếu lưu hành, được niêm yết trên HoSE.
Còn gần 1.6 tỷ cổ phiếu tức chiếm đến 90.7% lượng cổ phiếu đang lưu hành của VCB chưa được niêm yết và đây là cổ phần của cổ đông Nhà nước được NHNN đại diện quản lý.
NHNN đã có quyết định sẽ niêm yết bổ sung 1.6 tỷ cổ phiếu thuộc sở hữu Nhà nước này. Quyết định được NHNN ban hành vào ngày 27/4, nhưng đến ngày 12/5 VCB mới công bố thông tin.
Ngoài vấn đề mang tính chất thủ tục, có một vài suy nghĩ liên quan đến việc niêm yết bổ sung số cổ phiếu lớn áp đảo này.
Thứ nhất, điều này sẽ giúp việc thoái vốn của cổ đông Nhà nước trở nên dễ dàng hơn. Mặc dù rất có thể việc thoái vốn sẽ không được thực hiện trên sàn, nhưng điều này hoàn toàn có thể diễn ra bằng giao dịch thỏa thuận.
Việc này sẽ thuận lợi hơn và hấp dẫn hơn rất nhiều đối với người mua nếu đó là một cổ phiếu đã niêm yết.
Việc thoái vốn thực ra là một xu thế tất yếu trong quá trình tái cấu trúc lại các doanh nghiệp nhà nước.
Trước đó, Chính phủ đã phát tín hiệu “tăng tốc” việc cổ phần hóa ngân hàng quốc doanh và việc lựa chọn đối tác chiến lược cho các ngân hàng này.
Tuy vậy, việc bảo vệ tài sản và quyền lợi cũng đang được quan tâm không kém; thể hiện qua việc NHNN ban hành Thông tư số 10/2011/TT-NHNN siết chặt tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược đối với ngân hàng thương mại nhà nước cổ phần hoá.
Ngân hàng quốc doanh thường sở hữu khối lượng tài sản nhiều tiềm năng, trong khi mức sinh lợi hiện tại chưa thể hiện hết, giá cổ phiếu lại liên tục sụt giảm và điều này có khả năng kích thích sự thâu tóm.
Thứ hai, VCB là một ngân hàng có hiệu hoạt động rất tốt khi liên tục duy trì được lợi nhuận cao trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, VCB lại ít được khối ngoại quan tâm do số lượng cổ phiếu niêm yết quá ít. Do vậy, động thái niêm yết bổ sung và thoái bớt phần vốn nhà nước tại VCB có thể làm tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán.
Thứ ba, hai điều ở trên sẽ tạo nhiều thuận lợi cho việc mời gọi cổ đông chiến lược ở VCB. Vừa qua, VCB đã thông qua chủ trương phát hành 492 triệu cổ phiếu để chào bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài vào cuối năm 2011 hoặc đầu năm 2012.
Hiện tại, một “đại gia” trong ngành ngân hàng khác là Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam (HoSE: CTG ) có số vốn điều lệ là 16,858 tỷ đồng. Cổ đông nhà nước cũng nắm gần 90% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của CTG và số lượng cổ phiếu này cũng chưa được niêm yết. Như vậy, sau VCB những cổ phiếu còn lại của CTG cũng có thể sẽ sớm được niêm yết.
Thứ tư, việc niêm yết thêm 1.6 tỷ cổ phiếu VCB trước mắt chưa ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường do việc bán những cổ phiếu này, nếu có, sẽ phải cần sự phê duyệt của các cơ quan liên quan. Nói cách khác, đây vẫn là những cổ phiếu phần nào bị hạn chế chuyển nhượng.
Thứ năm, như tính toán dưới đây của chúng tôi, VCB sẽ trở thành cổ phiếu ảnh hưởng lớn thứ 4 đối với VN-Index, với tỷ trọng ảnh hưởng được nâng từ 0.9% trước đây lên mức 8.8%.
Rất có thể, các quỹ ETF sẽ tích cực gia tăng cổ phiếu này trong danh mục, nhằm mục đích “mô phỏng” thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ảnh hưởng việc niêm yết bổ sung 1.6 tỷ cổ phiếu VCB đến VN-Index
Việc niêm yết bổ sung này sẽ ảnh hưởng đến tỷ trọng của các cổ phiếu trong rổ tính VN-Index.
Gần 1.6 tỷ cổ phiếu VCB niêm yết thêm sẽ làm giá trị thị trường của tất cả cổ phiếu niêm yết trên HoSE tăng thêm 44,835 tỷ đồng (theo giá ngày 13/05/2011).
VCB trở thành cổ phiếu ảnh hưởng lớn thứ 4 đối với VN-Index, trong khi trước đó chỉ đứng thứ 19. Tỷ trọng ảnh hưởng đến VN-Index của VCB được nâng từ 0.9% lên mức 8.8%.
Trong khi đó, tỷ trọng ảnh hưởng của 3 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE là MSN, BVH, VIC lần lượt giảm là từ mức 12.1%, 11.9% và 9.6% xuống còn lần lượt là 11.1%, 11.0% và 8.9%.
Như vậy, tỷ trọng của VCB trong rổ cổ phiếu tính VN-Index đã tăng lên một cách đáng kể. Tuy nhiên, mức tác động của những “ông lớn” đối với VN-Index thay đổi không nhiều. Do vậy, một số nhận định cho rằng niêm yết thêm VCB để khắc phục sự “méo mó” của VN-Index là không mấy thuyết phục.
Hoàng Uyên
|