Tòa sắp xử vụ tranh chấp tại CTCK VIS
Lần đầu tiên, một tranh chấp giữa NĐT và CTCK sẽ được phán xét tại tòa án, dự kiến diễn ra ngày 28/4 tới. Chưa rõ kết quả phán xử cuối cùng ra sao, hồi chuông cảnh báo về quản trị rủi ro tại các CTCK lại một lần nữa phát đi báo động đỏ.
|
Lần đầu tiên, một tranh chấp giữa NĐT và CTCK sẽ được phán xét tại tòa án (Ảnh minh họa: Internet) |
NĐT: "VIS tự ý giao dịch trên tài khoản"
NĐT Phan Đức Chiến cho biết, anh mở tài khoản số 020C102779 tại CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) - Chi nhánh TP. HCM và ủy quyền mua bán cho chị Thủy Tiên. Từ ngày 28/9/2009 đến 29/10/2009, anh đã 11 lần nộp tiền vào tài khoản, với tổng số tiền 4,8 tỷ đồng. Kể từ ngày 30/9/2009 đến 3/11/2009, anh Chiến và chị Tiên đã đặt 10 lệnh mua và 7 lệnh bán trực tiếp tại sàn và qua điện thoại. Cho đến ngày 3/11/2009 - ngày cuối cùng anh Chiến giao dịch thì tài khoản lãi gần 80 triệu đồng (chưa trừ phí giao dịch). Tuy nhiên, trong thời gian này, anh Chiến phát hiện tài khoản bị tự động mua bán và rút tiền. Do đó, anh gửi đơn khiếu nại tới VIS và yêu cầu Công ty giữ nguyên hiện trạng tài khoản trong khi giải quyết khiếu kiện. Vậy nhưng, VIS vẫn tự ý mua bán trên tài khoản 020C1022779. Đến ngày 22/12/2009, VIS thông báo số dư tài khoản chứng khoán của anh Chiến bằng 0!
Từ tháng 12/2009 đến tháng 7/2010, NĐT Chiến và đại diện VIS đã có nhiều cuộc làm việc về vấn đề trên. Anh Chiến yêu cầu CTCK đưa ra các bằng chứng chứng minh về một số giao dịch phát sinh như sổ lệnh, sao kê tài khoản. Đồng thời, yêu cầu khôi phục nguyên trạng tài khoản, dừng mọi giao dịch. Trước yêu cầu này, vào tháng 5/2010, VIS đã khôi phục lại tình trạng số dư tiền và chứng khoán như tại thời điểm ngày 17/12/2009 (với 4 mã chứng khoán KLS, VCB, DRC, HAG và số dư tiền âm 2,9 tỷ đồng). Ngay sau đó, VIS thực hiện phong tỏa tài khoản, yêu cầu NĐT Chiến thanh toán số tiền thiếu hụt.
Trước tranh chấp mới này, NĐT Chiến đã có đơn gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. HCM, rồi sau đó là TAND quận 1, TP. HCM, yêu cầu VIS trả cho anh số tiền 4,8 tỷ đồng.
VIS: "Thua lỗ, khách hàng đổ thừa"
Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Linh, Tổng giám đốc VIS cho biết, tất cả các giao dịch tại tài khoản 020C102779 đều xuất phát từ khách hàng Chiến và người được ủy quyền. Tuy nhiên, trong quá trình đặt lệnh, nhân viên của VIS đã có sơ suất nghiệp vụ. Tận dụng các kẽ hở, sau khi thua lỗ, khách hàng đồ thừa cho VIS tự ý giao dịch.
Trong văn bản trả lời các khiếu nại của NĐT Chiến, ông Võ Thiên Chương, Giám đốc Chi nhánh VIS cung cấp một số thông tin xung quanh nghi án trên. Theo ông Chương, khách hàng Chiến mở tài khoản và đăng ký các dịch vụ bổ sung như tra cứu thông tin tài khoản trực tuyến, tra cứu nhận thông tin về kết quả khớp lệnh qua hệ thống tin nhắn VIS-SMS. Trong quá trình giao dịch với VIS, khách hàng đã tận dụng chính sách ưu đãi của Công ty cho phép khách VIP đặt các lệnh mua chứng khoán và thanh toán chậm một thời gian (CTCK có trách nhiệm ứng vốn để đảm bảo số tiền thanh toán vào ngày T+3 và khách hàng có nghĩa vụ hoàn trả sau đó). Đến ngày 21/10/2009, tổng số tiền khách hàng chậm thanh toán cho CTCK lên tới 13,3 tỷ đồng. Nhận thấy rủi ro khi giá trị số chứng khoán trên tài khoản đang trên đà suy giảm, VIS đã ngừng việc cho phép khách hàng tiếp tục đặt lệnh mua trả chậm và yêu cầu khách hàng thanh toán số tiền chậm trả. Qua nhiều lần được đề nghị nhưng khách hàng vẫn chiếm dụng vốn, buộc VIS phải xử lý làm hai đợt (ngày 17/11/2009 và ngày 17 -18/12/2009). Để đảm bảo cho công tác điều tra và việc xử lý tài sản thu hồi hợp pháp, cuối tháng 5/2010 CTCK đã khôi phục tài khoản như thời điểm đầu ngày giao dịch 17/12/2009.
Lý lẽ hai phía chưa đủ thuyết phục
Về vụ việc trên, TAND quận 1, TP. HCM đã tổ chức nhiều buổi làm việc nhằm hòa giải và đối chất giữa hai bên. Điều đáng nói là cả khách hàng và CTCK không đưa ra được các lý do đủ thuyết phục để giải thích, bảo vệ cho lý lẽ của mình. NĐT Chiến yêu cầu CTCK cung cấp bằng chứng về việc đặt một số lệnh trên tài khoản chứng khoán. Phía CTCK cho biết, những cuộc đặt lệnh qua điện thoại, hệ thống có thu âm, nhưng các file tạm thời bị mất, vì vậy VIS sẽ chứng minh bằng các chứng cứ logic khác. VIS lập luận, sau khi khớp lệnh, Công ty đều gửi tin nhắn báo kết quả cho khách hàng vào số di động đã đăng ký. Vì vậy, NĐT Chiến đã biết toàn bộ thông tin liên quan đến giao dịch của mình. Tuy nhiên, NĐT Chiến phủ nhận và cho biết, anh chỉ nhận được một số tin (không nhớ số lượng và chi tiết cụ thể). VIS lại cung cấp thông tin ngược lại, vào ngày 13/10/2009, Công ty bán nhầm cổ phiếu của khách hàng nên bị khiếu nại. Sau đó, CTCK đã tiến hành bồi thường ngay cho NĐT Chiến vào hai ngày 15 - 16/10/2009. Hoà giải không thành công, cả khách hàng và CTCK chờ phán quyết của tòa án.
Thêm lần báo động đỏ
Về tranh chấp này, Cơ quan cảnh sát điều tra CA TP. HCM đã có Công văn 1743/CV-PC 46 gửi Viện kiểm sát nhân dân TP. HCM. Cơ quan chức năng nêu 4 kết quả điều tra.
Thứ nhất, từ tháng 9/2009 tới tháng 12/2009, trên tài khoản 020C102779 có 13 chứng khoán được mua bán, với 31 lệnh mua, 27 lệnh bán, trong đó có 10 lệnh bán do VIS thực hiện không được sự đồng ý của NĐT Chiến. VIS lưu 29 lệnh, nhưng tất cả đều không có chữ ký của khách hàng. Với các lệnh qua điện thoại, VIS cũng không có file ghi âm chứng minh khách hàng mua bán. Kết quả quá trình mua bán khiến tài khoản lỗ 4,36 tỷ đồng, nhưng không có căn cứ xác định lệnh của ai, nguyên nhân gây lỗ. Thứ hai, tài khoản của NĐT Chiến có dấu hiệu mua chứng khoán khống: VIS có chính sách cho khách hàng VIP mua chứng khoán khi tài khoản không có đủ tiền, nhưng hai bên không có hợp đồng thỏa thuận về việc vay nợ. Thứ ba, VIS ứng trước tiền cho khách hàng sai quy định: các lệnh bán chứng khoán được khớp lệnh thì sau 3 ngày tiền mới về tài khoản, nhưng trong ngày T+0 tiền đã được ứng trước. Thứ tư, VIS tự ý bán một số cổ phiếu trong tài khoản khi không được sự đồng ý của NĐT Chiến. Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc này và chuyển hồ sơ vè Viện Kiểm sát nhân dân TP. HCM.
Tranh chấp tại VIS nêu trên tương tự như các khiếu kiện đã phát sinh tại một loạt CTCK khác như APEC, VNS, Bảo Việt, Âu Việt... Kết luận cuối cùng thuộc về cơ quan có thẩm quyền. ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin tới NĐT. Nhưng sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về quy trình quản lý rủi ro hiện nay tại các CTCK khi quá dễ dãi trong việc quản lý nhân viên, coi nhẹ quy trình kiểm soát nội bộ.
Giang Thanh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|