"Tách khỏi EVN, công ty phát điện không thể vay vốn"
|
Ông Đinh Quang Tri |
Thị trường phát điện sẽ vận hành từ ngày 1/7 liệu có làm cho giá điện ít cơ hội tăng lên hay không nhờ tính "cạnh tranh"? Phó TGĐ Tập đoàn Điện e ngại, nếu tách khỏi EVN ngay, các công ty phát điện không thể vay vốn.
Theo nguyên tắc của thị trường phát điện cạnh tranh, các nhà máy điện sẽ phải chào giá trên hệ thống và nhà máy được chọn để huy động là nhà máy có chi phí thấp nhất.
Tuy nhiên, theo công văn mới đây của Văn phòng Chính phủ, các công ty phát điện đang nằm trong EVN sẽ nhóm thành 3 Tổng công ty phát điện (viết tắt GENCO). Trước mắt, 3 Tổng công ty phát điện này vẫn nằm trong EVN, là công ty 100% vốn nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ- công ty con.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ xung quanh câu chuyện này.
PV: Đến cuối tháng 5 mới công bố chính thức kết quả kiểm toán về giá điện. Vậy, khi thị trường hóa giá, khả năng trả nợ của EVN như thế nào?
Ông Đinh Quang Tri: Chúng tôi vẫn nợ của Tập đoàn Than trên 1.000 tỷ đồng, của Tập đoàn Dầu khí khoảng 5.000 tỷ đồng. Và khả năng thanh toán của chúng tôi là rất khó khăn. Như mọi năm, "thông lệ" 6 tháng đầu năm, kinh doanh điện mùa khô là thường lỗ, phải đổ dầu vào chạy phát điện do thủy điện giảm. Đây là lỗ thật nên EVN không thể trả ngay các khoản nợ trên được.
Về việc tăng giá điện, thực chất giá điện tăng từ 1/3 thì tháng 4 mới bắt đầu thu tiền điện.
Trước mắt, chúng tôi đã thống nhất với PVN, ưu tiên trả nợ hợp đồng có liên quan tới đối tác nước ngoài như hợp đồng mua khí, dầu của nước ngoài, đm bảo các nhà máy nhiệt điện khí, dầu của PVN phải đủ tiền trả nhiên liệu đốt. Các khoản liên quan đến lợi nhuận thì thống nhất sẽ trả nợ sau và chúng tôi sẽ trả lãi. Hoàn cảnh của EVN như thế nên chúng tôi buộc phải như thế, chứ nếu có tiền thì chúng tôi đã trả ngay.
Ông đánh giá gì về sự minh bạch của giá điện theo cơ chế mới này?
Tôi cho rằng, đáng lẽ, minh bạch hóa giá điện là phải làm từ sớm để mọi người hiểu chi phí là bao nhiêu. Từ trước tới này, trừ bộ ngành thẩm định giá hiểu rõ, Thủ tướng giờ hiểu rất rõ, chứ người dân không hiểu. Người dân chỉ nhìn đèn sáng và nghĩ là nước tự chảy, dầu, khí từ đất lên nên sản xuất điện là rẻ. Nhưng thực chất không rẻ.
Nhà máy điện Hiệp Phước là một ví dụ. Họ là doanh nghiệp nước ngoài, lỗ là họ cắt điện ngay. EVN thì không thể làm vậy, không thể lỗ mà cắt điện tràn lan.
Giá điện hợp lý có thể hiểu là giá phải theo thị trường và như vậy, giá điện sẽ phải tăng khi mà mức giá điện được cho là phải tăng 62% mới "đủ'?
Về nguyên tắc, chúng tôi rất muốn thị trường hóa ngành điên nhanh, đủ điện và giá điện hợp lý. Giá điện như thế nào là hợp lý thì chỉ có thị trường mới nói được.
Giá điện mà hợp lý thì tôi chắc chắn, nhiều doanh nghiệp vào làm điện. Trước đây, chúng ta cố định giá điện ở đầu ra trong khi, một loạt giá đầu vào thay đổi. 5-10 năm trước, lúc các công ty, nhà máy phát điện ký hợp đồng mua bán điện với EVN, tỷ giá thấp, chỉ 11.000- 12.000 đồng/USD mà nay, thì đã là 21.000 đồng/USD. Nếu không điều chỉnh, các nhà máy điện không trả nợ được, không thể sản xuất được điện và như thế, họ không phát được điện thì chúng tôi lấy đâu ra điện để bán cho dân?
Theo tôi, giờ làm điện phải thành phong trào và trách nhiệm của doanh nghiệp, của người dân. 3 tháng đầu năm, sản lượng tiêu dùng điện đang giảm sút, chỉ tăng khoảng 10%. Đấy là tín hiệu cho thấy người tiêu dùng giảm dùng điện.
Nói thật, EVN là doanh nghiệp duy nhất muốn bán điện càng ít càng tốt vì rõ ràng, với giá bán ra thấp hơn giá thành thì càng phát càng lỗ. Tôi khẳng định rằng, tới đây, việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới sẽ tuân thủ đúng quy định của thông tư của Bộ Công thương.
Tách khỏi EVN, công ty phát điện càng yếu
Tại sao khi bước vào thị trường điện từ 1/7 tới, EVN không tách bạch các công ty phát điện ra để tránh thị phần lớn, sẽ có lợi thế chi phối thị trường khi chào giá?
