Thứ Hai, 18/04/2011 08:19

Nâng phí hỗ trợ chứng khoán: Thị trường thêm khó

Nhiều CTCK thông báo áp dụng mức phí mới hỗ trợ vốn cho các dịch vụ ứng trước tiền bán CK, đòn bẩy tài chính, cầm cố CK… Trong thời điểm thị trường đang chịu nhiều áp lực giảm giá, điều này sẽ làm thị trường càng thêm khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, NĐT sẽ phải cân nhắc thật kỹ trước các mức phí có thể còn cao hơn khả năng sinh lời của đồng vốn bỏ vào thị trường giai đoạn này.

NĐT chịu phí vốn tới 27%/năm

Theo thông báo của CTCK VNDirect, bắt đầu từ hôm nay (18.4) Cty bắt đầu nâng phí hỗ trợ bảo lãnh thanh toán lệnh mua và phí ứng trước tiền bán CK. Theo đó, VNDirect sẽ áp dụng mức phí ứng trước tiền bán là 0,065%/ngày (tương đương 1,95%/tháng hoặc 23,4%/năm). Phí hỗ trợ vốn cho NĐT cũng được áp dụng ở mức này, tăng 8,33% so với mức cũ. Trước đó, hai dịch vụ này được VNDirect áp dụng từ 4.3 là 0,06%/ngày (tương đương 1,8%/tháng hoặc 21,6%/năm).

NĐT còn “choáng” hơn là mức phí cho vay cầm cố  CK được áp dụng tại CTCK Kim Long (KLS) khi Cty này áp dụng mức cao nhất là 27%/năm kể từ ngày 7.4. Mức lãi suất này áp dụng cho các khoản vay có thời hạn trên hai tháng. Còn các khoản vay có thời hạn dưới hai tháng được áp dụng mức 25%/năm.

Trước đó lãi suất cho vay cầm cố CK niêm yết được NH này áp dụng đồng hạng cho các kỳ hạn ở mức 24%/năm từ ngày 30.3. Như vậy là mới đầy một tuần, lãi suất cầm cố tại đây tăng 1-3%/năm. Phí ứng trước tiền bán CK tự động tại KLS từ ngày 1.4 cũng được điều chỉnh từ 0,05%/ngày (tương đương 18%/năm) lên 0,055%/ngày (tương đương 19,8 %/năm).

Mới đây nhất, cuối tuần qua (ngày 15.4), CTCK Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cũng đã thông báo điều chỉnh lãi suất vay hỗ trợ. Theo đó, từ ngày 20.4 tới, APEC sẽ áp dụng mức lãi suất hỗ trợ vốn cho NĐT 0,07%/ngày (tương ứng 25,2%/năm) thay cho mức 0,065%/ngày (tương ứng 23,4%/năm) hiện đang áp dụng. Hồi cuối tháng hai, phí dịch vụ của APEC là 0,065%/ngày (tương đương 23,4%/năm). Ngoài ra, một số CTCK còn thông báo sẽ áp dụng mức lãi suất 0,07%/ngày (tương ứng 25,2%/năm) đối với các khoản vay quá hạn.

CTCK cũng ít lựa chọn

Làn sóng điều chỉnh lãi suất cho vay vốn, phí hỗ trợ dịch vụ CK của các CTCK đã bắt đầu từ cuối năm 2010. Khi đó, mức phổ biến được các CTCK áp dụng là từ 0,055 - 0,06%/ngày (tương đương 21,6%/năm). Tuy nhiên, gần đây tần suất điều chỉnh có phần dày hơn. Theo một giải thích thì nguồn vốn mà các CTCK hiện dùng để cung cấp các dịch vụ tài chính cho NĐT hiện không phải là dư dật.

Trong điều kiện hiện nay, nhiều CTCK đang phải chịu khá nhiều áp lực do tình hình thị trường không thuận lợi, không kể rất nhiều CTCK hiện đang làm ăn thua lỗ và có lỗ lũy kế. Nhiều CTCK trước đây trích một phần vốn sang cung cấp các dịch vụ tài chính cho NĐT, một số huy động vốn qua phát hành thêm, phát hành trái phiếu... và phổ biến nhất là liên kết, vay vốn các NH mẹ hoặc NH cổ đông hoặc đối tác.

Trong điều kiện hiện nay khi nguồn cung tiền ra thị trường bị thu hẹp lại, tăng trưởng tín dụng bị giới hạn ở mức dưới 20%/năm trong đó tập trung vào lĩnh vực CK, BĐS và các lĩnh vực phi sản xuất khác. Trong khi rất nhiều NH đã cho vay “quá tay” nên buộc phải hạn chế/ngừng tín dụng vào các lĩnh vực không được khuyến khích này. Thêm vào đó, vốn huy động thực tế cũng đã tăng cao khiến lãi suất đầu ra buộc phải tăng theo.

Và khi các NH này tăng lãi suất, các CTCK không thể không tăng theo. CTCK KLS cũng giải thích, Cty có liên kết vốn hỗ trợ NĐT với NH Liên Việt. Do đó, KLS tăng lãi suất cho vay cầm cố CK niếm yết với NH Liên Việt - Chi nhánh Hà Nội là 25%/năm đối với khoản vay có thời hạn từ 2 tháng trở xuống; 27%/năm đối với khoản vay có thời hạn trên 2 tháng.

“Phí các dịch vụ CK tăng cao về mặt tích cực sẽ hạn chế các hoạt động gây rủi ro cho thị trường như việc sử dụng đòn bẩy tài chính tràn lan có thể dẫn tới hiện tượng giải chấp do NĐT vỡ nợ. Nhưng mặt khác nó sẽ tác động tới tâm lý NĐT, hạn chế công cụ cho thị trường CK. Và hơn thế, điều này có thể khiến tốc độ quay vòng vốn giảm xuống và làm giảm thanh khoản thị trường”, lãnh đạo một CTCK bày tỏ.

Tuy thế, ông này cũng cho rằng, việc tăng phí hiện là bắt buộc với nhiều CTCK trong việc cân đối chi phí và cân đối nguồn vốn để đảm bảo mục tiêu trước mắt là hạn chế mọi khoản gây lỗ cho hoạt động của CTCK. Đối với những CTCK có mức lãi suất hỗ trợ thấp hơn hiện chưa thấy có thông báo tăng phí, nhưng vẫn bỏ ngỏ khả năng tăng phí trong trường hợp hoạt động này phát sinh khoản lỗ.

Vị lãnh đạo trên cũng cho rằng: “Giờ không phải là lúc các CTCK cạnh tranh nhau bằng các khoản phí hỗ trợ các dịch vụ tài chính cho NĐT, bởi trong điều kiện thị trường èo uột như thời điểm này thì bản thân NĐT cũng chọn những cách thức đầu tư đảm bảo an toàn nhất cho đồng vốn của mình. Nhất là khi giá cả có thể còn tiếp tục tăng cao, lạm phát chưa xác định được đỉnh, nguồn tiền mới chưa dám gia nhập thị trường...”.

Lưu Thủy

lao động

Các tin tức khác

>   Tòa sắp xử vụ tranh chấp tại CTCK VIS (16/04/2011)

>   Bối rối chọn kênh đầu tư (16/04/2011)

>   Tiền nhàn rỗi bỏ vào đâu? (15/04/2011)

>   Tranh chấp chứng khoán ngày càng phức tạp (15/04/2011)

>   PXT thông qua kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2011 (15/04/2011)

>   Chứng khoán chờ lạm phát giảm (15/04/2011)

>   Nợ khéo (14/04/2011)

>   Lãi suất cầm cố chứng khoán lên 27% một năm (14/04/2011)

>   Chứng khoán đang rất cần tái định vị (14/04/2011)

>   CAN hủy Đại hội thường niên do cổ đông Nhà nước không đến (14/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật