Các nhà sản xuất đang rời bỏ Trung Quốc
Nhiều doanh nghiệp đã và đang lên kế hoạch rời bỏ Trung Quốc và lựa chọn những quốc gia có nguồn nhân công rẻ hơn như Việt Nam, Ấn Độ và Philippines..
3 thập kỉ trước đây, Trung Quốc là lựa chọn hàng đầu cho các nhà sản xuất lớn và nhanh chóng trở thành công xưởng thế giới nhờ chi phí sản xuất rẻ, chi phí nhân công cạnh tranh và sự hậu thuẫn của chính quyền quốc gia này.
Chính sự xuất hiện của hàng nghìn công ty nước ngoài góp phần giúp cải thiện đời sống của một bộ phận người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, trớ trêu ở chỗ khi đời sống được ổn định, người lao động yêu cầu một mặt bằng lương mới để đảm bảo cuộc sống của họ khiến chi phí nhân công liên tục tăng.
Chi phí này tại Trung Quốc tăng liên tiếp trong 5 năm qua, thậm chí lên cao gần bằng chi phí nhân công tại Mexico làm giảm sự hấp dẫn của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư.
Chỉ số giá tiêu dùng tại quốc gia này tăng 3,3% trong năm 2010 và liên tục tăng mạnh kể từ đầu năm nay. Tháng 4 vừa qua, CPI tăng 5,2% khiến Trung Quốc trở thành một quốc gia đắt đỏ hơn mức dự đoán của các nhà đầu tư khi quyết định rót vốn vào thị trường này một vài năm trước.
Nhiều doanh nghiệp đã và đang lên kế hoạch rời bỏ Trung Quốc và lựa chọn những quốc gia có nguồn nhân công rẻ hơn như Ấn Độ, Việt Nam và Philippines.
Coach là thương hiệu nước ngoài mới nhất công bố kế hoạch giảm dần sản lượng của mình tại Trung Quốc. Hãng phụ kiện cao cấp của Mỹ quyết định chuyển một nửa sản lượng sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh chi phí nhân công.
Coach cho biết sẽ cắt giảm sản lượng sản xuất tại Trung Quốc xuống còn 40 - 50% trong 5 năm kế tiếp bằng việc mở các nhà máy sản xuất mới tại Ấn Độ, Việt Nam,...
Trong cùng thời gian, Coach đặt mục tiêu đạt doanh số bán hàng ở Trung Quốc lên 500 triệu USD trong 3 năm tới.
Chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực đẩy mạnh sự thay đổi của nền kinh tế trong nước bằng việc giảm sự phụ thuộc vào gia công, xuất khẩu nguyên liệu thô, đồng thời đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.
Nhằm đạt được mục tiêu đó, chính quyền quốc gia này cũng khuyến khích việc mở rộng phát triển ở những thành phố ven biển như Thâm Quyến, nhằm thu hẹp chênh lệch giữa vùng thành thị - nông thông và giảm áp lực cho những khu vực thành thị.
Vì vậy, nếu các nhà sản xuất muốn sử dụng lao động với giá rẻ, họ sẽ buộc phải di chuyển đến những vùng sâu, vùng xa hơn. Việc làm này có thể khiến cho phí vận chuyển của các nhà sản xuất tăng lên nhưng cũng giúp họ đón đầu nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận trung lưu đang gia tăng nhanh chóng ở các khu vực này.
Đỗ Hà (Theo FT)
DVT
|