Cải cách thị trường cần có lộ trình rõ ràng
Gần đây Chính phủ đang đẩy mạnh việc cải cách các lĩnh vực xăng dầu và điện theo hướng thị trường. Tuy nhiên, các điều chỉnh giá xăng dầu, điện trong bối cảnh lạm phát thời gian qua càng làm lạm phát gay gắt thêm.
Tăng giá xăng dầu và điện trong tháng 2 và tháng 3 được coi là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá cả tăng đột biến, lên đến 3,32% trong tháng 4. Khả năng tăng giá xăng dầu và điện trong những tháng tới hoàn toàn để ngỏ trước áp lực giá cả hàng hoá trên thế giới tiếp tục tăng mạnh.
Mục tiêu và lộ trình cải cách thị trường cần công khai
Cải cách hai lĩnh vực xăng dầu và điện theo hướng thị trường là việc cần phải làm để nền kinh tế vận hành hiệu quả. Chính phủ đã có ý định xây dựng thị trường cho hai lĩnh vực này từ nửa đầu thập kỷ trước. Tuy nhiên, mục tiêu và lộ trình xây dựng cho hai lĩnh vực này hoặc chưa hoàn thiện hoặc vẫn chưa được công khai để các bên liên quan chuẩn bị điều chỉnh.
Điều mọi người cần biết là các đặc điểm chính yếu muốn đạt được của hai thị trường này sau từng giai đoạn cải cách. Cụ thể là các thông tin về số lượng và thị phần của những nhà cung cấp chính, cơ cấu sở hữu của các nhà cung cấp này, các quy định nhập ngành/ra khỏi ngành ra sao, các quy tắc hình thành giá cả như thế nào để thể hiện tính cạnh tranh của thị trường, và cách thức giảm dần vai trò điều tiết của Nhà nước sẽ được thực hiện như thế nào.
Nhà nước cũng phải thuyết phục dân chúng rằng việc cải cách theo hướng thị trường như vậy là cần thiết và về lâu dài người dân sẽ được lợi.
Xác định rõ chi phí và thời gian mà các bên tham gia phải gánh chịu
Song song với việc công bố công khai mục tiêu và lộ trình thực hiện cải cách theo hướng thị trường, Chính phủ cũng cần chỉ ra các điều kiện cần thiết phải thiết lập để có thể tiến hành được các giai đoạn cải cách. Trên một phương diện nào đó, các điều kiện cần thiết để thực hiện cải cách có thể được xem như là các chi phí mà những bên liên quan sẽ phải chấp nhận gánh chịu để đổi lại lợi ích lớn hơn trong tương lai.
Chẳng hạn để có thể xây dựng được giai đoạn một cho thị trường điện, điều kiện tiên quyết là giá điện phải ngang bằng với chi phí bình quân dài hạn của ngành cộng với một mức lợi nhuận tối thiểu do Nhà nước quy định. Các tính toán của ngành điện, với sự phê chuẩn của các uỷ ban giám sát độc lập, chỉ ra mức giá điện 1.242 đồng/kWh như hiện tại còn thấp hơn chi phí bình quân dài hạn của ngành điện, chẳng hạn 50%. Để đạt được mức giá này nhằm có thể cải cách thị trường từ 1.6.2011, Chính phủ cần chỉ rõ các bên sẽ phải gánh chịu chi phí. Chẳng hạn, để bù đắp mức chênh lệch 50% giữa giá thực tế và mức giá cần thiết để cải cách thì trong năm 2011 người dân sẽ phải gánh chịu 20% và phần còn lại 30% sẽ do Nhà nước gánh chịu; sang năm 2012, người dân sẽ phải chịu tăng thêm 10% nữa còn Nhà nước chỉ phải gánh chịu 20%... và đến năm 2015, người dân sẽ hoàn toàn chịu mức giá vận hành theo giá thị trường.
Để có thể chủ động tiến hành cải cách, Chính phủ có thể hình thành một quỹ phục vụ cải cách như các nước chuyển đổi ở Đông Âu đã làm. Quỹ này dùng để gánh chịu tạm thời các chi phí cho các bên liên quan trong quá trình cải cách các thị trường điện và xăng dầu. Một quỹ như vậy, nếu được vận hành tốt, sẽ vừa đảm bảo tiến trình cải cách được diễn ra theo kế hoạch vừa giảm thiểu được các xung đột lợi ích xuất hiện trong cả quá trình. Nó cũng góp phần thúc đẩy các bên cung cấp thông tin minh bạch và thường xuyên cho dân chúng trong suốt quá trình cải cách.
Đinh Tuấn Minh
sài gòn tiếp thị
|