Những chiêu tổ chức thành công ĐHCĐ
Doanh nghiệp càng đại chúng, sức ép để kiếm được đủ 65% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự ĐHCĐ ngay lần đầu tiên càng khó. Chính vì thế, những "chiêu" để có thể sớm đạt được kết quả ĐHCĐ đang được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết rỉ tai nhau.
Đối với những doanh nghiệp có cổ đông lớn là Nhà nước, hay cổ phần chủ yếu do các NĐT tổ chức nắm giữ, thì quy định 65% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự ngay từ lần tổ chức họp ĐHCĐ lần đầu không phải là điều quá khó khăn. Tuy nhiên, không phải công ty niêm yết nào cũng có may mắn ấy khi nhiều đơn vị còn chủ yếu là do NĐT cá nhân nắm giữ. Chính vì vậy, "lách" bằng cách nào để vừa không phạm luật, vừa đạt hiệu quả kinh tế - thời gian cho doanh nghiệp là cả vấn đề.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp niêm yết 2010 do Báo Đầu tư Chứng khoán kết hợp với Sở GDCK Hà Nội (HNX) tổ chức, trong câu chuyện trao đổi giữa lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết đến dự, người viết cảm nhận được sự e ngại khi mùa tổ chức họp ĐHCĐ sắp tới. Trong khi các bên còn đang lo lắng, thì một doanh nghiệp chia sẻ rằng, rút kinh nghiệm năm 2010, năm nay, Công ty sẽ có một chiêu “độc", đảm bảo không bị thất bại. Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, Công ty sẽ thực hiện chốt danh sách tổ chức họp ĐHCĐ trước, ước tính thời gian họp nhưng không đưa ra địa điểm họp. Lý do là, chờ khi có danh sách họp ĐHCĐ do Trung tâm Lưu ký gửi về, công ty này sẽ cân nhắc khả năng thành công của cuộc họp. Nếu ước tính không thể đủ 65% số cổ đông sẽ đến tham dự họp, Công ty sẽ thực hiện tổ chức họp tại… hội trường Công ty. Trên thực tế, việc tổ chức họp này chỉ mang tính đối phó, đảm bảo cho qua lần 1. Sau đó, tại lần tổ chức thứ 2 (với yêu cầu tối thiểu 51% số cổ đông tham dự), Công ty mới tổ chức hoành tráng, thuê địa điểm… Vị giám đốc công ty trên cho biết rằng, việc này sẽ giúp công ty tiết kiệm chi phí, vì nếu không, công ty sẽ phải tốn thêm mấy trăm triệu đặt tiệc, hoa, thuê địa điểm…mà chẳng được việc gì khi cổ đông không đến đủ 65%.
Trong câu chuyện nghĩ kế "lách", trưởng phòng tổ chức hành chính của một công ty khá lớn tại Hà Nội cũng chia sẻ câu chuyện bi hài về cách để đạt được mục tiêu tổ chức thành công ĐHCĐ. Vị trưởng phòng trên cho biết rằng, Công ty ngay khi gửi thư cho các cổ đông, đã lập tức cử nhân viên đến… từng nhà cổ đông căn cứ trên danh sách mà Trung tâm Lưu ký gửi về. Đây là một trong những ưu điểm của các doanh nghiệp có nhiều chi nhánh khắp các miền đất nước. Với việc "phái" nhân viên đến nhà cổ đông để ký văn bản ủy quyền cho HĐQT tham gia họp, việc họp bàn cầm chắc là suôn sẻ.
Tuy nhiên, cách này không áp dụng cho đại trà các doanh nghiệp niêm yết, bởi không phải công ty nào cũng có điều kiện để "phái" nhân viên đi như vậy. Và, một vấn đề phát sinh nữa (mà sau này công ty trên mới… ngấm) là, chẳng hiểu có anh nhân viên nào "lỡ miệng" hứa hẹn gì không, mà sau đấy, cổ đông kiên quyết… kiện doanh nghiệp vì đã "ép" mình đồng ý. Số là, tại thời điểm doanh nghiệp xin ý kiến ĐHCĐ thông qua phương án phát hành, thị trường còn hấp dẫn lắm. Nhưng nay, thấy thị trường đảo chiều, NĐT quay sang… đổi ý. Chính vì thế, vụ việc này khiến công ty này mất toi gần… 2 tỷ đồng và sự việc lại rơi vào vòng ách tắc vì kiện tụng.
Có một "cách" khác mà không ít doanh nghiệp niêm yết cũng đang áp dụng, đó là việc chèn thêm một dòng chú thích vào cuối lá thư mời họp ĐHCĐ. Theo đó, nếu NĐT nào không có phản hồi (bằng văn bản, theo thư mà doanh nghiệp đã dán sẵn phong bì) thì điều đó có nghĩa là, cổ đông đương nhiên ủy quyền cho thành viên HĐQT tham dự họp. Việc này, dù đã có nhiều tranh cãi về việc doanh nghiệp có được quyền làm như vậy hay không, nhưng khi mọi thứ chưa ngã ngũ, thì doanh nghiệp vẫn cứ tạm thời áp dụng.
Ngoài những chiêu lách luật trên cơ sở "luồn khe" như trên, thì không ít doanh nghiệp cũng lựa chọn cách "lách" có phần mạo hiểm hơn. ĐTCK đã nhận được một phản hồi, chưa biết đúng hay sai rằng, có doanh nghiệp còn "xua" cả cán bộ - công nhân viên của mình đến… ký hộ những cổ đông nhỏ lẻ không tham dự ĐHCĐ để cuộc họp vừa đẹp, vừa thành công. Thậm chí, có đơn vị còn nghĩ ra kế (nhưng may quá là chưa áp dụng), là việc chấp nhận bỏ phí mua/bán cổ phiếu để gom cổ phiếu dưới tên những người thân tín có trong danh sách cổ đông kịp ngày chốt quyền dự họp.
Mỗi đơn vị một cách, âu cũng là để hợp thức hóa những quy định của pháp luật. Bởi rõ ràng, quy định của Luật là để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, nhưng khi vì lý do gì đó, cổ đông không cần cái quyền ấy, thì việc nghĩ ra những chiêu thức để hợp lý hóa cũng là điều dễ hiểu. Chỉ mong rằng, cổ đông ý thức hơn, còn Ban lãnh đạo, khi nghĩ ra chiêu thức gì… thì cũng là đứng trên lợi ích bền lâu của doanh nghiệp.
Bùi Sưởng
Đầu tư chứng khoán
|