Thứ Hai, 10/01/2011 15:06

Lào lên chuyến tàu cao tốc

Quốc hội Lào hôm 24.12 vừa qua đã thông qua dự án xây dựng đường sắt cao tốc dài 421km nối liền biên giới Lào – Trung Quốc với Vientiane. Hàng Việt Nam xuất khẩu có được hưởng lợi từ dự án này không?

Dự án bảy tỉ USD này sẽ được khởi công vào ngày 25.4.2011 để đánh dấu 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng bốn năm để đánh dấu 40 năm ngày thành lập Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào vào năm 2015.

Tuyến đường sắt cao tốc 200km/h này sẽ có năm ga chính bắt đầu từ Boten thuộc tỉnh Luang Namtha ở biên giới Lào – Trung và nối liền với Vientiane qua Oudomsay, Luang Prabang và Vangvieng cùng 21 ga phụ. Trong 421km đường sắt cao tốc sẽ có 190km đường hầm và 90km cầu vượt. Trong dự án liên doanh 7 tỉ USD này, Trung Quốc chiếm 70% tổng số vốn đầu tư. Đây là một phần trong dự án đường sắt Trung Quốc – ASEAN nối liền Côn Minh (Vân Nam) của Trung Quốc với Singapore qua ngã Lào, Thái Lan và Malaysia.

Bất lợi cho hàng Việt

Do nằm sâu trong đất liền và hạ tầng giao thông nghèo nàn, chi phí vận chuyển hàng hoá xuất khẩu của Lào đến các thị trường thế giới rất cao. Hiện nay, hầu hết hàng xuất khẩu của Lào đều phải trung chuyển qua Thái Lan và Việt Nam. Giới kinh doanh hy vọng rào cản đầu tư sẽ giảm bớt nhờ dự án đường sắt cao tốc. Các quan chức Lào cũng tin đường sắt cao tốc Lào – Trung không chỉ mang lại nhiều cơ hội đầu tư mà còn mang đến nhiều hơn lượng du khách từ Trung Quốc và các nước ASEAN.

Theo số liệu của Chính phủ Lào, quan hệ thương mại song phương Lào – Trung trong nửa đầu 2010 đã đạt 566 triệu USD, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ hiệp ước khu vực mậu dịch tự do (ACFTA) có hiệu lực từ đầu năm nay. Hàng xuất khẩu của Lào sang Trung Quốc chủ yếu là khoáng sản, đồ nội thất, nông sản và hàng mỹ nghệ. Trong khi đó, hàng Trung Quốc nhập vào Lào là thiết bị điện tử, vật liệu xây dựng, điện, phụ tùng ôtô và hàng tiêu dùng các loại.

Hiện nay Lào chủ yếu nhập dầu thô, sắt thép, hàng may mặc và giày dép từ Việt Nam trong khi xuất sang Việt Nam nông sản, khoáng sản và gỗ xẻ. Mức đầu tư của Việt Nam tại Lào đã tăng đáng kể trong những năm vừa qua, đặc biệt trong các lĩnh vực trồng cây công nghiệp, thuỷ điện, khách sạn và khoáng sản. Với tổng trị giá 2 tỉ USD đầu tư tại Lào từ năm 2000 đến 2009, Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại nước này sau Thái Lan và Trung Quốc. Trị giá đầu tư của Việt Nam tại Lào trong năm 2010 vào khoảng 50 triệu USD.

Hàng hoá Việt Nam lâu nay xuất sang Lào và ngược lại chủ yếu bằng đường bộ qua tuyến ngắn nhất là cửa khẩu Lao Bảo nối liền Đà Nẵng với Savannakhet và tuyến thứ hai nối liền thành phố Vinh với Phonsavan thuộc tỉnh Xiang Khouang ở đông bắc Lào. Từ Savannakhet đến Vientiane hiện nay phải mất khoảng chín giờ ôtô để vượt đoạn đường 470km. Còn từ Vinh đi ôtô phải mất ít nhất 12 giờ để đến Phonsavan.

Tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung chỉ chạy theo hướng tây – bắc và đến Vientiane là đi qua Thái Lan, nối vào tuyến đường sắt cao tốc Nong Khai – Bangkok dài 850km cũng do Trung Quốc xây dựng và đã khởi công từ tháng 11. Xét về mặt hậu cần, dễ thấy rằng Việt Nam không hưởng lợi hơn trước bao nhiêu từ dự án đường sắt cao tốc này. Không những thế, hàng tiêu dùng Việt Nam xuất khẩu sang Lào sẽ càng khó có lợi thế cạnh tranh khi hàng Trung Quốc tràn ngập đất Lào với giá thấp hơn.

Cung đường nam tiến

Boten, ga đầu tiên của tuyến đường sắt cao tốc Lào – Trung, từ năm 2002 đã được quy hoạch thành đặc khu kinh tế. Đổi tên thành “Boten Golden City”, đặc khu 21km2 này bây giờ là một phần của Trung Quốc vì Lào đã cho một công ty Trung Quốc thuê 30 năm với điều kiện được gia hạn thời gian thuê thêm 60 năm nữa. Ga thứ hai của tuyến đường sắt cao tốc nằm ở Oudomsay giáp giới đặc khu kinh tế Bokeo bên bờ Mekong trong khu vực Tam Giác Vàng Lào – Thái Lan – Myanmar. Lào đã cho một công ty Trung Quốc khác thuê đặc khu 100km2 này 99 năm. Hai công trình xây dựng đầu tiên ở hai đặc khu là hai casino lớn. Ở Boten và Bokeo, các cửa hàng và dịch vụ chỉ sử dụng đồng nhân dân tệ. Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng một khu Chinatown ngay trung tâm Vientiane.

Quốc hội Lào đã lập ra một ban chuyên trách hợp tác với Trung Quốc triển khai dự án xây đường sắt cao tốc. Ban chuyên trách bao gồm đại diện các bộ và khu vực có liên quan và các tỉnh có tuyến đường này đi qua. Trước khi có thể khởi công, nhiều khu vực cần dọn sạch bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và phải thu xếp bồi thường cho người dân di dời nhường đất cho dự án. Phó thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad thúc giục các quan chức có trách nhiệm với dự án phải bảo đảm cho mọi việc tiến hành đúng kế hoạch.

Cho tới nay, Lào chỉ có 3,5km đường sắt – do Thái Lan tài trợ – hoàn thành năm 2009 chạy từ cầu Hữu Nghị Thái – Lào ở Nong Khai của Thái Lan tới Thanalaeng của Lào cách trung tâm Vientiane 20km. Các chuyến tàu hàng ngày trên tuyến đường sắt này bắt đầu hoạt động từ tháng 3.2010.

Trần Ngọc Đăng

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Lào tìm nhiều giải pháp cho sự phát triển bền vững (09/01/2011)

>   Công ty HGCI khai trương văn phòng đại diện tại Lào (09/01/2011)

>   VN đứng đầu về vốn đầu tư nước ngoài ở Vientiane (05/01/2011)

>   PVN đề nghị Lào gỡ khó cho các dự án thủy điện (26/12/2010)

>   Thủ tướng Lào bất ngờ từ chức (24/12/2010)

>   IMF: Campuchia không nên quá phụ thuộc vào xuất khẩu (20/12/2010)

>   Xuất khẩu, đầu tư sang Myanmar: Cơ hội vàng (20/12/2010)

>   Campuchia: Tiềm năng và rủi ro nền kinh tế (10/12/2010)

>   Campuchia: Thể chế và các chính sách kinh tế quan trọng (06/12/2010)

>   Myanmar: Thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư Việt (03/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật