Thứ Sáu, 04/03/2011 11:35

Phó Chủ tịch UBCK: Yêu cầu rà soát các vấn đề của KLS

Mang những băn khoăn về cơ sở pháp lý, quyền lợi cổ đông trong trường hợp Kim Long chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh chính trao đổi với phó chủ tịch uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Đoan Hùng, ông Hùng cho biết cũng chỉ mới nghe thông tin, do vậy chưa đưa ra đánh giá, nhận định.

“Tôi vừa yêu cầu công ty chứng khoán Kim Long có báo cáo, đồng thời yêu cầu vụ Quản lý kinh doanh (thuộc uỷ ban Chứng khoán Nhà nước – PV) rà soát lại toàn bộ các vấn đề, như cơ sở pháp lý, báo cáo tài chính, định hướng hoạt động tới đây của công ty”, ông Hùng nói.

Công ty chứng khoán Kim Long – một trong hai công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có tờ trình dừng hoạt động kinh doanh chứng khoán, chuyển sang đầu tư tài chính và bất động sản, để các cổ đông quyết định trong đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 19.3 tới.

Đầu tháng 1.2011, thị trường chứng khoán (TTCK) xôn xao trước thông tin, công ty chứng khoán Kim Long đến hết năm 2010 có số dư tiền mặt lên đến 1.768,94 tỉ đồng, trong đó có tới 1.644,75 tỉ đồng được gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Trong đó, một phần không nhỏ là thặng dư vốn từ đợt phát hành tăng vốn của Kim Long trong năm 2010.

Cả ngàn tỉ đồng gửi ngân hàng, vẫn lỗ

Theo báo cáo tài chính năm 2010, Kim Long đã lỗ 172,81 tỉ đồng (8,53%). Nguyên nhân, theo lý giải của công ty, là do “hoạt động tự doanh – hoạt động chính của công ty không đạt kết quả như mong muốn”. Trong tổng số doanh thu 272,26 tỉ đồng, doanh thu từ hoạt động đầu tư chứng khoán góp vốn – hoạt động tự doanh chiếm 37,5%; doanh thu hoạt động môi giới chỉ chiếm 6,71%.

Việc rút khỏi lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, được ông Hà Hoài Nam, chủ tịch hội đồng quản trị Kim Long, lý giải là “doanh thu từ môi giới chiếm tỷ trọng thấp, cạnh tranh về thị phần môi giới sẽ ngày càng khốc liệt”. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, thư ký hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, hiện có 105 công ty chứng khoán, nhưng 10 doanh nghiệp lớn nắm 50% thị phần.

Đưa ra các ngành nghề kinh doanh dự kiến thay đổi của Kim Long như đầu tư tài chính và nguồn vốn; bất động sản và dịch vụ liên quan; công nghệ thông tin; dịch vụ thương mại, ông Hà Hoài Nam nhấn mạnh tới quy định hiện hành chỉ cho phép công ty chứng khoán nắm giữ không quá 20% số cổ phần của công ty niêm yết và không quá 15% cổ phần doanh nghiệp chưa niêm yết như là “hạn chế” khiến Kim Long phải rời ngành nghề chính. Khẳng định chủ trương tiếp tục triển khai các hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp, ông Nam nhấn mạnh tới yếu tố “có chiều sâu, từng khoản đầu tư không bị ràng buộc và giới hạn”. Vị chủ tịch hội đồng quản trị của công ty dẫn đầu thị phần môi giới chứng khoán trong năm 2009 thừa nhận, khó khăn cơ bản trong quá trình thay đổi ngành nghề kinh doanh là vấn đề nhân sự và trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, việc lựa chọn phân khúc thị trường hợp lý, sản phẩm đủ sức cạnh tranh, thời điểm và quy mô đầu tư phù hợp… cũng phải cân nhắc rất thận trọng.

Việc Kim Long chuẩn bị rút khỏi ngành chứng khoán được tổng giám đốc công ty chứng khoán Kim Eng Việt Nam Lê Minh Tâm, xem là dấu hiệu của giai đoạn tái cơ cấu, loại bỏ các công ty yếu kém, không có năng lực cạnh tranh phát triển là điều tất yếu.

Nhà đầu tư nắm đằng lưỡi

Nhiều cổ đông nội bộ của KLS đã bán xong cổ phiếu

Từ đầu quý 4 đến hết năm 2010, một số cổ đông nội bộ của công ty chứng khoán Kim Long đã bán ra số lượng cổ phiếu lớn, như ông Phạm Tấn Huy Bằng, tổng giám đốc công ty bán ra 500.000 cổ phiếu; bà Nguyễn Thuỳ Linh, kế toán trưởng bán 77.500 cổ phiếu; bà Trần Thị Lan Anh, người có liên quan đến uỷ viên HĐQT đã bán 30.000 cổ phiếu; bà Đặng Thị Thu Hương, người có liên quan đến trưởng ban kiểm soát bán ra 12.500 cổ phiếu. Cũng trong thời gian này, chỉ có ông Nguyễn Đức Tuấn, phó tổng giám đốc công ty mua vào 500.000 cổ phiếu.

Trả lời Sài Gòn Tiếp Thị câu hỏi về quyền lợi cổ đông trong trường hợp doanh nghiệp niêm yết từ bỏ hẳn lĩnh vực kinh doanh chính – gắn với tên tuổi, thị phần, kỳ vọng… để họ quyết định đầu tư, ông Tâm nói: “Quyết định chuyển đổi phải được đại hội cổ đông thông qua. Như vậy đại hội cổ đông mới chính là người ra quyết định chuyển đổi sao cho phù hợp nhất với lợi ích của mình...”

Tuy nhiên, một chuyên gia chứng khoán cho rằng, cổ đông nhỏ của Kim Long hiện nay rơi vào tình cảnh “nắm dao đằng lưỡi”. Bởi cổ đông nhỏ rất ít có tiếng nói trong đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp, nhà đầu tư muốn thoái vốn khỏi doanh nghiệp, họ phải hứng chịu rủi ro lớn, do giá cổ phiếu KLS của Kim Long liên tục giảm sàn, thanh khoản thấp sau khi có thông tin này. Hiện cổ đông nắm giữ từ 1% đến dưới 5% cổ phiếu có quyền biểu quyết của Kim Long chiếm 16,30%, nắm giữ dưới 1% cổ phiếu là 69,88%. Cũng theo chuyên gia này, trong trường hợp được chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, việc gia tăng tỷ lệ đầu tư tài chính và nguồn vốn – theo mục tiêu và kỳ vọng tăng lợi nhuận của doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với rủi ro gia tăng.

Mang những băn khoăn về cơ sở pháp lý, quyền lợi cổ đông trong trường hợp Kim Long chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh chính trao đổi với phó chủ tịch uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Đoan Hùng, ông Hùng cho biết cũng chỉ mới nghe thông tin, do vậy chưa đưa ra đánh giá, nhận định. “Tôi vừa yêu cầu công ty chứng khoán Kim Long có báo cáo, đồng thời yêu cầu vụ Quản lý kinh doanh (thuộc uỷ ban Chứng khoán Nhà nước – PV) rà soát lại toàn bộ các vấn đề, như cơ sở pháp lý, báo cáo tài chính, định hướng hoạt động tới đây của công ty”, ông Hùng nói.

Thảo Nguyễn

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Thêm nhiều doanh nghiệp chốt quyền dự đại hội (04/03/2011)

>   Nhiều sai phạm, Tổng Giám đốc Sabeco chỉ bị tự kiểm điểm? (03/03/2011)

>   LGC giải thể công ty con, HSG thành lập chi nhánh Quảng Trị (03/03/2011)

>   Quỹ VNI tăng tỷ lệ sở hữu tại MIS từ 30% lên 75% (03/03/2011)

>   Ngày 26/03, BBC tố chức ĐHĐCĐ thường niên 2011 (03/03/2011)

>   Giao dịch ký quỹ, cửa mở quá nhỏ? (03/03/2011)

>   Những chiêu tổ chức thành công ĐHCĐ (03/03/2011)

>   Tin chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2011 ngày 02/03 (02/03/2011)

>   Thêm 85 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã giao dịch (02/03/2011)

>   Cổ phiếu bị “treo” sau lưu ký (02/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật