Thuế nhập khẩu ô tô: Linh kiện hay nguyên chiếc?
“Cải cách thủ tục hành chính, tích cực hỗ trợ giúp đỡ doanh nghiệp” là khẩu hiệu đã và đang được ngành hải quan tuyên truyền rầm rộ. Nhưng thực tế có nhiều ví dụ chứng minh ngược lại.
Nhập khẩu bộ linh kiện ôtô về lắp ráp nhưng bị hải quan áp thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam đứng trước nguy cơ phải nộp thêm hàng chục tỷ đồng. Doanh nghiệp đang phải ngừng nhập khẩu, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thêm 60 tỷ đồng tiền thuế ngoài dự kiến
Sau khi có kết luận của Tổ liên ngành, lãnh đạo doanh nghiệp đã 3 lần gửi công văn khẩn thiết gửi hải quan, nhưng đến nay cơ quan này vẫn “án binh bất động”… |
Cuối năm 2010, Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam (sau đây viết tắt là TCT) nhập khẩu 2 lô hàng gồm 90 bộ linh kiện đồng bộ xe ôtô Hyundai County 29 chỗ ngồi và 180 bộ linh kiện xe ôtô tải Hyundai Mighty (tải trọng 2,5 và 3,5 tấn). Sau khi kiểm hóa, cơ quan hải quan cho rằng một số chi tiết chưa phù hợp với các quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN (sau đây gọi tắt là QĐ 05) của Bộ Khoa học và Công nghệ về mức độ rời rạc.
Hệ quả là thay vì phải nộp 13,1 tỷ đồng (số được làm tròn) tiền thuế NK 90 bộ linh kiện, TCT phải nộp tới 49,5 tỷ đồng và gần 36 tỷ đồng cho 180 chiếc xe tải (thay vì 12,4 tỷ đồng). Số tiền thuế chênh lệch ước tính lên tới hơn 60 tỷ đồng. Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc cho biết, nếu thực hiện theo quyết định của cơ quan hải quan, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
Ông Tuấn khẳng định, việc sản xuất lắp ráp xe ô tô Hyundai 29 chỗ và xe tải Mighty 25 tấn, 3,5 tấn là việc làm thường xuyên và lâu dài của TCT trong nhiều năm qua thông qua Hợp đồng chuyển giao công nghệ với Hyundai Hàn Quốc. Vị Tổng giám đốc này cho rằng, các chi tiết của hai bộ linh kiện xe ôtô khách và xe tải do TCT nhập khẩu hoàn toàn đáp ứng các quy định của QĐ 05, đủ điều kiện áp thuế NK bộ linh kiện.
Có hay không chuyện xử ép doanh nghiệp?
Để đảm bảo tính khách quan, TCT đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Tổ công tác liên ngành gồm đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương để đánh giá mức độ rời rạc của bộ linh kiện. Ngày 25/11/2010, Tổ công tác liên ngành đã xác nhận mức độ rời rạc của các mảng thân xe trong lô hàng 90 bộ linh kiện ô tô chở khách Hyundai County 29 và 180 bộ linh kiện xe tải Hyundai Mighty NK so với quy định tại QĐ 05 là chấp nhận được. Ngày 2/12/2010 Bộ KHCN cũng đã có công văn số 3031/BKHCN và ngày 13/1/2011 có công văn số 51/BKHCN-ĐTG khẳng định lại: “mức độ rời rạc của các bộ linh kiện là chấp nhận được”.
60 tỷ đồng là số tiền chênh lệch thuế mà doanh nghiệp phải chịu |
Về phần mình, ngày 28/12/2010, Bộ Công Thương cũng có văn bản (số 13081/BCT-CNNg) bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Bộ Công Thương cho rằng vấn đề này đã được Tổ liên ngành kiểm tra và xác nhận mức độ rời rạc đáp ứng các quy định tại QĐ 05. QĐ 05 là do Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo và ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây là văn bản quy phạm pháp luật mà tất cả các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phải tuân thủ; do đó việc Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản thống nhất ý kiến với Tổ liên ngành được xem là văn bản pháp lý để cơ quan hải quan có căn cứ ấn định mức thuế suất thuế NK đối với các lô hàng nói trên.
Tuy nhiên, theo đại diện doanh nghiệp, cho đến nay cơ quan hải quan vẫn chưa xử lý vấn đề này. Hệ quả là TCT đã phải tạm ngừng NK, điều chỉnh tiến độ sản xuất tại Nhà máy do không đủ linh kiện, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau khi có kết luận của Tổ liên ngành, lãnh đạo doanh nghiệp đã có tới 3 lần gửi công văn khẩn thiết đề nghị cơ quan hải quan nhanh chóng xem xét và thu hồi các quyết định áp mức thuế NK xe nguyên chiếc đối với 2 lô hàng nói trên nhưng đến nay cơ quan hải quan vẫn “án binh bất động”…
Thiết nghĩ, trong tình hính khó khăn hiện nay, sự im lặng của cơ quan hải quan khó có thể coi là “tích cực hỗ trợ giúp đỡ doanh nghiệp”!
Nguyễn Hà
diễn đàn doanh nghiệp
|