Trung Quốc gom mua sợi tại Việt Nam: lãi trước, lỗ sau
Có giai đoạn, giá sợi tại Việt Nam tăng cao do thương lái Trung Quốc sang thu mua. Trong giai đoạn đó, một số doanh nghiệp tưởng thu lời, hoá lỗ do phải mua lại nguyên liệu giá cao hơn.
Công ty dệt may T. tại TP.HCM tưởng lãi được 40 tỉ đồng trong tháng đầu năm 2011 nhờ bán sợi cho Trung Quốc với giá cao, nhưng sau đó phải chấp nhận mua nguyên liệu với mức giá cao hơn. Trong vòng hơn một tháng, công ty này thiệt hơn 2 tỉ đồng. Thị trường vải, sợi nội địa đã liên tục bị biến động giá khi Trung Quốc tăng cường thu mua, gom nguyên liệu từ các công ty Việt Nam.
Gom hàng, đẩy giá lên cao
Tình trạng Trung Quốc gom hàng từ Việt Nam xuất hiện từ năm ngoái, lên đỉnh mức giá cao nhất trong các tháng cuối năm 2010 và quý 1/2011 này. Bà Khương, giám đốc công ty kinh doanh vải có văn phòng đặt tại chợ vải Soái Kình Lâm cho biết: “Họ gom nguyên liệu sợi chủ yếu từ các công ty nhỏ và vừa với chiêu thức nhận hàng trả tiền ngay, cộng thêm chấp nhận giá cao hơn 5 – 10% so với giá chung của thị trường, khiến các công ty có bao nhiêu sợi là gom bán hết”. Việc gom nguyên liệu diễn ra chủ yếu ở các công ty nhỏ và vừa, được sự hỗ trợ của các thương nhân và công ty thương mại trong ngành.
Nhu cầu không nhỏ như vậy xuất hiện khiến cho giá sợi tăng. So với một năm trước, giá sợi hồi đầu năm nay cao gấp ba lần. Giới kinh doanh cho hay, có giai đoạn thị trường lâm vào tình trạng thiếu sợi, một số doanh nghiệp may mặc phải sản xuất cầm chừng.
Ông Trần Đăng Tường, chủ tịch hiệp hội Sợi Việt Nam cho biết, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng sản lượng trong thời gian gần đây chủ yếu do họ mua bán dễ dàng, không đòi hỏi chất lượng quá khắt khe, nên các đơn vị sản xuất nhỏ tham gia nhiều. Các công ty lớn chỉ bán cho Trung Quốc khoảng 10 – 20% sản lượng do quy trình sản xuất sợi theo tiêu chuẩn cao hơn, giá cao và đã có khách mua hàng ổn định từ Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia…
Theo phân tích của hiệp hội Sợi Việt Nam, giá sợi của Việt Nam rẻ hơn giá sợi tại Trung Quốc, do giá bông (chiếm khoảng 70% giá thành sợi) nhập khẩu vào Việt Nam không phải chịu thuế. Trong quá trình chuyển đổi, công suất của các nhà máy kéo sợi của Trung Quốc không đáp ứng đủ cho ngành dệt của nước này. Thống kê của hiệp hội Sợi Việt Nam cũng cho thấy, giai đoạn từ nửa sau năm 2010 đến quý 1/2011, các nhà máy sợi ở Việt Nam làm đến đâu là bán hết đến đó, không hề có hàng tồn kho.
Lãi lỗ liền kề
Câu chuyện bán sợi cho Trung Quốc lãi không bù được lỗ các doanh nghiệp trong ngành dệt may xem như học phí phải trả do thiếu tầm nhìn, thiếu thông tin dự báo thị trường. Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nói: “Trong ngành, chúng tôi biết khá nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ khi gom hàng xuất sang Trung Quốc rồi phải mua nguyên liệu sản xuất với giá cao hơn, nhưng họ không dám lộ điều này. Vì như thế là kiểu kinh doanh ăn xổi ở thì, thấy lợi trước mắt…”
Sau giai đoạn thu mua đẩy giá lên cao, phía Trung Quốc bắt đầu thay đổi chiến thuật mua bán. Từ giữa tháng 4.2011 đến nay, giá sợi tại Việt Nam đang giảm 10 – 15% tuỳ loại do phía Trung Quốc ngưng mua và xả hàng. Ví dụ sợi TC từ 124.000 đồng/kg còn 114.000 đồng/kg và các doanh nghiệp dự báo giá sẽ có thể giảm nữa. Ông Nguyễn Đức Khiêm, tổng giám đốc công ty dệt may Việt Thắng cho biết: “Một số công ty bắt đầu có tồn kho sợi và vải do doanh nghiệp có tâm lý không vội mua vào, chờ giá xuống nữa”.
Ông Khiêm đánh giá: “Các công ty Trung Quốc dự báo thị trường giỏi hơn”. Theo đó, những giai đoạn phía Trung Quốc tăng mua, và chấp nhận trả giá cao là do họ dự báo giá còn tăng nữa. Người phụ trách kinh doanh sợi ở công ty Thiên Nam cho biết: “Trung Quốc gom hàng, rồi xả hàng đã dẫn đến tình trạng giá nguyên liệu ở Việt Nam không tăng giảm theo nhịp điệu giá của thế giới”. Cụ thể như giá dầu thế giới đang tăng, các loại sợi có thành phần nguyên liệu PE lẽ ra phải tăng theo giá dầu, thì lại bị rớt giá tại thị trường Việt Nam do phía Trung Quốc tạm ngưng mua.
Bích Thuỷ
sài gòn tiếp thị
|