Mở rộng thị trường từ các FTA
Nếu chuẩn bị tốt, thì doanh nghiệp có thể tận dụng tốt cơ hội và thị trường xuất khẩu mới do số lượng hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam đang đàm phán là khá lớn.
Theo thông báo của Bộ Công thương, tính đến thời điểm này, Việt Nam và Chile đã tiến hành được 7 phiên đàm phán về FTA song phương và khả năng hai bên sẽ ký kết FTA sau một vài phiên tới.
Tương tự, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư với nước ngoài (FIPA) giữa Việt Nam và Canada cũng được hai bên cơ bản thống nhất về các nội dung chính và có thể ký kết ngay trong năm nay.
Còn ở khu vực châu Âu, các nội dung liên quan đến tác động của FTA với Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan cũng đang được các cơ quan của Việt Nam và Liên minh này tiến hành nghiên cứu. Trong thời gian gần đây, Liên minh châu Âu (EU) tích cực phối hợp tổ chức các sự kiện ngay tại Việt Nam để phân tích những mặt thuận lợi nếu như hai bên ký kết FTA.
Cũng tại khu vực châu Âu, Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA - bao gồm Na Uy, Thuỵ Sĩ, Iceland và Liechtenstein) và Việt Nam cũng đã hình thành nhóm công tác hỗn hợp để nghiên cứu và báo cáo về khả năng tiến hành đàm phán FTA giữa Việt Nam và EFTA.
Ở khu vực châu Á, ngoài việc Việt Nam là thành viên của ASEAN tham gia các FTA với những đối tác lớn, khả năng đàm phán FTA song phương giữa Việt Nam và Lào, Việt Nam và Đài Loan cũng đang được đặt ra.
Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được đánh giá là sẽ mở ra một khu vực thị trường quan trọng vào bậc nhất của Việt Nam nếu như đàm phán thành công. Vòng đàm phán thứ 6 vừa qua, các nước Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Australia, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã bàn bạc các vấn đề liên quan tới thúc đẩy thương mại. TPP là khu vực có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 16.000 tỷ USD, với khoảng 472 triệu dân và được đánh giá là tiến trình hội nhập thương mại tham vọng nhất trong lịch sử khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Điểm qua một loạt các FTA mà Việt Nam đang trong quá trình đàm phán để tiến tới ký kết có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước hàng loạt cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Đơn cử như với thị trường EU, các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam được dự báo sẽ có bước tăng xuất khẩu mạnh mẽ, nếu FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết và có hiệu lực.
“Nếu doanh nghiệp dệt may của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% thì sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn với các nước Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, bởi hàng hoá của các nước này đều có mức thuế suất trung bình trên 11%. Mặt hàng giày dép cũng có lợi thế tương tự nếu được hưởng mức thuế suất ưu đãi vào thị trường EU”, ông Claudio Dordi, chuyên gia của Dự án Mutrap dẫn chứng.
Hay với thị trường Nga, ông Lê Văn Đạo, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác rất tốt thị trường này và có khả năng đưa kim ngạch xuất khẩu vào Nga lên tới 1 tỷ USD nếu được ưu đãi về thuế quan. “Là thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm may mặc, nhưng Nga đang áp thuế nhập khẩu quá cao (tính theo kg sản phẩm), nên doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu vào đây. Nếu có FTA giữa Việt Nam và Nga thì sẽ là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập mạnh hơn thị trường này”, ông Đạo nói.
Trong những buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương gần đây, đại diện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều bày tỏ sự quan tâm rất lớn tới TPP và kỳ vọng, sẽ khai thác tốt thị trường Mỹ nếu TPP được thiết lập và Việt Nam là thành viên của hiệp định quan trọng này.
Tuy nhiên, có một thực tế cần quan tâm là, có một số FTA mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, song doanh nghiệp vẫn chưa khai thác tốt các lợi thế. Chẳng hạn như với Nhật Bản và mặt hàng dệt may, ông Đạo cho biết, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Nhật Bản của mặt hàng này chỉ khoảng 10%/năm. Hay như với thị trường Trung Quốc, do tập quán chú trọng tới xuất khẩu tiểu ngạch trong một thời gian dài, nên các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được C/O ưu đãi một cách hiệu quả nhất.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp cần quan sát, nghiên cứu kỹ cũng như đóng góp ý kiến thiết thực với những FTA mà Việt Nam đang đàm phán nhằm phát huy hiệu quả từ các FTA này.
Duy Đông
Đầu tư
|