Giá đường giảm, tiêu thụ vẫn chậm
Hiện giá đường thế giới đang có xu hướng giảm khoảng 100 USD/tấn, đồng thời thuế nhập khẩu một số mặt hàng đường cũng vừa được Bộ Tài chính điều chỉnh giảm 15%. Nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) đang phải tiết giảm hoạt động sản xuất vì sức tiêu thụ của thị trường khá chậm, lượng đường tồn kho lớn.
Bà Phạm Thị Sum- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) - cho biết, giá đường thế giới đã giảm hơn 100 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 3/2011, còn khoảng 700 USD/tấn. Trong năm nay, Công ty đường Biên Hoà sẽ được nhập gần 30.000 tấn đường thô để tinh luyện nhưng tới nay công ty mới chỉ nhập khoảng 10.000 tấn, số còn lại chưa dám nhập vì thời gian này sức tiêu thụ sản phẩm đường khá chậm. Nếu so với giá nhập khẩu đường thô, khoảng gần 700 USD/tấn, DN sản xuất được lời hơn vì giá mía trong nước đang ở mức cao (1,2 triệu đồng/tấn). Tuy nhiên, để đảm bảo xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và cân đối kinh doanh, công ty vẫn tích cực mua mía trong dân và tính toán nhập khẩu theo số lượng vừa đủ để không phải ngừng sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Long- Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ- cho rằng, trong vài tháng tới các DN sản xuất đường sẽ gặp khó khăn rất lớn vì giá đường trên thế giới sẽ còn tiếp tục giảm nếu sản lượng đường Brazil và Thái Lan được mùa như dự báo. Hiện nay, nhiều nhà máy đường đang vào vụ sản xuất, rất cần tiền để mua mía nguyên liệu, trong khi đó nếu sản phẩm tiêu thụ chậm, lượng đường tồn nhiều sẽ không thể có đủ vốn quay vòng. Thực tế, trong tuần qua hai nhà máy đường Cà Mau và Kiên Giang đã phải ngưng hoạt động do không còn tiền mua mía nguyên liệu.
Theo ông Hà Hữu Phái- Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam: Đối với các DN nhập khẩu đường để chế biến tinh luyện thì việc giá đường thế giới giảm không tác động nhiều. Nguyên nhân là do mỗi năm Bộ Công Thương chỉ cấp phép nhập khẩu khoảng 50.000 tấn đường thô, số còn lại là đường sản xuất và thương mại. Việc giá đường thế giới giảm chỉ tạo thuận lợi cho các DN sản xuất sữa, bánh kẹo, nước giải khát vì nnhu cầu sử dụng nhiều. Tuy nhiên, theo ông Phái, tính đến thời điểm cuối tháng 2/2011 trong tổng số gần 150.000 tấn đường đã được cấp phép nhập khẩu thì các DN mới chỉ nhập về khoảng gần 30.000 tấn. Các DN có giấy phép nhập khẩu đường sản xuất lớn như Vinamilk (65.000 tấn), Coca-cola, Pepsico (8.000 tấn)… mặc dù không cung cấp các thông tin cụ thể về số lượng đường đã nhập khẩu nhưng đều cho biết hiện nay không phải mùa cao điểm tiêu thụ sản phẩm nên cũng chỉ nhập cầm chừng.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay, lượng đường tồn kho của các DN trong nước ước khoảng hơn 100.000 tấn. Từ đầu năm đến giữa tháng 3/2011, các nhà máy đường trong nước đã sản xuất được 860.400 tấn đường (cao hơn cùng kỳ năm trước 70.300 tấn), trừ đi lượng tiêu thụ theo hợp đồng thì lượng đường tồn kho của các nhà máy hiện nay gần 420.000 tấn.
Do ảnh hưởng giá đường thế giới nên giá đường trong nước đang có xu hướng giảm dần. Hiện giá bán đường trắng loại 1 đã có thuế VAT tại kho các nhà máy ở mức 18.000- 18.500 đồng/kg, giá bán sỉ giao dịch tại Sàn giao dịch đường Sacom-STE (TP.HCM) ở mức 19.950 đồng/kg (đối với đường RE 1), 18.000 đồng/kg (đối với đường RS 1). Mặc dù, giá các loại đường đã giảm khoảng 1.200- 2.000 đồng/kg so với đầu tháng 3 và giảm khoảng 20% so với đầu năm, nhưng theo các nhà máy đường thì sức mua của thị trường trong vài tuần nay chậm lại do các nhà đầu cơ hạn chế mua vào vì lo ngại giá đường thế giới sẽ tiếp tục giảm nữa.
Thùy Dương
CÔNG THƯƠNG
|