“Ẩn số Philippines” trên thị trường gạo
Philippines là thị trường xuất khẩu gạo số 1 của nước ta trong những năm gần đây với khoảng 25% tổng lượng xuất khẩu. Do vậy, thích ứng với những thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách nhập khẩu của nước này là điều rất quan trọng.
Chỉ trong một tháng rưỡi vào cuối năm 2009, Philippines đã cấp tập cấp phép cho Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) mở bốn cuộc đấu thầu để nhập khẩu 2,176 triệu tấn gạo cho năm 2010 với giá 637 đô la Mỹ/tấn (giá C&F). Thế nhưng, năm nay, đến thời điểm này Philippines cũng chỉ mới cấp phép cho NFA và cơ quan này mới vừa hoàn tất việc thương thảo nhập khẩu 200.000 tấn gạo của Việt Nam. Việc các công ty tư nhân được quyền đấu thầu nhập khẩu 660.000 tấn gạo tiếp theo chỉ mới được khởi động. Do vậy, nếu mọi sự suôn sẻ thì phải qua thượng tuần tháng 4 năm nay họ mới tỏa ra các thị trường để chính thức thương thảo việc nhập khẩu.
Tuy số lượng 660.000 tấn gạo nói trên có vẻ như là điều đáng chú ý nhất hiện nay, nhưng vấn đề đặt ra là liệu tổng khối lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm nay chỉ dừng lại ở con số 860.000 tấn hay sẽ nhiều hơn?
Có những căn cứ để khẳng định những động thái của Philippines cho tới thời điểm này chỉ là một sách lược nhằm nhập khẩu được nhiều gạo hơn với giá mềm nhất. Mức giá 445 đô la Mỹ/tấn quy FOB cho 200.000 tấn gạo 25% tấm đầu tiên mua của Việt Nam chỉ mới là kết quả đầu tiên.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, trong ba niên vụ liên tiếp gần đây, khối lượng gạo nhập khẩu của Philippines đều vượt hoặc bằng ngưỡng 2 triệu tấn (2,5 triệu tấn; 2 triệu tấn và 2,4 triệu tấn). Còn trong niên vụ hiện tại, tuy các số liệu dự báo ban đầu ở mức 2,5 triệu tấn, nhưng gần đây đã giảm xuống chỉ còn 1,5 triệu tấn. Như vậy, nhu cầu nhập khẩu 860.000 tấn như công bố của Philippines sẽ thấp hơn dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ đến 640.000 tấn. Tuy nhiên, mức giảm này vượt quá xa so với mức tăng sản lượng cũng như tiêu dùng gạo theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, do sản lượng gạo ba niên vụ gần đây của Philippines chỉ dao động xung quanh ngưỡng 10 triệu tấn, trong khi tiêu dùng lên đến hơn 13 triệu tấn, thiếu hụt khoảng 2,3-3,5 triệu tấn. Trong điều kiện như vậy, tuy sản lượng gạo niên vụ hiện tại được dự báo là sẽ tăng gần 580.000 tấn so với niên vụ trước, còn tiêu dùng gạo vẫn chỉ ở mức 13,3 triệu tấn nên khối lượng nhập khẩu 1,5 triệu tấn vẫn làm giảm khối lượng gạo dự trữ của Philippines xuống chỉ còn 2,23 triệu tấn so với 3,35 triệu tấn của niên vụ vừa qua.
Nếu các số liệu dự báo về sản lượng và tiêu dùng gạo của Bộ Nông nghiệp Mỹ là đúng mà Philippines sẽ chỉ nhập khẩu 860.000 tấn gạo như công bố, thì kho gạo dự trữ của quốc gia này sẽ giảm xuống chỉ còn 1,6 triệu tấn so với niên vụ vừa qua. Đây có lẽ là điều quá mạo hiểm đối với quốc gia có số dân xấp xỉ 100 triệu người và thường xuyên phải gánh chịu thiên tai như Philippines.
Từ góc độ khác, cũng có thể đặt câu hỏi liệu Philippines có được mùa vượt xa con số 580.000 tấn gạo, tương ứng với trên 860.000 tấn lúa, như dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ để có thể giảm mạnh khối lượng gạo nhập khẩu hay không? Câu trả lời nhiều khả năng cũng là không thể. Bởi lẽ, năm 2004 dù đạt mức kỷ lục nhưng con số đó cũng chỉ dưới 1 triệu tấn, còn bình quân trong 10 năm trở lại đây thì chưa tới 450.000 tấn/năm. Trong khi đó, để giảm nhập khẩu 640.000 tấn so với dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (860.000 tấn so với 1,5 triệu tấn), niên vụ này Philippines phải tăng sản lượng thêm trên 1,8 triệu tấn lúa. Đây là điều rất khó!
Như vậy, nếu như Bộ Nông nghiệp Mỹ không “bói nhầm”, sau khi tất cả các hợp đồng nhập khẩu tổng cộng 860.000 tấn gạo được hoàn tất, Philippines sẽ còn phải mua thêm trên dưới 600.000 tấn nữa. Chẳng phải trong tháng 3 vừa qua, khi công bố kế hoạch nhập khẩu 860.000 tấn gạo, một quan chức cấp cao của Philippines đã từng phát biểu: “Philippines có thể nhập khẩu gạo nhiều hơn dự kiến”!
Không loại trừ khả năng này sẽ sớm diễn ra, bởi mùa mưa bão trong khu vực và tiếp ngay đó là mùa giáp hạt của Philippines cũng đã rất gần. Trong điều kiện như vậy, thay vì tụt dốc như trong sáu tuần lễ vừa qua, nhiều khả năng giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam hiện nay là sau khi mua 200.000 tấn gạo đầu tiên mở màn cho “chiến dịch” nhập khẩu 860.000 tấn gạo, đâu sẽ là đích nhắm của các công ty tư nhân Philippines?
Xét trên thực tế, trong khi Myanmar phải đóng cửa thị trường gạo để giải bài toán lạm phát, còn Pakistan cũng phải giảm rất mạnh khối lượng gạo xuất khẩu trong năm nay, đích nhắm chủ yếu của các công ty Philippines chính là Thái Lan, Việt Nam và Campuchia. Trong đó, tuy là cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới, nhưng trong suốt 10 năm qua, kỷ lục của Thái Lan đạt được ở thị trường này cũng chưa đến 600.000 tấn vào năm 2008. Năng lực xuất khẩu của Campuchia chắc chắn cũng rất hạn chế so với quy mô nhập khẩu của Philippines.
Có thể thấy, chính sách đa phương hóa thị trường nhập khẩu và đa dạng hóa các chủ thể tham gia nhập khẩu của Philippines không nằm ngoài mục tiêu tạo ra sức ép cạnh tranh để giảm giá gạo nhập khẩu. Trong bối cảnh như vậy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) không chỉ sẽ phải đóng vai trò quyết định để giữ thị phần, mà còn phải làm sao để giành được hợp đồng xuất khẩu với giá phù hợp nhất so với mặt bằng giá thế giới.
Nguyễn Đình Bích
TBKTSG
|