Không đại gia nào chiếm lĩnh được toàn Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường bán lẻ phát triển nhanh nhất, và có thể một ngày nào đó cũng sẽ là thị trường lớn nhất. Các chuỗi phân phối nước ngoài đang tấp nập kéo đến nhưng những đại gia này hay bất cứ đối thủ nội địa nào của họ đều không thể tiến đến gần mức chiếm lĩnh hoàn toàn Trung Quốc.
Walmart và Wumart
Đàn gà tươi sống chào đón khách hàng đến thăm một cửa hàng Wumart ở Bắc Kinh. Gà được chất đầy lên trên bàn mà không cần đóng gói hay bảo quản. Mặt tiền cửa hàng đầy bụi bẩn, trang trí cẩu thả, và hàng hóa bày bán bên trong một cách thiếu thẩm mỹ. Nhưng giá cả thì thấp không ngờ.
Trung Quốc là thị trường bán lẻ phát triển nhanh nhất, và có thể một ngày nào đó cũng sẽ là thị trường lớn nhất. Các chuỗi phân phối nước ngoài như Carrfour, Walmart và Tesco đang tấp nập kéo đến.
Tuy nhiên, tất cả những đại gia này hay bất cứ đối thủ nội địa nào của họ đều không thể tiến đến gần mức chiếm lĩnh hoàn toàn Trung Quốc như cách Walmart thống trị hoạt động kinh doanh siêu thị ở Mỹ. Chuỗi siêu thị lớn nhất, Shanghai Bailian, chỉ chiếm 11% thị phần và gần như chưa bước ra khỏi "sân nhà".
So sánh hoạt động của Walmart Trung Quốc với Wumart, chuỗi siêu thị có trụ sở tại Bắc Kinh, thấy nhiều điểm khác biệt. Wumart rẻ hơn - vì thế mà đống gà tươi bày bán thiếu vệ sinh và mỹ quan đó vẫn đắt khách. Walmart được đánh giá hấp dẫn hơn, đến mức có lẽ nhiều khách hàng ở Mỹ cũng phải thấy ghen tị.
Các cửa hàng của hãng ở đây được chiếu sáng tốt, sạch sẽ. Sản phẩm an toàn, đáng tin cậy, trình bày bắt mắt, dù có thể khác đôi chút những mặt hàng bày bán tại Arkansas. Các bể chứa đồ thủy hải sản đầy ắp cá và rùa biển tươi sống và khách hàng có thể chọn làm thịt tại chỗ hay mang về nhà chế biến. Những món hấp dẫn khác còn có tổ chim, chân lợn và hải sâm.
Walmart, hãng bán lẻ khổng lồ của Mỹ, có mặt tại Trung Quốc năm 1996, năm năm trước khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tự do hóa ngành bán lẻ. Tuy nhiên, dù khởi đầu sớm như vậy, nhưng những tiến bộ đạt được vẫn rất chậm chạp. Năm 2006, hãng này mua lại Trust-mart của Đài Loan, qua đó bổ sung thêm hơn 100 cửa hàng vào chuỗi siêu thị đang hoạt động tại Trung Quốc của mình. Hiện nay, Walmart có 338 cửa hàng trên 124 thành phố của Trung Quốc, với 90.000 nhân viên và doanh thu hằng năm khoảng 7 tỷ USD. Không tồi, nhưng chỉ bằng chưa đầy 3% doanh thu của hãng tại Mỹ.
Wumart, chuỗi siêu thị có trụ sở tại Bắc Kinh, được Zhang Wenzhong thành lập đầu những năm 1990. Ông đã phát triển một hệ thống IT cho các nhà bán lẻ khi còn học ở ĐH Stanford, nhưng nhận thấy không thể thu hụt được sự quan tâm của bất kỳ nhà bán lẻ nào, ông trở lại Trung Quốc và tự mở một chuỗi cửa hàng. Đến năm 2005, Wumart có hơn 450 đại siêu thị, siêu thị và những cửa hàng tiện lợi.
Khi đó, ông dự định mở rộng lên 1.000 cửa hàng vào năm 2010, nhưng điều này đã không thành sự thực. Wumart hiện tại có 469 cửa hàng với doanh thu hằng năm 14 tỷ nhân dân tệ (2 tỷ USD). Ông Zhang cũng đang phải thi hành án 18 năm tù vì tội hối lộ. Cửa hàng của ông ở Bắc Kinh rất lớn, còn ở những nơi khác thì khá nhỏ nhưng đều rất tham vọng. Fu Yu, đại diện của Wumart, cho biết: "Chúng tôi đang hình dung ra một Walmart của Trung Quốc".
Lịch sự hơn
Wu Jianzhong, chủ tịch Wumart, cho rằng các cửa hàng của Trung Quốc cần phải ngăn nắp và sạch sẽ hơn nữa. "Các chủ cửa hàng bán lẻ nước ngoài ăn mặc lịch sự khi chào đón khách, trong khi người Trung Quốc lại mặc quần lửng vì họ cảm thấy đã quen với khách hàng", ông thở dài. Các giám đốc Trung Quốc ít nhất cũng nên mặc quần dài vào, ông thiết nghĩ. Bằng không, những người nước ngoài có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khống liệt giành "trái bóng" (tiếng lóng tại Trung Quốc để chỉ lượng khách khách hàng).
Doanh thu bán lẻ tại Trung Quốc đạt 1.000 tỷ USD mỗi năm và đang tăng trưởng bình quân năm khoảng 18%. Dân số 1,3 tỷ người của Trung Quốc sống ở thành thị ngày một đông và khao khát tất cả những hàng hóa mà nếu ở một thế hệ trước đây họ không thể mua được. Chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Nhưng tầng lớp trung lưu Trung Quốc vẫn chưa giàu có bằng tầng lớp trung lưu ở các quốc gia khác. Chỉ 1,4% hộ gia đình thành thị có thu nhập trên 15.000 USD một năm. Chỉ 11% khác kiếm được từ 5.000 - 15.000 USD. Và tất cả đều ra sức tiết kiệm, vì trừ khi họ làm việc cho nhà nước, nếu không họ sẽ ít khả năng nhận được mức lương hưu đủ sống.
Trung Quốc muốn đảm bảo ổn định giá cả ở mức thấp. Chính phủ lo ngại bất cứ điều gì có khả năng gây bất ổn trong dân chúng, trong đó có lạm phát. Lạm giá giá tiêu dùng được công bố chính thức là 5,3% nhưng có lẽ còn cao hơn. Chính phủ trung ương vừa phải tăng lãi xuất, cấm đầu cơ các thực phẩm chủ yếu, nâng trợ cấp cho các gia đình thu nhập thấp và tăng lương tối thiểu.
Nước này cũng thi hành quan điểm cứng rắn đối với bất cứ công ty tư nhân nào nghi ngờ gây lạm phát. Unilever vừa bị phạt 310.000 USD đầu tháng này khi thông tin với các phóng viên về việc có thể nâng giá bán sản phẩm, tin tức khiến người dân hoang mang, đổ xô đi đi mua gội đầu.
Các siêu thị có thể giảm giá bán nếu chuỗi cung ứng của họ vận hành trơn tru hơn. Chuyển lương thực từ nông trại ra các cửa hàng phân phối là cả một ác mộng. Trung Quốc gần như không có trang trại lớn. Hơn 4/5 dân số 665 triệu người ở nông thôn canh tác trên các thửa ruộng nhỏ. "Dịch vụ hậu cần, cho thuê kho bãi và vận tải biển còn quá thiếu hiệu quả", Chiang Jeongwen, giáo sư Khoa Tiếp thị của Trường Kinh doanh quốc tế Trung Quốc - châu Âu tại Thượng Hải, nhận xét.
Hướng về miền Tây
Điều cần làm nữa đối với các nhà bán lẻ Trung Quốc sẽ là tiến đến các thành phố kém phát triển của nước này. Đây là "tình huống xí chỗ", một giám đốc Trung Quốc nói. Mọi công ty đều đang tìm kiếm lợi thế là người đi đầu. Tuy nhiên, mặc dù không ai muốn đến quá muộn, nhưng cũng không ai muốn quá sớm. Mở siêu thị tại địa phương khi người dân còn quá thiếu tiền đi mua sắm có thể sẽ phải nhận thất bại.
Toàn bộ thị trường có cảm giác như một "Miền Tây hoang dã". Nhiều khu vực lớn của Trung Quốc còn khá vắn vẻ các siêu thị, và sẽ vô cùng có ích nếu bạn thân thiết với cảnh sát sư địa phương. Các nhà bán lẻ phụ thuộc vào chính quyền địa phương trong việc xin cấp phép và địa điểm hoạt động.
Sunny Wong, CEO của Lifung Trinity, chủ một cửa hàng bán lẻ, nói: "Không gian đắc địa nhất luôn thuộc về tay các đối thủ địa phương". Do đó, cũng dễ hiểu khi, tập đoàn Bailian, nhà bán lẻ lớn nhất Trung Quốc, là một doanh nghiệp nhà nước.
Matthew Crabbe, giám đốc điều hành công ty tư vấn Access Asia, phát hiện: "Sẽ xuất hiện căng thẳng chính trị nếu nhà bán lẻ nước ngoài trở nên quá lớn hay quá có uy thế". Khả năng này rất khó xảy ra. Carrefour và Walmart đều không đều chỉ chiếm xấp xỉ 6% thị trường. Chính quyền cấp tỉnh ưu tiên các nhà bán lẻ trong tỉnh. Chính quyền trung ương thì hỗ trợ nhiệt tình cho tất cả các chuỗi siêu thị của Trung Quốc. Trong khi đó, công ty nước ngoài phải tự vận động. Có thể nói, đây chính là bức Vạn lý trường thành chống lại Walmart và các chuỗi siêu thị lớn khác của nước ngoài.
Đình Ngân (Theo Economist)
DIỂN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|