Thứ Hai, 20/12/2010 07:32

Xuất khẩu, đầu tư sang Myanmar: Cơ hội vàng

Hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ của Myanmar còn bỏ ngỏ. Sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 10% nhu cầu tiêu dùng người dân, 90% hàng tiêu dùng và công nghiệp của Myanmar phải nhập khẩu... Đây là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) “khai phá” thị trường mới - mảnh đất màu mỡ cuối cùng của châu Á.

Giày là một trong những mặt hàng doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu sang Myanmar.

Thị trường nhiều tiềm năng

Theo ông Chu Công Phùng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền VN tại Myanmar, Myanmar đã có 12 năm thực hiện đổi mới, song đến nay nền kinh tế của nước này vẫn trong tình trạng gặp nhiều khó khăn. GDP mới chỉ đạt 20 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 300-400 USD/người. Hiện các ngành nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, thủy sản và lâm sản chiếm 50% GDP và 35% nguồn thu ngoại tệ của Myanmar, đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế quốc dân. Kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2009 mới dừng ở mức 10 tỷ USD…

Thành quả đạt được trong kinh tế tuy còn quá nhỏ bé, nhưng nguồn lực để phát triển của Myanmar lại rất to lớn. Với diện tích 676.577km2, gấp đôi VN, Myanmar được thiên nhiên ban tặng nhiều tiềm năng và tài nguyên phong phú. Khoảng 50% diện tích Myanmar là rừng núi, trong đó có nguồn tài nguyên gỗ quý khổng lồ, đặc biệt là gỗ teak, căm xe, trắc, gụ… thuộc hàng nhất thế giới. Bên cạnh đó, Myanmar sở hữu trữ lượng dầu khí lớn (trữ lượng thăm dò đứng thứ 11 thế giới), tài nguyên khoáng sản (ngọc, đá quý, vàng, bạc, đồng, niken, vonfram, granit...) cũng thuộc hàng lớn nhất trên thế giới.

Ông Hoàng Thịnh Lâm, Tham tán thương mại VN tại Myanmar cho biết, đất rộng, người đông (với gần 60 triệu dân) nhưng sản xuất trong nước chưa phát triển nên Myanmar có nhu cầu nhập khẩu rất nhiều mặt hàng, trong đó hàng tiêu dùng cực kỳ khan hiếm. Hầu hết, hàng tiêu dùng được đưa vào qua đường tiểu ngạch theo biên giới với Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ. Chất lượng hàng tiêu dùng nhập khẩu thấp. Trong 3 năm qua, VN đã xuất khẩu một số mặt hàng sang Myanmar (sản phẩm điện và điện tử, nguyên phụ liệu may mặc, thép, hóa chất các loại, hàng công nghiệp thực phẩm,...) nhưng thị phần vẫn còn rất khiêm tốn.

Đón đầu cơ hội

Đánh giá cơ hội đầu tư vào Myanmar, tại hội thảo “Triển vọng phát triển thương mại, đầu tư và du lịch VN và Myanmar” tổ chức tại TP Yangon, Myanmar vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nhìn nhận, các DNVN đang hội đủ thế mạnh từ “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để đón đầu cơ hội mở cửa, tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư vào Myanmar. Ngoài mối quan hệ hợp tác chính trị, quan hệ ngoại giao giữa VN và Myanmar đang diễn ra tốt đẹp thì thị trường này đang có nhiều lợi thế về giá nhân công lao động còn rẻ (từ 60-80 USD/lao động phổ thông, 200-400 USD/lao động cấp trung); nhu cầu tiêu dùng cũng khá tương đồng với VN. Nguyên liệu chế biến nông nghiệp lẫn công nghiệp ở Myanmar rất đa dạng, phong phú nên đầu tư vào ngành sản xuất ở Myanmar có nhiều triển vọng.

Cũng tại diễn đàn này, ông Win Myint, Chủ tịch Liên đoàn phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar đã mời gọi các DNVN hãy mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực như khai thác khoáng sản, sản xuất hàng tiêu dùng, trồng rừng và khai thác gỗ. Liên đoàn sẽ tạo mọi điều kiện, cơ hội để các DNVN thực hiện triển khai các dự án đầu tư vào Myanmar trong thời gian sớm nhất.

Để tạo sức bật trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, Chính phủ và các bộ ngành VN đã đưa ra những biện pháp mạnh mẽ. Chỉ tính riêng trong năm 2009, Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Myanmar đã tiến hành họp Ủy ban Hỗn hợp về thương mại và đã thống nhất một số nội dung hợp tác trong tình hình mới, đồng thời tổ chức hàng loạt các hội thảo để nắm bắt khó khăn và cung cấp thông tin cho DN. Đây là những bước đệm, là cầu nối tạo điều kiện cho các DNVN đẩy mạnh việc đầu tư và xuất khẩu vào Myanmar tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng kinh tế giữa 2 nước.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng:

Myannmar - thị trường xuất khẩu, đầu tư trọng điểm

Từ ngày 12 đến 17-12, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo và DNVN đi khảo sát thực tế cơ hội phát triển thương mại, đầu tư, du lịch tại Myanmar. Đây là chuyến đi xúc tiến, quảng bá văn hoá, giao lưu kinh tế thương mại có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của các DNVN tại Myanmar với hơn 100 người. Một số DN trong ngành dược phẩm, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng… đã tìm được đối tác làm ăn ngay trong lần đi xúc tiến đầu tiên. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng, chuyến đi đã đạt được những kết quả rất khả quan, đặc biệt trong lĩnh vực khách sạn, du lịch. Trước mắt, TPHCM đã chính thức mời Myanmar tham dự Hội chợ Triển lãm quốc tế du lịch TPHCM 2011. Song song đó, TPHCM và TP Yangon đã cơ bản thống nhất việc ký kết hợp tác giữa hai TP, tạo điều kiện cho các DN phát triển kinh tế, hợp tác lâu dài. Để tranh thủ cơ hội, lãnh đạo TPHCM đã xác định Myanmar là thị trường trọng điểm của hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong năm 2011 và những năm tới, còn các DN phải chủ động hơn trong tìm hiểu thị trường, đối tác để đẩy mạnh việc hợp tác một cách hiệu quả nhất.

Thúy Hải

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Các tin tức khác

>   Campuchia: Tiềm năng và rủi ro nền kinh tế (10/12/2010)

>   Campuchia: Thể chế và các chính sách kinh tế quan trọng (06/12/2010)

>   Myanmar: Thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư Việt (03/12/2010)

>   Rộng đường đầu tư sang Campuchia (03/12/2010)

>   Lào: Lạm phát tháng 10 tiến sát 8% (01/12/2010)

>   Campuchia đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% năm 2011 (01/12/2010)

>   Campuchia: Tiềm năng thị trường và tài nguyên thiên nhiên (02/12/2010)

>   Đề xuất mở đường sắt, đường bộ xuyên Đông Dương (28/11/2010)

>   Việt Nam có 16 dự án thủy điện được cấp phép tại Lào (24/11/2010)

>   Việt Nam-Myanmar thúc đẩy hợp tác nhiều lĩnh vực (23/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật