Giao dịch ký quỹ, cửa mở quá nhỏ?
Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động giao dịch ký quỹ đang được Ủy ban Chứng khoán (UBCK) trình Bộ Tài chính xem xét ban hành, trong đó có quy định tỷ lệ ký quỹ là 30:70, tức để được CTCK cho vay 30%, khách hàng phải có 70% giá trị khoản đầu tư. Tuy nhiên, theo nhiều thành viên thị trường, việc cố định tỷ lệ như trên là quá cứng nhắc.
Giám đốc một CTCK tại Hà Nội cho rằng, tỷ lệ giao dịch ký quỹ không nên “chốt” ở mức 30:70 mà cần linh hoạt hơn. Theo thông lệ quốc tế thì tỷ lệ ký quỹ ban đầu là 50% và tỷ lệ ký quỹ yêu cầu tối thiểu là 25%. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam thường có mức độ biến động về giá lớn hơn nhiều so với các thị trường phát triển, nên mức độ yêu cầu ký quỹ tối thiểu cần được nâng cao hơn. Tỷ lệ ký quỹ ban đầu có thể là 50% và tiếp theo là tỷ lệ ký quỹ yêu cầu duy trì ở mức 40%, tức là khi giá trị tài sản ký quỹ của NĐT trong danh mục xuống thấp hơn 40% thì CTCK sẽ thông báo để NĐT có biện pháp nhằm duy trì tỷ lệ ký quỹ tối thiểu (nộp thêm tiền hoặc bán một phần chứng khoán, hoặc cả hai…). Nếu NĐT không có giải pháp khắc phục và khi tỷ lệ ký quỹ xuống sâu hơn (35% chẳng hạn), CTCK sẽ giải chấp một phần hoặc toàn bộ chứng khoán để duy trì tỷ lệ ký quỹ tối thiểu. Cũng theo vị này thì cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên quy định những tiêu chí cơ bản, còn đánh giá khách hàng và chứng khoán ký quỹ nên để cho CTCK tự quyết định trên cơ sở hợp đồng giao dịch ký quỹ.
Trên thực tế, nếu nghiệp vụ này đi vào vận hành, NĐT sẽ có cơ hội gia tăng lợi nhuận bằng việc khai thông nguồn vốn, các CTCK cũng sẽ có thêm nguồn thu và tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt cho rằng, trên TTCK thế giới, tỷ lệ ký quỹ thường được quy định là 50:50. Tuy nhiên, Việt Nam quy định tỷ lệ cho vay thấp hơn là xuất phát từ những lo ngại của cơ quan quản lý, bởi bên cạnh một số yếu tố tích cực thì việc thực hiện giao dịch ký quỹ vẫn tồn đọng nhiều rủi ro. “Khi thị trường đi lên thì giao dịch ký quỹ mang lại nhiều yếu tố tích cực, vì nó sẽ như một đòn bẩy tạo tính thanh khoản, nhưng khi thị trường điều chỉnh, nó sẽ gây áp lực lớn đối với NĐT sử dụng sản phẩm ký quỹ”, ông Dũng nói và cho biết, quy định về giao dịch ký quỹ nếu được ban hành đã là một “thắng lợi” đối với thị trường, còn tỷ lệ cụ thể sẽ linh hoạt tùy theo mã chứng khoán và đối tượng NĐT.
Có thể nói, mục tiêu làm tăng tính thanh khoản cho TTCK được khá nhiều NĐT cũng như các cơ quan quản lý kỳ vọng khi nghiệp vụ giao dịch ký quỹ chuẩn bị được áp dụng. Trao đổi với ĐTCK, ông Johan Nyven, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho rằng, CTCK sẽ có thêm cơ hội hỗ trợ khách hàng khi giao dịch ký quỹ được triển khai, nhưng tỷ lệ 30:70 như trong dự thảo là không hấp dẫn, mức phổ biến phải là 50:50. Tuy vậy, tham gia nghiệp vụ này, các CTCK cần đưa ra các quy định chặt chẽ, có hệ thống công cụ quản lý rủi ro.
Còn theo ông Hoàng Xuân Quyến, Tổng giám đốc CTCK Liên Việt, không nên áp dụng tỷ lệ cố định mà phải tùy vào từng đối tượng NĐT, tùy vào hạn mức tín dụng mà đưa ra tỷ lệ phù hợp. Tỷ lệ 30:70 theo ông Quyến là quá thận trọng, trong khi NĐT vẫn chờ một cơ chế “thoáng” hơn.
Trước đây, UBCK cũng đã đề xuất Bộ Tài chính nâng tỷ lệ giao dịch ký quỹ từ 30:70 lên 50:50, nhưng cơ quan này vẫn giữ nguyên quan điểm là ban đầu nên thận trọng, sau đó tùy vào tình hình thực tế mà nới lỏng dần. Bởi là một nghiệp vụ hấp dẫn song giao dịch ký quỹ vẫn chứa đựng nhiều rủi ro.
Mặc dù chỉ mới là dự thảo, song việc sắp áp dụng nghiệp vụ giao dịch ký quỹ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các thành viên tham gia thị trường. Tuy vậy, sau một vài “lời hứa” về sản phẩm mới của cơ quan quản lý không được thực hiện, việc sớm được sử dụng nghiệp vụ giao dịch ký quỹ trong thời gian sớm nhất là sự “thấp thỏm” của nhiều NĐT.
Ông Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính, Khoa Tài chính DN, Đại học Kinh tế TP. HCM
Theo tôi, UBCK có thể quy định mức sàn cho tỷ lệ ký quỹ, tức tỷ lệ tổi thiếu NĐT phải có. Quy định mức sàn là để các CTCK linh hoạt trong vận dụng cũng như quản trị rủi ro. Ví dụ, nếu tỷ lệ sàn quy định là 50:50, NĐT chứng khoán có 5 đồng, CTCK cho vay 5 đồng thì tùy theo khả năng quản lý rủi ro, tùy theo đối tượng khách hàng, tùy mã cổ phiếu, CTCK sẽ quyết định tỷ lệ áp dụng ở mức sàn là 50:50; 60:40, hoặc cao hơn.
Thực tế là khó có một tỷ lệ chung áp dụng cho mọi trường hợp. Quan trọng hơn, theo tôi, UBCK nên yêu cầu các CTCK trình một phương án quản trị rủi ro khi triển khai nghiệp vụ ký quỹ và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quản trị rủi ro ở các đơn vị này.
Ông Lê Anh Thi, Giám đốc Phân tích CTCK Âu Việt
Việc UBCK ban hành quy định về nghiệp vụ giao dịch kỹ quỹ tạo hành lang pháp lý hợp thực hóa nghiệp vụ đang được thực hiện ở hầu hết CTCK hiện nay là thực sự cần thiết. Cơ chế chính thức này giúp bảo vệ cả NĐT cũng như CTCK trong quá trình triển khai nghiệp vụ.
Tỷ lệ 30:70 là tỷ lệ thấp so với thực tế đang áp dụng hiện nay. Nó thể hiện sự thận trong của cơ quản quản lý. Tỷ lệ này có thể thích hợp với thị trường trong bối cảnh giao dịch trầm lắng hiện nay, nhưng về lâu dài thì nên đưa ra một khoảng tỷ lệ như từ 30:70 đến 50:50 để CTCK linh hoạt áp dụng.
Theo tôi, nghiệp vụ kỹ quỹ có thể sớm được triển khai chính thức vì hiện nay, các CTCK về cơ bản đã đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính mà Bộ Tài chính quy định.
Giám đốc một CTCK
Thực tế hiện nay, các ngân hàng đã cho vay cầm cố chứng khoán tỷ lệ 50:50 với một danh sách khá nhiều cổ phiếu thì tại sao UBCK lại chỉ cho ký quỹ tỷ lệ 30:70?
Nếu quy định tỷ lệ cứng, quá thận trọng và không phù hợp với thực tế như vậy, CTCK sẽ sử dụng cơ chế mềm để cho NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ cao hơn.
Như vậy, UBCK chỉ có thể quản lý những tài khoản ký quỹ, còn các tài khoản không ký quỹ thì vẫn theo cơ chế thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa CTCK và NĐT.
Thực chất, không phải UBCK quản lý tỷ lệ ký quỹ mà là quản việc áp dụng quản trị rủi ro của CTCK.
Tỷ lệ ký quỹ cao mới chứa nguy cơ rủi ro để cần quản trị. Nếu áp dụng tỷ lệ ký quỹ có 7 cho vay 3 thì CTCK làm gì có rủi ro gì mà phải quản trị. |
Hải Vân - Thu Hương
Đầu tư chứng khoán
|