Thứ Tư, 19/01/2011 21:20

Lào: Toàn cảnh kinh tế vĩ mô và cơ hội đầu tư

(Vietstock) – Trong những năm gần đây, tăng trưởng GDP của Lào luôn đạt được tốc độ khá cao. Tính trung bình từ năm 2000 đến 2010, GDP mỗi năm tăng 6.8%. Chúng tôi cho rằng Lào sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong những năm sắp tới.

Thủ đô Vientiane về đêm

Quy mô nền kinh tế Lào nhỏ nhưng đang tăng trưởng với tốc độ rất cao

Trong những năm gần đây, tăng trưởng GDP của Lào luôn đạt được tốc độ khá cao. Tính trung bình từ năm 2000 đến 2010, GDP mỗi năm tăng 6.8%.

Đặc biệt, năm 2009 dù kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn nhưng kinh tế nước này vẫn đạt được mức tăng trưởng 6.7%. Năm 2010, GDP của Lào ước tính tăng 7.7%, là mức rất cao so với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới.

Một số chỉ số kinh tế và dân số Lào

Trong những năm gần đây, khu vực dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, công nghiệp 7-10%, nông nghiệp 2-4%. Tỷ trọng trong cơ cấu GDP, khu vực nông nghiệp chiếm 31-33%, công nghiệp 26-28%, dịch vụ trên 40%.

Cơ cấu kinh tế này cho thấy trình độ của nền kinh tế Lào vẫn ở mức rất thấp, với nông nghiệp vẫn là hoạt động chủ yếu.

GDP tính theo USD giá hiện hành năm 2009 đạt 5.94 tỷ USD, ước tính năm 2010 đạt 6.92 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 1,073 USD/người/năm (tương đương Việt Nam năm 2009).

Tính theo sức mua tương đương thì thu nhập bình quân đầu người (GNI per capita, PPP) năm 2009 của Lào đạt 2,200 USD/người/năm (trong khi Việt Nam vào khoảng 2,800 USD).

Như vậy, xét về thu nhập tính theo USD thì Lào đang đuổi kịp Việt Nam và bỏ xa Campuchia. Tuy nhiên, việc tăng trưởng mạnh mẽ này một phần do đồng Kip lên giá mạnh. Do đó, tính theo sức mua tương đương thì thu nhập của người dân Lào vẫn thấp hơn Việt Nam khá nhiều.

Đồng Kip lên giá khi dòng vốn nước ngoài vào mạnh

Từ năm 2005 đến nay, tính theo tỷ giá danh nghĩa Kip (LAK) đã lên giá 32%, tỷ giá thực tăng hơn 20% so với đồng USD. Tỷ giá USD/LAK vào ngày 12/01/2011 là 8,047 LAK/USD, tăng giá 5% so với đầu năm 2010.

Trước đó, từ năm 1990 đến 2005 đồng tiền này mất giá 15 lần so với USD. Tình trạng mất giá của đồng LAK trong giai đoạn này xuất phát từ nhiều bất ổn trong nền kinh tế Lào. Tình trạng lạm phát và thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai luôn là mối đe dọa thường trực.

Kể từ năm 2004 đến nay, lạm phát đã được kiểm soát khá tốt và nước này đã thu hút được rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Điều này là nguyên nhân chính khiến LAK liên tục tăng giá.

FDI đang tăng mạnh, chiếm khoảng 10% GDP

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng nhanh chóng từ mức chỉ 17 triệu USD vào năm 2004 lên đến 700 - 900 triệu USD vào năm 2007 đến 2010.

Vốn FDI chiếm một tỷ lệ khá cao so với GDP của nước này. Năm 2007, FDI gần bằng 20% so với GDP, năm 2010 giảm xuống khoảng 10% (tương đương tỷ lệ của Việt Nam năm 2010). Cũng tương tự như Việt Nam, dòng vốn đầu tư nước ngoài là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế nước này.

Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc là những quốc gia đang đầu tư rất mạnh vào Lào. Đặc biệt, Trung Quốc đang nhắm vào mảng khai thác tài nguyên khoáng sản, rừng, đất đai và phát triển các khu công nghiệp và đô thị gần biên giới Lào-Trung Quốc.

Ngoại thương tăng trưởng nhanh, đối tác thương mại chính là Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Lào hàng năm bằng khoảng 60 -70% so với GDP (Việt Nam: 150%). Trong những năm gần đây, tăng trưởng xuất nhập đều đạt được tốc độ khá cao.

Theo số liệu của World Bank, xuất khẩu năm 2010 của Lào ước đạt 1.95 tỷ USD, tăng 32%, nhập khẩu đạt 2.26 tỷ USD, tăng khoảng 9% so với năm 2009. Thâm hụt thương mại năm 2010 là 198 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh điểm gần 700 triệu USD năm 2008.

Đối tác thương mại lớn nhất của Lào là Thái Lan, tiếp theo là Trung Quốc và Việt Nam. Thái Lan chiếm 30-35% kim ngạch xuất khẩu và 60-70% kim ngạch nhập khẩu của nước này. Xuất khẩu của Lào sang Việt Nam chiếm khoảng 10-15%, nhập khẩu khoảng 4-6% tổng kim ngạch.

Việt Nam và Lào đang đẩy mạnh quan hệ thương mại. Năm 2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước ước tính đạt gần 1 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với năm 2008.

Lạm phát khá ổn định và tiềm năng ngành ngân hàng còn lớn

Lạm phát của Lào bùng nổ dữ dội từ năm 1995 đến 2001. Đỉnh điểm là các năm 1998 và 1999, lạm phát lên tới 90% và 130%. Kể từ năm 2005 đến nay, lạm phát của Lào được kiềm chế tương đối ổn định quanh mức 6-8%.

Tăng trưởng tín dụng của Lào biến động khá thất thường. Từ năm 2003 đến 2007, tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức khá thấp chỉ quanh 10%. Tín dụng đã tăng mạnh trở lại trong năm 2008 và 2009 với mức 77.4% và 125.5%.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP tăng lên nhưng vẫn đang ở mức rất thấp. Tính đến năm 2008 dư nợ tín dụng/GDP mới chỉ 11.2% (Việt Nam là 120% vào năm 2010). Điều này cũng cho thấy tiềm năng phát triển ngành ngân hàng của Lào còn rất lớn.

Dù tăng trưởng tín dụng ngân hàng thất thường nhưng tăng trưởng cung tiền M2 của Lào lại khá đều đặn. Từ năm 2000, tăng trưởng cung tiền trung bình đạt khoảng 20% và dao động trong khoảng 15-20%. Năm 2010, cung tiền M2 vào khoảng 25% so với GDP.

Tỷ lệ tín dụng và cung tiền trên GDP của Lào đang rất thấp, có nghĩa là thị trường tài chính của Lào mới chỉ phát triển ở mức sơ khai. Đây là cơ hội cho các định chế tài chính nước ngoài xâm nhập thị trường này.

Thâm hụt ngân sách vẫn ở mức an toàn nhưng nợ nước ngoài ở mức cao

Ngân sách Lào từ thâm hụt cao và phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài đã lấy lại được cân bằng trong những năm gần đây.

Trước năm 2005, nếu không có các khoản việc trợ không hoàn lại thì thâm hụt ngân sách của Lào luôn ở mức 10%. Đây là mức rất cao so với tiêu chuẩn thông thường trên thế giới.

Trong những năm gần đây, thâm hụt ngân sách giảm xuống còn quanh mức 5%, nếu tính thêm các khoản viện trợ thì thâm hụt ngân sách chỉ khoảng 3-3.5%. Đây là mức bình thường ở một nước đang phát triển như Lào.

Thu ngân sách/GDP của Lào ở mức rất thấp, trung bình trong những năm qua chỉ 15-16%, nếu không tính các khoản viện trợ thì chỉ khoảng 11-14%. Tỷ lệ này tương đương với thu ngân sách của Camphuchia nhưng thấp hơn nhiều so với Việt Nam (Việt Nam khoảng 27-30%, phần lớn các nền kinh tế khác là 20-25%).

Hiện tại, ngân sách chính phủ Lào vẫn phụ thuộc khá lớn vào các khoản viện trợ của nước ngoài. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này ngày càng giảm đi cùng với sự cải thiện về kinh tế.

Nợ nước ngoài quốc gia của Lào hiện khoảng 90% GNI, trong đó hơn 90% là các khoản nợ dài hạn từ vay vốn ODA. Tỷ lệ nợ trên là rất cao, nhưng rủi ro cũng không quá lớn do phần lớn các khoản vay là vốn ưu đãi dùng đầu tư cơ sở hạ tầng.

Thị trường chứng khoán Lào

Sở Giao dịch Chứng khoán Lào (LSX) đi vào hoạt động từ ngày 11/01/2011. Hiện tại có 2 doanh nghiệp được niêm yết là Công ty Điện lực Lào (EDL-Gen) và Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL).

Năm 2009, EDL-Gen có vốn chủ sở hữu là 2,606 tỷ LAK (tương đương 6,315 tỷ VND). Số lượng cổ phiếu đang niêm yết là 868,597,050 cổ phiếu. Lợi nhuận năm 2010 ước tính là 292 tỷ LAK, EPS năm 2010 ước đạt 336 LAK.

BCEL có vốn điều lệ là 682 tỷ LAK, lợi nhuận sau thuế năm 2009 đạt 105 tỷ LAK. Hiện tại BCEL có 136,577,600 cổ phiếu niêm yết.

Hiện nay, room tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ là 10%. Với sự phát triển của nền kinh tế Lào, nhiều người kỳ vọng sự khắt khe này có thể được nới lỏng.

Đánh giá tiềm năng kinh tế và đầu tư vào Lào

Tiềm năng và cơ hội: Kinh tế của Lào đã đạt được tốc độ phát triển cao và khá ổn định trong những năm gần đây. Chúng tôi cho rằng Lào sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong những năm sắp tới.

Nhà đầu tư nước ngoài đang chú ý đến quốc gia này do Lào có nguồn tài nguyên dồi dào, mật độ dân số thấp nên có tiềm năng rất lớn về tài nguyên khoáng sản, rừng và đất đai. Ngoài ra, đây cũng là đất nước còn khá “hoang sơ” nên tiềm năng tăng trưởng rất lớn.

Với quan hệ hữu nghị lâu đời và trao đổi thương mại đang ngày càng được cải thiện, đầu tư của Việt Nam sang Lào liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây.

Năm 2009, vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam vào Lào đạt 1.6 tỷ USD, đứng đầu trong các quốc gia mà Việt Nam đầu tư, vượt xa Campuchia đứng thứ 2 với 0.45 tỷ USD. Tổng vốn FDI của Việt Nam giải ngân vào Lào tính lũy kế đến nay khoảng gần 1 tỷ USD, với hơn 100 dự án.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào ở rất nhiều lĩnh vực, trong đó đáng chú ý là các dịch vụ ngân hàng, viễn thông, xây dựng thủy điện. Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đầu tư sang Lào khai thác rừng, trồng cao su, khai khoáng…

Những rủi ro và điểm yếu: Điểm yếu lớn nhất của Lào chính là chất lượng nguồn nhân lực khá thấp và cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Dân số ít nên thị trường không đủ lớn để hấp dẫn một số ngành nghề kinh doanh thương mại. Các thể chế luật lệ của Lào cũng chưa hoàn chỉnh nên rủi ro trong kinh doanh là khá lớn.

Quy mô của nền kinh tế khá nhỏ và đang phát triển ở giai đoạn sơ khai. Khu vực công nghiệp mới chỉ chiếm khoảng 30% trong GDP. Lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ chỉ chiếm 25% (khoảng 600,000 người). Các doanh nghiệp của nước này đều có quy mô rất nhỏ và ít doanh nghiệp có khả năng niêm yết trên sàn chứng khoán.

Tỷ giá, lãi suất và lạm phát của Lào trong mấy năm gần đây khá ổn định, nhưng nhìn lại quá khứ trước năm 2003 thì có thể thấy những chỉ báo vĩ mô này biến động rất mạnh. Hơn nữa, đây là một nền kinh tế rất nhỏ, vốn đầu tư lại phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài. Do vậy, tiềm năng bất đổn tỷ giá và lạm phát vẫn còn rất lớn.

Luật lệ đối với thị trường tài chính ở Lào cũng còn khá sơ khai khiến thị trường chứng khoán sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, room cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ ở mức 10% làm giảm tính hấp dẫn của thị trường này.

Tên nước: Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (Lao PDR)

Thủ đô: Viêng-chăn (Vạn tượng)

Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp Trung Quốc với 416 km đường biên; Tây Bắc giáp Myanmar 230 km; Tây Nam giáp Thái Lan 1,730 km; Nam giáp Campuchia 492 km; và phía Đông giáp Việt Nam 2,067 km.

Diện tích: 236,800 km2

Dân số: 6,320,000 người (số liệu năm 2009)

Lào có 49 dân tộc chính và được chia thành 04 nhóm ngôn ngữ: nhóm ngôn ngữ Lào-Thái, nhóm ngôn ngữ Mon-Khơ Me, nhóm ngôn ngữ Mông-Dao, nhóm ngôn ngữ Hán-Tây Tạng

Địa lý hành chính: Lào có 16 tỉnh, 1 thành phố (Thủ đô Viêng-chăn)

Tôn giáo: Đạo Phật chiếm 85%

Ngôn ngữ: Tiếng Lào

Ngày Độc lập: 12/10/1945

Ngày Quốc khánh: 02/12/1975

Thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: 05/9/1962

Thu nhập bình quân đầu người: 940 USD vào năm 2009, tính theo sức mua tương đương (PPP) đạt 2,200 USD

Khí hậu: Lục địa, chia làm hai mùa là mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 6) và mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 11). Diện tích rừng bao phủ là 47%

Download: Lào: Toàn cảnh kinh tế vĩ mô và cơ hội đầu tư

 Hồ Bá Tình, Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Lào cải thiện các tuyến đường nối với Việt Nam (16/01/2011)

>   Đầu tư của Việt Nam tại Campuchia giảm 45% (14/01/2011)

>   Mark Mobius: Lào mở ra “nhiều cơ hội có giá trị” (12/01/2011)

>   Lào lên chuyến tàu cao tốc (10/01/2011)

>   Lào tìm nhiều giải pháp cho sự phát triển bền vững (09/01/2011)

>   Công ty HGCI khai trương văn phòng đại diện tại Lào (09/01/2011)

>   VN đứng đầu về vốn đầu tư nước ngoài ở Vientiane (05/01/2011)

>   PVN đề nghị Lào gỡ khó cho các dự án thủy điện (26/12/2010)

>   Thủ tướng Lào bất ngờ từ chức (24/12/2010)

>   IMF: Campuchia không nên quá phụ thuộc vào xuất khẩu (20/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật