Thứ Tư, 27/04/2011 08:47

Điện lực Hiệp Phước - bài toán nan giải!

Chưa bao giờ, vấn đề sống còn của Cty TNHH điện lực Hiệp Phước (HPPC) lại khiến cho chính quyền, cơ quan chức năng và nhiều doanh nghiệp ở TPHCM đau đầu như bây giờ. Không phải ngẫu nhiên, trong vài ngày gần đây, tại TPHCM đã diễn các cuộc họp bàn về HPPC. Và, chính quyền TPHCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, xin can thiệp…

Từ đòi tăng giá đến đe phá sản

Như Báo Lao Động từng có bài phản ánh, sau gần 10 năm xây dựng và phát điện phục vụ cho KCN Hiệp Phước, KCX Tân Thuận và khu đô thị Phú Mỹ Hưng, HPPC đã vin cớ TCty Khí VN (Tập đoàn Dầu khí VN) không cung cấp khí cho HPPC nữa, nên HPPC đề nghị UBND TPHCM cho phép tăng giá bán điện lên gấp 3 lần; bằng không, HPPC sẽ phá sản, không phát điện được nữa (do không có khí tự nhiên, HPPC phải chuyển sang chạy điện bằng dầu nhập khẩu với giá quá cao, mỗi tháng lỗ bình quân 5 triệu USD.

Tổng lũy kế suốt thời gian qua, HPPC đã bị lỗ hơn 100 triệu USD). Vấn đề HPPC tồn tại hay không tồn tại cũng đồng nghĩa gắn với sự  “sống – chết” của hơn 160 DN đang hoạt động tại KCN Hiệp Phước và KCX Tân Thuận; chưa kể hàng ngàn hộ dân suốt gần 10 năm qua, lệ thuộc sử dụng điện của HPPC, sẽ không biết lấy đâu ra điện sinh hoạt, một khi HPPC đóng cửa nhà máy?  HPPC đang phải đối mặt hàng loạt thách thức.

Tập đoàn Dầu khí VN đã trả lời: Không thể cung cấp nguồn khí tự nhiên cho HPPC được nữa, khi mà nguồn khí của tập đoàn cũng chẳng dư dả, lại phải tập trung cho các đơn vị trọng điểm khác. Trở lại chạy điện bằng dầu giá cao, bắt buộc phải tăng giá;  nhưng tăng giá, khách hàng không chấp nhận. Mới đây, HPPC ngỏ ý bàn giao toàn bộ khách hàng cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN) gánh giùm thậm chí, “biếu không” toàn bộ hạ tầng là hệ thống lưới điện 110kV, 22kV, 15kV và nhiều trạm biến áp đang cấp điện cho EVN.

EVN thừa hưởng tiếp nhận cả một số lượng lớn khách hàng của HPPC và hệ thống hạ tầng cơ sở, mà không tốn kém chi phí phát triển v.v... Trớ trêu, trước đó EVN cũng từ chối đề nghị trên của HPPC, với lý do, EVN cũng hết sức căng thẳng nguồn điện trong năm 2011, thì lấy đâu ra sản lượng 700 triệu kWh điện/năm để gánh cho HPPC? Chưa bao giờ, HPPC lâm vào cảnh khốn khổ như lúc này. Muốn có khí để phát điện  nhằm giảm giá thành, thì không có khí. Cố gắng phát điện cầm cự bằng  chạy dầu thì  giá dầu tăng cao vùn vụt, càng chạy càng lỗ nặng.

Đề xuất xin tăng giá, nhưng hầu hết khách hàng DN đều phản đối... Xin được chuyển giao toàn bộ khách hàng cho EVN, song  EVN từ chối.  Người ta cảm giác, cứ kéo dài tình trạng này, chắc chắn HPPC sẽ lâm cửa tử trong một ngày không xa. Tuy nhiên, hơn 160 DN tại KCN Hiệp Phước, KCX Tân Thuận và hàng ngàn hộ dân khu đô thị Phú Mỹ Hưng sẽ ra sao, lấy đâu ra điện sử dụng, một khi HPPC “tử”? Hay các DN cũng sẽ “tử” theo HPPC? v.v...

Nguy cơ  thua to

Theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND TPHCM cấp cho HPPC:  HPPC có trách nhiệm “xây dựng một nhà máy nhiệt điện để cung cấp cho KCX Tân Thuận, KCN Hiệp Phước và các cụm phát triển hình thành dọc tuyến đường 17,8km bắc Nhà Bè – Bình Chánh... Thời hạn hoạt động của dự án: 50 năm kể từ ngày 3.6.2003”... Theo luật sư Nguyễn Văn Quynh – Đoàn luật sư Hà Nội: Nếu mọi giải pháp khai thông đều bế tắc, HPPC bắt buộc phải đóng cửa nhà máy, không phát điện, thì chiếu theo các cam kết tại giấy chứng nhận đầu tư, HPPC không giữ cam kết, bắt buộc  HPPC phải có trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại cho khách hàng...

Nói cho cùng, HPPC phải có trách nhiệm làm tròn các cam kết của HPPC tại giấy chứng nhận đầu tư, trong suốt thời hạn 50 năm. Song, trong bối cảnh giá cả đang leo thang như hiện nay, nhiều khó khăn đang bủa vây, có ý kiến cho rằng, HPPC sẽ khó tồn tại chạy dầu lâu dài với giá cao ngất ngưởng. Một khi HPPC chưa đạt được một thỏa thuận nào để EVN nhận giúp khách hàng, thì nguy cơ HPPC càng... thua to trong sự vụ này. Hơn bao giờ hết, bài toán “tồn tại hay không tồn tại” của HPPC đã tới lúc phải đặt trên bàn của Chính phủ, mới mong tìm ra được một lối thoát.

Ngày 22.4, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Chính phủ đề nghị EVN sớm tiếp nhận khách hàng thay cho HPPC. Xung quanh khoản nợ 41 triệu USD, EVN cho rằng không phải EVN nợ HPPC, mà do HPPC tự cộng dồn các chi phí vận hành, đến cuối tháng EVN mới thanh toán cho HPPC. Riêng Tập đoàn Dầu khí VN cho biết: HPPC đang nợ Tập đoàn Dầu khí VN 21 triệu USD mua dầu; ngày 20.3.2011 đã tới hạn thanh toán, nhưng HPPC vẫn chưa thực hiện thanh toán.

Đông Anh

lao động

Các tin tức khác

>   Dự báo CPI tháng 5 sẽ tăng khoảng 2% (27/04/2011)

>   Cá tra "treo ao" hàng loạt (26/04/2011)

>   Doanh nghiệp Nhà nước chuyển đổi: Vì sao lỗi hẹn? (26/04/2011)

>   Những nút thắt của ngành nhựa (26/04/2011)

>   Cần có cơ sở để xin, cho phép tăng (26/04/2011)

>   Mở rộng thị trường từ các FTA (26/04/2011)

>   Ưu tiên điện, vốn cho xuất khẩu (26/04/2011)

>   Chất lượng cá tra: Không thể để WWF muốn nói gì thì nói (26/04/2011)

>   Xuất khẩu cá tra vẫn chưa ổn (26/04/2011)

>   Vụ Vinalines chuộc tàu: "Mất 800.000 USD là do khách quan" (25/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật