Thứ Hai, 16/05/2011 23:36

Chuyên gia: Nên xem xét kỹ khi tăng dự trữ bắt buộc

Sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 được công bố ở mức trên 3% và tăng trưởng CPI 4 tháng đầu năm gần 10%, trong dư luận có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền đồng, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng nên cân nhắc kỹ càng khi sử dụng công cụ này.

Ông Nguyễn Minh Phong thuộc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, cho rằng căn cứ tình hình hiện nay CPI tháng 5 sẽ thấp hơn mức tăng trưởng CPI của tháng 4 là 3,32% nhưng sẽ không quá thấp. Ông Phong cho biết nhiều dự báo được đưa ra là CPI tháng 5 sẽ xấp xỉ mức 2%, và đây là tháng bắt đầu xu hướng đi xuống của CPI nhưng chưa phải là đà xuống mạnh.

Ông Phong cho rằng NHNN nên tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ ở mức độ vừa phải để có sự đồng nhất về mặt chính sách, tránh như năm 2008 vừa có dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt đã vội vàng nới chính sách tiền tệ và sau đó lạm phát quay trở lại.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng nếu NHNN sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thì phải xem lại quy định về tỷ lệ cho vay trên huy động không được vượt 80% trong Thông tư 13.

Có cùng quan điểm với ông Nghĩa, ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TPHCM, cho rằng dự trữ bắt buộc là công cụ cuối cùng mà NHNN dùng đến vì nó sẽ tác động rất mạnh đến các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ đang trong tình trạng thiếu thanh khoản tiền đồng hiện nay. Hiện nhiều ngân hàng nhỏ đang chạy đua đẩy lãi suất huy động tiền đồng lên đến 18-19% khiến các ngân hàng lớn không muốn cũng phải đẩy lên để giữ khách.

“Nếu tăng dự trữ bắt buộc thì sẽ phải chấp nhận hậu quả lớn có thể là phải hy sinh một vài ngân hàng nhỏ, do vậy đến nay NHNN vẫn chưa dám dùng biện pháp này để kiềm chế lạm phát mặc dù biện pháp về lãi suất gần như đã không có hiệu quả”, ông Dương nói.

Từ đầu năm đến đầu tháng 4 NHNN đã 3 lần tăng các mức lãi suất chủ chốt như lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu… nhưng lạm phát tháng 4 vẫn tiếp tục ở mức cao. Vì vậy, cuối tháng 4 NHNN tiếp tục tăng lãi suất tái cấp vốn lên 14%/năm, và lãi suất tái chiết khấu lên 13%.

Theo ông Dương, ở nước ngoài khi áp dụng công cụ tăng dự trữ bắt buộc, người ta sẽ khoanh vùng các ngân hàng nhỏ và có cơ chế hỗ trợ thanh khoản riêng cho các ngân hàng này, để các ngân hàng lớn không bị ảnh hưởng lan truyền từ các ngân hàng nhỏ. “Có thể tăng dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng nhưng không thể áp dụng đồng bộ cho tất cả các ngân hàng”, ông Dương nói.

Ông Dương và ông Phong ủng hộ việc có thể nâng trần lãi suất huy động lên một mức hợp lý hơn, tức cao hơn mức 14% hiện nay để tránh việc các ngân hàng đang báo cáo không trung thực về tình hình lãi suất và huy động vốn và tiềm ẩn rủi ro về cơ cấu kỳ hạn. Bên cạnh việc nâng trần lãi suất tiền gửi, các chuyên gia này cho rằng nên có cơ chế kiểm soát và thanh tra chặt chẽ việc tuân thủ trần lãi suất hoặc nâng mức mua bảo hiểm tiền gửi lên tỷ lệ thuận với khoản huy động của từng tổ chức tín dụng, như vậy các ngân hàng sẽ cân nhắc hơn trong việc chạy đua huy động đồng thời sẽ có lợi hơn cho người dân.

Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng NHNN cần điều chỉnh tỷ lệ cung ứng tiền một cách hợp lý, tránh quí 1 và 2 thắt chặt quá mức rồi phải bung trở lại vào hai quí cuối năm. Trong năm nay NHNN đặt mục tiêu tăng cung tiền ở mức 15-16% nhưng thực tế đến giữa quí 2 mà cung tiền chỉ tăng có 1% thì mức này, theo ông Nghĩa là quá thấp. "Nên tránh tình trạng thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức đến nổi doanh nghiệp không duy trì nổi mức sản xuất bình thường", ông Nghĩa nói.

Các chuyên gia đều đồng tình cho rằng để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô thì không nên chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ, mà việc siết chính sách tiền tệ phải được thực hiện đồng bộ và quyết liệt cùng với các chính sách về cắt giảm đầu tư công, chi tiêu công.

Theo báo cáo của NHNN, tính đến 21-4-2011, số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước giảm 1,09% so với tháng trước. Trong tháng 4, tiền gửi bằng đồng giảm 1,84% so với tháng trước, trong khi tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 1,46%. Nếu so với cuối năm 2010 thì huy động của các tổ chức tín dụng ước tăng chỉ 0,46%.

Trong 4 tháng đầu năm tăng trưởng cho vay của các ngân hàng là 5,01%. Mức tăng cao này là do dư nợ tăng cao trong 3 tháng đầu năm, trong khi trong tháng 4 theo số liệu của NHNN thì tăng trưởng dư nợ của các tổ chức tín dụng chỉ là 0,11%, trong đó tăng trưởng tín dụng bằng đồng là 0,14%, và tín dụng bằng ngoại tệ chỉ tăng 0,02%.

Thủy Triều

tbktsg

Các tin tức khác

>   Vụ Công ty ALC II: Thủ tướng yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm minh (16/05/2011)

>   “Vốn liếng” vẫn còn nhiều (15/05/2011)

>   Giám đốc nghiên cứu Dragon Capital: VNĐ sẽ ổn định trong thời gian tới (11/05/2011)

>   Chủ động giảm giá nội tệ ở mức vừa phải (11/05/2011)

>   Xử lý nợ Câu lạc bộ London: Ký ức người trong cuộc (09/05/2011)

>   Siết hoạt động cho thuê tài chính (06/05/2011)

>   Mục tiêu đưa vào sử dụng đồng nội khối ASEAN+3 (04/05/2011)

>   Korea Eximbank được mở văn phòng tại Hà Nội (04/05/2011)

>   Xem xét công bố dự trữ ngoại hối của Việt Nam (03/05/2011)

>   Khôi phục thẩm định giá công: Lại “vừa đá bóng vừa thổi còi”? (03/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật