Thứ Tư, 27/04/2011 22:45

Triển vọng xuất khẩu hạt tiêu

Theo số liệu từ Hiệp hội Hạt tiêu Thế giới (IPC), sản lượng hạt tiêu thế giới trong năm 2010 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 trở lại đây, chỉ còn 316.380 tấn, giảm 0,7% so với năm 2009. Nguồn cung hạt tiêu thế giới sụt giảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng đã khiến các nước xuất khẩu tiêu lớn cắt giảm xuất khẩu.

Xuất khẩu tiêu thế giới năm 2010 đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006 trở lại đây, chỉ đạt 218.100 tấn, giảm 10,23% so với năm 2009. Chính điều này đã đẩy giá tiêu trên thị trường thế giới lên mức đỉnh mới, vượt qua cả kỷ lục năm 2008.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2010 Việt Nam đã xuất khẩu được 116.500 tấn tiêu các loại, trị giá 419,2 triệu đô la Mỹ. So với năm 2009, xuất khẩu tiêu của Việt Nam đã giảm 12,1% về lượng nhưng lại tăng 21,8% về giá trị. Từ năm 2006 đến nay, ngoại trừ năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì các năm còn lại, yếu tố giá đang dần đóng vai trò quan trọng hơn trong kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam. Bước sang năm 2011, trong tháng đầu tiên, xuất khẩu tiêu của Việt Nam đạt 4.590 tấn, trị giá 22,6 triệu đô la Mỹ, tuy giảm tới 39% về lượng so với cùng kỳ 2010 nhưng chỉ giảm nhẹ 3,7% về giá trị.

Theo báo cáo thường niên ngành tiêu Việt Nam năm 2010 và triển vọng 2011 của AgroMonitor, mặc dù là nước chiếm tới 43,6% tổng lượng tiêu xuất khẩu của thế giới nhưng Việt Nam luôn rơi vào tình trạng xuất khẩu ồ ạt khi giá thấp và không còn hàng để bán khi giá tăng cao. Diễn biến xuất khẩu năm 2009-2010 cho thấy, chênh lệch giữa lượng xuất khẩu cao nhất và thấp nhất của Việt Nam lên tới 2,5-3 lần nhưng đơn giá tương ứng thì chỉ có 0,7-0,9 lần. Sở dĩ có tình trạng này là do cả nông dân lẫn doanh nghiệp Việt Nam đều mỏng về vốn và hạn chế về kho trữ, nên thường ký hợp đồng bán luôn khi vừa kết thúc mùa thu hoạch chính. Một đặc điểm đáng chú ý nữa là có tới 85% lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam ở dạng thô.

Năm 2010, mặc dù đạt giá trị xuất khẩu gần 420 triệu đô la Mỹ nhưng Việt Nam cũng đã phải chi tới gần 65 triệu đô la Mỹ để nhập khẩu tiêu các loại. So với năm 2009, giá trị xuất khẩu tăng 21,8% nhưng giá trị nhập khẩu còn tăng nhanh hơn với 180,3%.

Nhập khẩu tiêu của Việt Nam năm 2010 đã tăng rất mạnh trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12, do lúc này sản lượng tiêu trong nước không còn nhiều trong khi nhu cầu nhập khẩu của thế giới cho dịp lễ Tết cuối năm vẫn rất lớn.

Xét chung cả năm 2010, chênh lệch tỷ trọng nhập khẩu/xuất khẩu tiêu của Việt Nam là 15,5%, nếu tính riêng giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12 thì lên tới 35,5%.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1-2011, Việt Nam đã chi 4,1 triệu đô la để nhập khẩu tiêu các loại, giảm 51,1% so với tháng trước đó nhưng tăng 138,4% so với cùng kỳ năm 2010.

Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, năm 2011 Việt Nam sẽ phấn đấu xuất khẩu 120.000 tấn tiêu các loại, trị giá 470 triệu đô la Mỹ. So với năm 2010, chỉ tiêu này chỉ tăng 3% về lượng nhưng tăng tới 12,1% về giá trị. Kế hoạch này hoàn toàn có thể thực hiện được bởi, theo số liệu của IPC, dự báo sản lượng hạt tiêu của Việt Nam năm 2011 sẽ đạt khoảng 100.000 tấn, tăng khoảng 5,3% so với năm 2010. Mặt khác, việc đồng nội tệ giảm giá thêm 9,3% cũng sẽ giúp các nhà xuất khẩu tiêu Việt Nam có lợi thế hơn.

Bên cạnh đó, cũng theo IPC, sản lượng tiêu toàn thế giới năm 2011 sẽ giảm khoảng 2% so với năm 2010, xuống còn 309.952 tấn. Do đó, dù Việt Nam dự báo sản lượng tiêu năm 2011 sẽ tăng nhưng cũng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm mạnh tại Indonesia (dự báo sụt giảm 15.000 tấn do thời tiết khắc nghiệt) cùng với sự sụt giảm nhẹ tại Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 5-2011, các thông tin về tình hình thu hoạch tiêu tại Ấn Độ và Việt Nam sẽ chi phối thị trường. Trong đó, sản lượng tiêu của Ấn Độ niên vụ 2011 được dự báo giảm khoảng 2.000 tấn so với niên vụ trước sẽ tạo điều kiện cho giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam.

Trần Thị Ngọc Yến

TBKTSG

Các tin tức khác

>   30.000 tỷ đồng cho vay phát triển công nghiệp phụ trợ (27/04/2011)

>   Kiểm soát thị trường xăng dầu tránh tin đồn nhảm (27/04/2011)

>   5 mặt hàng thiết yếu có thể phải dự trữ lưu thông bắt buộc (27/04/2011)

>   Sàn giao dịch hàng hóa: Chưa thuận tiện với nhà đầu tư cá nhân (27/04/2011)

>   Bộ Tài chính lại bác tin đồn tăng giá xăng (27/04/2011)

>   Bộ Tài chính đề xuất 3 nguyên tắc quản lý, điều hành giá (27/04/2011)

>   Nóng bỏng với MobiFone tại VICTA 2010 (27/04/2011)

>   Cước vận tải giảm, phụ phí lại tăng (27/04/2011)

>   Làm gì để tăng xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật? (27/04/2011)

>   Cải cách thị trường cần có lộ trình rõ ràng (27/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật