Lúa gạo, nhìn từ Myanmar...
Sau tổng tuyển cử và bầu ra chính quyền dân sự, Myanmar bắt đầu nới rộng hợp tác với thế giới. Ghi nhận sau đây của TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, tại một hội thảo quốc tế về lúa gạo vào tuần trước, ở thủ đô mới của Myanmar...
Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Myanmar, chiếm khoảng 40% GDP và hơn 55% lao động, trong đó lúa gạo và đậu là hai ngành sản xuất quan trọng nhất.
So với Việt Nam, chính sách nông nghiệp của Myanmar trong một thời kỳ dài trước đây có nhiều khác biệt. Một trong những điều được nêu lên là tình trạng độc quyền, việc áp đặt giá và buộc nông dân phải bán sản phẩm cho nhà nước, kiểm soát xuất khẩu gạo, lúc cho xuất khẩu, lúc ngưng làm mất lòng tin khách hàng. Hiện nay Myanmar vẫn duy trì thuế xuất khẩu 10% đối với gạo.
Giàu và nghèo
Myanmar là quốc gia giàu tài nguyên, có vị trí địa lý thuận lợi trong thương mại quốc tế, vị trí địa chính trị hết sức trọng yếu. Tài nguyên về đá quý, rừng, gỗ cho đến lúa gạo, đậu, sắn, mè, cây có dầu... ở đây mạnh hơn hẳn Việt Nam.
Về gạo, Myanmar từng được mệnh danh là “Chén cơm của châu Á” từ năm 1890. Myanmar là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo trong những năm đầu của thế kỷ trước. Các năm 1901-1920 họ xuất trung bình 2,2 triệu tấn mỗi năm. Từ 1921-1941 xuất gần 3 triệu tấn mỗi năm. Từ 1941-1961, vẫn duy trì được lượng xuất trung bình 1,4 triệu tấn mỗi năm.
Giàu tài nguyên nhưng Myanmar hiện nay vẫn nghèo. GDP bình quân đầu người năm 1900 của Myanmar là 674 đô la Mỹ (là một trong số ít các quốc gia giàu có trong vùng) đến năm 1950 chỉ còn 393 đô la và hiện nay ở mức 600 đô la Mỹ.
Tỷ lệ nghèo điều tra năm 2007 là 32%, trong đó khu vực nông thôn là 36% và đô thị là 22%. Yangon là vùng có tỷ lệ nghèo thấp nhất, trung bình 15%, nhưng ở bang Chin, tỷ lệ nghèo lên đến 73% (Việt Nam, tỷ lệ nghèo năm 2006 là 16%, khu vực nông thôn là 20,4% và đô thị là 3,9%, vùng nghèo nhất là trung du và miền núi phía bắc, tỷ lệ nghèo là 38,3%).
Nhưng người Myanmar rất mến khách, thân thiện và giản dị. Mến khách và tôn trọng khách là dấu ấn sâu đậm nhất của chúng tôi đối người Myanmar trong những ngày làm việc ở đây. Điều thật thú vị là nhiều người trong số các lão nông trong các thôn làng nơi đoàn đến làm việc có thể nghe, hiểu và trả lời được bằng tiếng Anh, là điều mà ở Việt Nam không thấy. (Có thể là vì hồi xưa, Myanmar đã một thời bị Anh cai trị...).
Cạnh tranh...
Myanmar có là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về xuất khẩu gạo hay không? Đây là điều mà tôi muốn tìm hiểu từ trước chuyến đi. Bây giờ câu trả lời của tôi là “có thể”.
Myanmar đã từng là quốc gia xuất khẩu hàng đầu về gạo như Việt Nam. Nếu những lần gián đoạn của Việt Nam có nguyên nhân từ chiến tranh, những lần gián đoạn của Myanmar chủ yếu là từ chính sách bên trong.
Khi Việt Nam trở lại thị trường gạo thế giới thì xuất khẩu liên tục từ đó đến nay hơn 20 năm, số lượng tăng dần qua mỗi giai đoạn. Xuất khẩu gạo của Myanmar từ thập niên 1990 đến nay rất thất thường. Từ 1994-1995 Myanmar xuất khẩu hơn 600.000 tấn mỗi năm, nhưng từ 1997-2000 chỉ xuất vài chục ngàn tấn/năm. Năm 2001 xuất khẩu trở lại ở mức 600.000 tấn, tăng lên gần 1 triệu tấn vào năm 2002 rồi lại giảm mạnh vào năm 2003 và chỉ còn vài chục ngàn tấn năm từ 2004-2007.
Từ 2008 đến nay, xuất khẩu gạo của Myanmar dường như đi vào ổn định và có xu hướng gia tăng. Năm 2008 bị cơn bão Nargis tàn phá nhưng đã xuất khẩu hơn 400.000 tấn, năm 2009 hơn 1 triệu tấn, năm 2010 xuất 1,2 triệu tấn và kế hoạch năm nay sẽ xuất 1,5 triệu tấn. Diện tích trồng lúa niên vụ 2007-2008 đạt 8,1 triệu héc ta, tăng so mức 6,4 triệu héc ta hồi năm 2001-2002.
Sản lượng lúa cũng đã tăng từ mức 21,5 triệu tấn hồi năm 2001-2002 lên đến 30,8 triệu tấn niên vụ 2006-2007 và hiện nay ở mức 32,5 triệu tấn. Năng suất lúa của Myanmar còn thấp, trung bình là 4,06 tấn/héc ta, do thiếu phân bón.
Điều này hàm ý rằng tiềm năng của Myanmar trong việc gia tăng sản lượng lúa là rất lớn. Mục tiêu năng suất của họ là 5 tấn/héc ta. Với năng suất này và chỉ với 8 triệu héc ta, chưa cần tăng vụ hoặc mở rộng diện tích đất canh tác, thì họ sẽ có 40 triệu tấn lúa, mức độ thặng dư trên 10 triệu tấn gạo sẽ là nguồn cung lớn trên thị trường. Giá gạo xuất khẩu của Myanmar (năm 2008) thấp hơn Việt Nam từ 20-30% và 30-40% so với Thái Lan. Rõ ràng đây là đối thủ của Việt Nam ở phân khúc giá thấp, đối thủ tiềm tàng của Thái Lan ở phân khúc giá cao bởi Myanmar cũng không thiếu loại lúa có chất lượng cao, trồng dài ngày.
Dư địa về chính sách của Myanmar trong xuất khẩu còn lớn. Xuất khẩu gạo phải chịu thuế 10%, nhập khẩu máy móc thiết bị phải chịu thuế 20%, công ty kinh doanh phải chịu thuế doanh thu 3%. Mặc dù vậy các nhà xuất khẩu cũng đã mạnh tay nhập khẩu những dây chuyền thiết bị hiện đại để nâng cấp hoạt động xuất khẩu. Đơn cử là Ayeyar Hinthar Group, công ty xuất khẩu gạo hàng đầu ở Myanmar, vừa rồi đã nhập hai dây chuyền thiết bị công suất 10 tấn/giờ để xay xát và chế biến gạo xuất khẩu theo chuẩn cấp cao. ...
Và hợp tác
Xét theo lý thuyết cạnh tranh và trên góc độ lợi ích toàn cầu thì việc Myanmar và Campuchia tham gia vào thị trường lúa gạo quốc tế sẽ là điều lợi cho những quốc gia tiêu dùng lúa gạo. Nó sẽ làm giảm căng thẳng về giá cả. Nhưng với quốc gia sản xuất lúa gạo mà nông dân phụ thuộc nhiều vào thu nhập nhờ xuất khẩu thì vấn đề lại khác. Nếu Myanmar và Campuchia gia nhập vào thị trường gạo một cách từ từ thì áp lực với Việt Nam không lớn. Nhưng nếu họ gia tăng liên tục với khối lượng lớn thì sẽ có những khó khăn nhất định trong một số năm.
Sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang đạt đến ngưỡng 40 triệu tấn/năm và rất khó vượt qua nếu không có sự cải thiện mạnh về năng suất. Chỉ cần vài ba năm liên tiếp giá lúa suy giảm thì diện tích sẽ giảm rất nhanh và sau đó sẽ rất khó hồi phục. Vấn đề Việt Nam phải đối mặt sau 15 năm nữa không phải là xuất khẩu bao nhiêu gạo mà có bao nhiêu gạo để dự trữ, đảm bảo cho trên 100 triệu dân trong tình hình biến đổi khí hậu và tác động của các con đập trên thượng nguồn ĐBSCL. Xuất khẩu vào lúc đó có thể chỉ còn là câu chuyện thứ yếu.
Bài học từ Myanmar cho thấy chính sách đóng vai trò quyết định. Một chính sách bất nhất có thể dẫn đến thảm họa. Nông nghiệp là ngành sản xuất mỏng manh, rất dễ tổn thương. Phải mất thời gian lâu dài để kiến thiết nền tảng phát triển, nhưng chỉ cần lơ là trong phúc chốc thì thành quả sẽ bị xóa sạch. Một khi nền tảng cơ bản bị xóa bỏ thì việc khôi phục là điều không hề dễ dàng.
Khả năng hợp tác với Myanmar là nhiều và cả hai bên đều có lợi. Myanmar có nhiều tài nguyên và cũng đang rất cần đầu tư. Việt Nam tuy chưa phải là nước giàu nhưng có những kinh nghiệm mà Myanmar cần đến, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo. Myanmar là thành viên ASEAN, nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, Chính phủ cần hỗ trợ để các nhà nông học, các nhà kinh tế tham gia các hoạt động tư vấn cho Myanmar, khu vực tư nhân sẽ tham gia khi môi trường kinh doanh thuận lợi.
TS. Võ Hùng Dũng
TBKTSG
|