Doanh nghiệp bắt đúng xu thế thời khủng hoảng
Tận dụng tối đa cơ hội thời khủng hoảng để mở rộng sản xuất; tìm cách giữ chân người tài; chú ý về sự thay đổi tâm lý tiêu dùng… là những kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Điều hành doanh nghiệp thời khủng hoảng” do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) vừa tổ chức tại TP.HCM.
Ông Trần Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Vĩnh Tường cho rằng, có 3 đặc điểm của những doanh nghiệp thành công trong khủng hoảng vừa qua: kiểm soát tài chính tốt; quản trị chiến lược tốt và văn hóa nội bộ lành mạnh. “Trong giai đoạn khủng hoảng, nếu doanh nghiệp quản trị tốt thì có thể tận dụng được những cơ hội như: chiếm thị phần/khách hàng với chi phí thấp; thu hút được nguồn nhân lực tài năng và mua bán sáp nhập (M&A) tài sản doanh nghiệp với chi phí thấp”, ông Huy nói.
Trên thực tế, năm 2008, mặc dù ảnh hưởng nghiêm trọng của khủng hoảng, nhưng đây lại là năm Công ty này Vĩnh Tường phát triển mạnh nhất. Lý giải vấn đề này, ông Huy cho biết, khi khủng hoảng, các doanh nghiệp co cụm lại, nhưng Vĩnh Tường lại xác định đây là cơ hội phát triển, nên doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng thêm chi nhánh ở Hà Nội, Campuchia, Singapore… Nhờ vậy, doanh thu đã tăng trưởng mạnh trong năm khó khăn đó.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trước khủng hoảng kinh tế, nếu doanh nghiệp cảm thấy không đủ sức chịu đựng, thì có thể tìm một “ốc đảo” nào đó để lánh nạn, chờ “cơn bão” giá đi qua.
Trong khi đó, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, trong khủng hoảng, thị trường nông thôn, nơi chiếm trên 70% dân số, có nhiều cơ hội để doanh nghiệp khai thác. “Chúng tôi đã đầu tư hệ thống phân phối ở 3 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phủ kín hệ thống phân phối khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và tiến tới mở rộng ra phạm vi cả nước”, bà Hạnh cho biết.
Chia sẻ vấn đề giữ chân người tài ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kinh Đô (KDC) cho biết, để thu hút người về công ty, lương là yếu tố đầu tiên, nhưng văn hóa công ty cũng không kém phần quan trọng. “Thông thường, để giữ chân nhân viên, chúng tôi tổ chức nhiều khóa đào tạo, để làm sao nhân viên mới có cơ hội cống hiến cho công ty. Đồng thời, chúng tôi tạo ra môi trường làm việc thân thiện”, ông Thành chia sẻ.
Một vấn đề rất quan trọng nữa mà doanh nghiệp cần lưu ý trong bối cảnh khủng hoảng là tâm lý tiêu dùng đã ít nhiều thay đổi. “Doanh nghiệp nên chú ý diễn biến tâm lý người tiêu dùng, lưu ý công cụ kỹ thuật quảng bá sản phẩm mà xu hướng tiêu dùng đang quan tâm. Trước đây, hàng chất lượng cao là chìa khóa vàng để cạnh tranh, nhưng hiện nay, chất lượng cao chưa đủ để cạnh tranh, mà còn phải có nhiều yếu tố khác nữa, như cảm xúc của người tiêu dùng về thương hiệu, mẫu mã sản phẩm…”, bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.
Thanh Tân
ĐẦU TƯ
|