Chương trình bình ổn giá đang được triển khai đúng hướng
Trước thông tin một số mặt hàng bình ổn như đường, dầu ăn, trứng gia cầm có giá bán cao hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM khẳng định, đến thời điểm này hầu hết các mặt hàng trong chương trình bình ổn giá đều đảm bảo tiêu chí thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%, thậm chí có một số mặt hàng thấp hơn từ 20% - 27% như thịt heo, đồng phục học sinh... Ngay cả những nhóm hàng như thuốc tây, sữa bột, các DN tham gia không nhận vốn hỗ trợ từ chương trình nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ các cam kết từ chương trình về đăng ký giá bán, số lượng, chủng loại cũng như thời điểm thực hiện.
Do vậy, việc lấy giá các mặt hàng cùng loại trên thị trường để so sánh với giá hàng bình ổn đôi khi gây ra sự ngộ nhận và khập khiễng. Chẳng hạn, cùng một loại trứng gia cầm của Vĩnh Thành Đạt nhưng nếu lấy giá trứng loại 3 so sánh với giá trứng được bình ổn (loại 1) là không phù hợp. Ngay cả các loại trứng mang nhãn hàng của các siêu thị cũng có từng mức giá khác nhau.
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết công ty hiện đang hợp tác với Co.opMart và BigC để sản xuất hàng nhãn riêng. Sở dĩ giá trứng mang nhãn hàng Wow (BigC) giá bán 19.200 đồng/10 trứng vì đây là trứng loại 3, trọng lượng từ 47 - 53g, trong khi trứng Co.opMart là trứng loại 1 với trọng lượng tối thiểu từ 58g trở lên nên giá bán 22.500 đồng/10 trứng.
Bên cạnh đó, từ ngày 12 đến 25-5, Công ty Vĩnh Thành Đạt hợp tác cùng Co.opMart thực hiện giảm giá đặc biệt mặt hàng trứng còn 20.500 đồng/10 trứng. Tương tự, với mặt hàng đường và dầu ăn cũng có nhiều loại sản phẩm với phẩm cấp, chất lượng hoàn toàn khác nhau.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op - cũng cho rằng, khi so sánh giá của những sản phẩm thì cần so sánh chất lượng, phẩm cấp của những sản phẩm đó vì đây là những yếu tố quan trọng cấu thành nên giá của hàng hóa. Ngoài ra, giá cả các mặt hàng còn phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh trong từng thời điểm của các nhà phân phối nhằm thu hút khách chứ không phải thực hiện một cách đồng nhất và cứng nhắc.
Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban vật giá Sở Tài chính TPHCM, cho biết trong tuần tới TPHCM sẽ xem xét lại giá tất cả các mặt hàng bình ổn theo đúng tiêu chí thực hiện của chương trình. Đối với các mặt hàng, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng hơn 15% so với thời điểm giá đã được duyệt trước đó, sẽ được điều chỉnh tăng nhưng vẫn đảm bảo giá bình ổn thấp hơn thị trường ít nhất 10%. Đối với các mặt hàng có nguyên liệu đầu vào giảm, dù các DN đã tự động điều chỉnh (dưới dạng khuyến mãi) cũng sẽ được sở xem xét lại.
Trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng khẳng định, chương trình bình ổn giá của TPHCM đang được triển khai đúng hướng, đúng mục đích. So với năm 2010, tổng số vốn thực hiện bình ổn năm 2011 tăng không đáng kể. Nhưng từ chủng loại, số lượng và các DN tham gia tăng gần gấp rưỡi, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TP, sự nỗ lực rất lớn của các DN trong việc chăm lo bữa ăn, sức khỏe hàng ngày cho người dân TP trong bối cảnh giá cả hàng hóa trên thế giới nói chung và trong nước nói riêng đang có nhiều biến động.
* Ngày 19-5, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên (Satra), Công ty TNHH một thành viên Kỹ nghệ súc sản Vissan, Công ty Thủy hải sản Sài Gòn, Công ty Cofidec, Công ty Trứng sạch Ba Huân, Công ty May mặc xuất khẩu Tân Châu, Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre đã ký kết liên tịch về việc cung cấp hàng hóa bình ổn giá.
Đại diện Đoàn Thanh niên Satra cũng ký kết với các quận đoàn về tổ chức bán hàng lưu động các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm…) bình ổn giá tại 145 điểm ở các khu lao động nghèo, đông sinh viên và công nhân.
Dịp này, các công ty trên tuyển trực tiếp 1.500 lao động phổ thông, ưu tiên người địa phương tại điểm bán hàng bình ổn giá với mức lương tối thiểu từ 2,5 – 4 triệu đồng/tháng.
Th.Hải - H.Thu
Sài Gòn Giải phóng
|