Chúng tôi đã báo cáo Bộ muốn thị trường hoá điện nhanh. Bản thân EVN rất muốn tách bạch các khâu ra, tách các công ty phát điện ra khỏi EVN và EVN chỉ giữ vai trò là người mua điện. Tuy nhiên, tới tình hình khó khăn như thế này, nguy cơ thiếu điện hiện hữu, nếu các tổng công ty phát điện mà tách khỏi EVN ở thời điểm này, chuyển sang mô hình là một công ty khác thì sẽ không thể vay được vốn. Trong khi một loạt dự án nguồn điện đang có nhu cầu vốn, cần phải khởi công để tránh nguy cơ thiếu điện về sau. EVN muốn cổ phần hoá cũng phải cần 3 năm nữa, khi đó sẽ dễ bán cổ phần hơn.
Một vấn đề khác là chuyện nhiều nhà máy thủy điện nhỏ không được huy động. Khi thị trường phát điện cạnh tranh vận hành, quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ sẽ thế nào?
Với thuỷ điện dưới 30MW, các công ty điện lực sẽ mua với chi phí tránh được, Bộ sẽ công bố. EVN chỉ đạo các công ty phải mua hết điện của nguồn này.
Tuy nhiên, tôi xin nói thêm là thực trạng hiện nay, việc đầu tư thủy điện nhỏ là có nơi đã phá quy hoạch. Đáng lẽ, khi xây các nhà máy này thì tuân thủ và xem xét quy hoạch lưới đấu nối. Nguyên tắc, nhà đầu tư nguồn điện phải xây dựng đấu nối lưới truyền tải từ nhà máy phát điện của mình đến lưới điện quốc gia. EVN đảm nhiệm đầu tư phần lưới truyền tải còn lại . Nhưng các nhà đầu tư lại dùng sức ép chính trị từ thông qua địa phương, ép các công ty lưới điện phải đầu tư cả lưới đấu nối đến tận nhà máy. Nếu các nhà đầu tư phải tự làm thì chi phí sẽ cao lên, bị lỗ.
Trong khi đó, các địa phương cứ khởi công thủy điện nhỏ, thậm chí chưa ký hợp đồng mua bán điện đã khởi công, rồi gây sức ép phải mua trong khi lưới truyền tải của EVN bị quá tải.
Đây đang là tranh chấp, một mâu thuẫn cần được giải quyết. Chúng tôi đề nghị Bộ công thương phải làm rất rõ, phần nào ai làm, ai chi phí.
Rút vốn và không tiếp tục đầu tư ra ngành ngoài
Vừa rồi, EVN bị điều chỉnh giảm từ 65.000 tỷ đầu tư xuống chỉ còn 53.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là do đâu, thưa ông?
Những dự án nào mà chúng tôi chưa thu xếp được vốn thì phải dãn lại. Dự án nào 4-5 năm nữa mới phải triển khai thì chúng tôi phải cho chậm tiến độ lại. Dự án nào quan trọng thì mới ưu tiên vốn giai đoạn này.
Khó khăn hiện nay là xuất phát từ việc thiếu vốn đối ứng để vay ngân hàng. Trong khi, hạn mức tín dụng các ngân hàng đang bị khống chế để kiềm chế lạm phát. Ví dụ mỗi lần giải ngân, vay 85% thì vốn đối ứng phải 15%, vay 70% thì vốn đối ứng cũng 30% mà chúng tôi do lỗ nên không đủ.
Vì thế, tôi rất muốn một loạt các dự án điện của các Tập đoàn khác cũng cần đẩy nhanh lên, sẽ góp phần giảm bớt áp lực đầu tư cung ứng điện cho EVN thì tài chính của EVN sẽ khá hơn.
Thưa ông, vậy, việc đầu tư ra ngành ngoài của EVN hiện nay như thế nào?
Chúng tôi có đầu tư ra ngoài là dưới 3% tổng vốn tức khoảng dưới 3000 tỷ đồng, vẫn cách xa Nghị định Chính phủ cho phép ra 30%. Tuy nhiên, tôi khẳng định là EVN đã rút vốn đầu tư ra ngoài ở hầu hết các đơn vị. Thời gian tới, chúng tôi sẽ không đầu tư thêm mới cho dự án nào.
"Nhiều địa phương có nhiều thuỷ điện nhỏ khi thủ tục xây dựng lại chưa đầy đủ, như chưa có hợp đồng mua bán điện. Một vài nơi nhà máy xây xong nhưng đường dây chưa sẵn sàng. Vì chưa có hợp đồng nên đôi khi, các chủ đầu tư phải bán rẻ. Thời gian tới, Bộ sẽ yêu cầu tất cả chủ đầu tư thủy điện nhỏ phải ký hợp đồng theo hợp đồng mẫu. Các chủ đầu tư thực hiện đúng về xây dựng nhà máy diện thì sẽ không bị ép giá."
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng
Các thông số đầu vào giá điện 1/3/2011 theo Thông tư 05/2011 của Bộ Công Thương là: chi phí giá than: cám 4b: 680.400 đồng/ tấn, cám 5: 546.000 đồng/tấn, cám 6a: 472.500 đồng/tấn, cám 6b: 414.750 đồng/tấn, giá khí: 6,69 USD/triệu BTU, giá dầu diesel: 15.500 đồng/lít, giá dầu madut là 13.300 đồng, tỷ giá VND/USD: 19.500 đồng/USD.
Hiện nay, dầu diesel là 21.100 đồng/lít, dầu madut : 17.100 đồng/kg. Tỷ giá: 20.486 đồng/USD, giá than đã tăng 20-40% từ 1/4/2011. |
Bùi Huyền
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|