USD giảm, giá hàng vẫn cao
Tỉ giá USD/VND giảm mạnh trong thời gian qua nhưng giá nhiều mặt hàng nhập khẩu vẫn giữ ở mức cao. Trong khi đó ở một số dịch vụ, nếu như trước đây chuộng USD thì nay chuyển qua VND.
|
Dù tỉ giá giảm nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu vẫn chưa thể giảm giá bán. Trong ảnh: bốc xếp phân bón tại cảng Sài Gòn, TP.HCM. |
Theo các đầu mối nhập khẩu thực phẩm và một số loại hàng hóa như thức ăn chăn nuôi, phân bón..., mặc dù giá USD đã giảm khá mạnh nhưng giá hàng nhập khẩu vẫn chưa thể điều chỉnh.
Chưa giảm do giá thế giới tăng
Giảm thêm giá bán USD
Ngày 27-4, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm giá bán USD. Eximbank giá bán USD cuối ngày 27-4 chỉ còn 20.675 đồng/USD, giảm 5 đồng/USD so với buổi sáng. Trong khi đó ngân hàng ACB và Vietcombank cũng đồng loạt giảm giá bán xuống còn 20.670 đồng/USD. Giá mua USD niêm yết tại các ngân hàng chỉ còn 20.570-20.580 đồng/USD, giảm 20-30 đồng/USD so với đầu ngày.
Trong vòng một tuần qua giá bán USD của ngân hàng đã giảm 265 đồng/USD. Tại thị trường tự do, giá mua USD tiền mặt chỉ còn khoảng 20.500 đồng/USD, trong khi đó giá bán ra khoảng 20.700 đồng/USD. |
Ông Vũ Duy Hải, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam, nói ở thời điểm giá USD tăng cao, có lúc lên gần 22.000 đồng/USD, lãi suất ngân hàng cũng cao khiến các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón phải hạn chế nhập hàng dự trữ. Nay giá USD đã giảm nhưng giá phân bón quốc tế lại đang có xu hướng tăng mạnh.
Nếu như cách đây một tháng giá urê nhập khẩu là 380 USD/tấn thì nay nhảy lên 420 USD/tấn. Giá phân kali từ 460 USD/tấn đang được dự kiến đưa lên mức mới 510 USD/tấn. Với đà tăng giá nhập khẩu này, giá USD dù có giảm cũng không bù đắp nổi.
Tương tự, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm cho biết không thể giảm giá bán ra trong nước cũng vì nguyên nhân giá nhập khẩu tăng quá mạnh. Theo vị giám đốc này, hiện nay giá cánh gà nhập khẩu đã lên đến 2.250 USD/tấn, tăng 20% so với giữa tháng 2 năm nay.
Tính từ đó đến nay giá USD mà công ty mua để nhập hàng giảm được bình quân 5%, cộng thêm 3-4% phí không phải trả cho phía bán. Cộng hai khoản này lại, giá bán ở thời điểm hiện tại vẫn phải chênh hơn trên 10% so với giá bán hồi giữa tháng 2.
Ông này cũng cho hay với hàng thực phẩm nhập khẩu, sau khi giá USD giảm, phải khoảng ba tuần hàng hóa mới có thể điều chỉnh giá đại trà. Vì nếu mua USD thanh toán ở thời điểm này phải chờ ít nhất khoảng thời gian trên hàng mới ra đến thị trường do doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục nhập khẩu, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và phụ thuộc vào người mua sỉ.
Một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm khác cho biết đơn vị này thường phải mua USD theo giá thị trường tự do, có thời điểm mua 22.000 đồng/USD. Giá USD công ty mua vào để thanh toán cho lô hàng nhập khẩu gần nhất là 20.800 đồng/USD.
Sự chênh lệch của hai mức giá giúp công ty giảm được 2,5-2,7 triệu đồng/tấn hàng. Khi các lô hàng nhập về với giá USD này bán ra thị trường, công ty sẽ thực hiện giảm giá bán theo mức chênh lệch tỉ giá.
Niêm yết giá bằng VND
Giá USD giảm từng ngày nên nhiều công ty lữ hành khuyến khích khách hàng trả bằng VND sẽ lợi hơn, vì nếu trả bằng USD công ty sẽ tính theo giá USD mua vào của ngân hàng chỉ khoảng 20.600 đồng/USD.
Khảo sát tại một số công ty du lịch, không chỉ tour châu Á mà tour châu Âu cũng được khuyến khích trả bằng VND. Các công ty này cũng cố định giá bán bằng VND, do vậy nếu trả bằng USD khách hàng sẽ thiệt hơn vì tỉ giá liên tục sụt giảm. Nhiều đơn vị bỏ luôn bảng giá USD, thay thế bằng giá VND. Đây là điều rất hiếm vì trước đây các công ty luôn ưu tiên khách hàng thanh toán bằng USD và tính theo tỉ giá tại thị trường tự do.
Tương tự, tại các công ty điện máy, giá đang giảm mỗi ngày vì giá các mặt hàng này đều được quy theo USD. Tuy nhiên để tránh tối đa thiệt hại cho mình, các công ty này cố định giá bán theo giá USD bán ra đầu ngày tại thị trường tự do.
Theo nhân viên một trung tâm điện tử trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM), tỉ giá quy đổi hàng hóa ngày 25-4 khoảng 20.800 đồng/USD, trong ngày nếu giá USD giảm thêm công ty cũng không điều chỉnh giá bán ra.
Nhiều người mua hàng bức xúc vì trước khi vào những thời điểm giá USD sốt nóng, công ty lại quy ước giá VND niêm yết trong bảng báo giá chỉ mang tính tham khảo, nếu tỉ giá tăng giá hàng hóa sẽ tăng ngay, trong khi giá USD giảm lại chậm điều chỉnh, đẩy thiệt thòi về phía khách hàng. Tính ra thiệt hại không nhỏ vì những ngày gần đây giá USD cuối ngày thường thấp hơn đến 40-50 đồng/USD so với giá đầu ngày.
Ăn vào vốn
Giá USD giảm mạnh khiến người bảo toàn vốn bằng USD bị ăn vào vốn. Giữa tháng 2, giá USD tiền mặt tại thị trường tự do vượt 22.000 đồng/USD, lo giá USD còn tăng nữa, chị Vân (Q.Phú Nhuận) dồn tiền mua 3.000 USD với giá 22.300 đồng/USD, hết 66,9 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó giá USD liên tục sụt giảm. Đến nay, số tiền này nếu tính theo giá mua của ngân hàng chỉ còn 61,8 triệu đồng.
Nhiều người cho thuê nhà hoặc lãnh lương bằng USD cũng không vui. Anh Hoàng (Q.7) đã ký hợp đồng ràng buộc giá thuê nhà theo USD nhưng có thể thanh toán bằng VND theo giá USD tại thị trường tự do. Trước đây hình thức này luôn lợi cho chủ nhà, nhưng nay giá USD liên tục sụt giảm, người thuê nhà trả bằng USD tiền mặt, tính ra anh bị thiệt đến hai lần vì giá mua USD tại ngân hàng chỉ còn 20.600 đồng/USD. |
Ánh Hồng - Bạch Hoàng
TUỔI TRẺ
|