Thứ Năm, 02/12/2010 16:16

Campuchia: Tiềm năng thị trường và tài nguyên thiên nhiên

(Vietstock) – Việt Nam hiện đang xếp hàng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp đầu tư vào Campuchia. Tính đến đến hết quý 3/2010, đã có hơn 60 dự án của 71 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nước này với tổng vốn trên 900 triệu USD, gấp 6 lần so với trước năm 2009.

Ngoài tiềm năng phát triển du lịch, đất nước Campuchia còn là điểm hẹn lý tưởng của doanh nghiệp Việt Nam trên các lĩnh vực thương mại, ngân hàng, năng lượng điện, khai khoáng, dầu khí, giao thông vận tải. ..

Đền Angkor Wat

Vị trí địa lý

Campuchia nằm ở Tây Nam bán đảo Đông Dương, phía Tây và Tây Bắc giáp Thái Lan với đường biên giới dài 2,100 km, phía Đông giáp Việt Nam (biên giới 1,137km), phía Đông Bắc giáp Lào (492 km), phía Nam giáp biển (400 km).

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tổng diện tích của Campuchia là 181,035 km2 (bằng 54.57% diện tích Việt Nam), với 1/2 diện tích là đồng bằng, 39% diện tích là đồi núi và 10% còn lại là duyên hải.

Campuchia có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, nhất là lúa nước. Một tỷ lệ không nhỏ đồng bằng của Campuchia đã trở thành vùng bảo tồn sinh quyển.

Lịch sử và xã hội

Tiền thân của Vương quốc Campuchia là Vương quốc Khmer, ra đời vào cuối thế kỷ thứ IX sau Công nguyên, trên lãnh thổ của Phù Nam và Chân Lạp trước đây. Trong 4 thế kỷ (IX-XIII), Vương quốc Khmer phát triển cực thịnh. Tiếp đến là thời kỳ nội chiến và bị ngoại bang chinh phục kéo dài suốt gần 6 thế kỷ khiến Vương quốc Khmer trở nên suy yếu dần.

Đầu thế kỷ 20, Campuchia trở thành thuộc địa của Pháp. Năm 1953, Campuchia giành độc lập và trở thành một quốc gia quân chủ lập hiến. Năm 1970, Lon Nol - Siric Matak  thành lập “Cộng hòa Khmer”. Từ năm 1975, chế độ “Khmer Đỏ” do Pol Pot đứng đầu đã thực hiện chế độ diệt chủng tàn khốc nhất trong lịch sử Campuchia. Đến năm 1979, chế độ Khmer Đỏ bị phế truất.

Ngày 23/10/1991, Hiệp định Hòa bình Campuchia được ký kết ở Paris (Pháp). Ngày 23-25/5/1993, Campuchia đã tiến hành tổng tuyển cử lần thứ nhất và bầu quốc hội lập hiến. Quốc hội mới đổi tên nước là Vương quốc Campuchia. Campuchia phát triển ổn định từ đó cho đến ngày nay.

Chính trị: Quân chủ lập hiến

Campuchia là quốc gia quân chủ lập hiến, với hệ thống chính trị được tách biệt giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp gồm: Vua, Hội đồng ngôi Vua, Thượng viện, Quốc hội, Chính phủ, Toà án, Hội đồng Hiến pháp và các cơ quan hành chính các cấp.

Ngôn ngữ: Khmer là ngôn ngữ chính thức, tiếng Anh, tiếng Pháp. Tôn giáo: Đạo Phật là quốc đạo

Tiếng Khmer là ngôn ngữ chính thức tại Campuchia. Ngoài tiếng Khmer, tiếng Pháp vẫn được sử dụng khá rộng rãi, đặc biệt là trong thế hệ người lớn tuổi do thời gian là thuộc địa của Pháp vào đầu thế kỷ 20. Hiện nay một số trường đại học, nhất là những trường được chính phủ Pháp tài trợ, tiếng Pháp vẫn được dùng làm ngôn ngữ giảng dạy. Tuy nhiên, giới trẻ và giới kinh doanh đang có xu hướng ưa thích học và dùng tiếng Anh.

Đạo Phật được coi là quốc đạo ở Campuchia với khoảng hơn 90% dân số theo đạo Phật. Ngoài ra còn có một thiểu số tín đồ Thiên chúa giáo, Hồi giáo,…

Dân số: 14 triệu người vào năm 2008, với hơn 50% dưới độ tuổi 22. Tiềm năng thị trường khá lớn

Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), dân số Campuchia năm 2008 là 14 triệu người, với khoảng 47% nam giới. Tỷ lệ tăng dân số trung bình 2.89%/năm (từ năm 1990 đến 2008).

Tỷ lệ biết chữ là 76.1% và tỷ lệ dân thành thị đạt 18% vào năm 2008, tăng khoảng 4.5% mỗi năm.

Giai đoạn 1990 - 1998 là giai đoạn bùng nổ dân số với tốc độ tăng trung bình 4.3%/năm. Hiện nay, tốc độ tăng dân số của Campuchia đã giảm khá nhiều và ổn định khoảng 1.3%/năm. Tuy vậy, tốc độ này vẫn cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển khác.

Mật độ dân số của Campuchia vào khoảng 80 người/km2, tương đối thấp so với các nước khác (Việt Nam khoảng 270 người/km2, tốc độ tăng dân số 1.2%/năm).

Do hậu quả của nội chiến và những tàn tích chiến tranh, dân số Campuchia thuộc hàng trẻ nhất Tiểu vùng sông Mê Kông với hơn 50% dưới độ tuổi 22. Dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) chiếm khoảng 62% trong năm 2008. Tuổi thọ trung bình là 62.1 tuổi.

Số lao động có việc làm chiếm khoảng 58% dân số, trong đó có 60% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, 8.53% làm việc trong ngành chế tạo, chỉ có 0.20% làm việc trong ngành khai khoáng, còn lại 32% làm việc trong lĩnh vực khác.

Với cơ cấu dân số trẻ, trong độ tuổi tiêu dùng và đang tăng trưởng, Campuchia được kỳ vọng là một thị trường tiềm năng trong tương lai không xa.

90% dân số là người Khmer

90% dân số là người Khmer, đây chính là lý do mà công dân Campuchia được gọi là người mang “quốc tịch Khmer”.

Bên cạnh đó còn có các dân tộc thiểu số như: người Mã Lai, người Lào, người Miến Điện, người Việt Nam, người Thái Lan, người Hoa.

Tiền tệ

Đồng riel (KHR) là tiền tệ chính thức của Campuchia. Tuy nhiên, đồng USD được sử dụng khá rộng rãi trong giao dịch và gần như tự do chuyển đổi tại quốc gia này. Vào cuối tháng 11/2010, tỷ giá USD/KHR vào khoảng 1 USD = 4,118 KHR.

Tỷ giá USD/KHR từ năm 1991 đến năm 1998 biến động mạnh do nền kinh tế nước này còn nhiều bất ổn. Đồng Riel mất giá từ mức 520 KHR/USD xuống đến 3,770 KHR/USD chỉ trong vòng 8 năm.

Kể từ năm 1998 đến nay, tỷ giá đồng Riel ít biến động khi chỉ mất giá 13.34% trong vòng 13 năm. Tốc độ mất giá này thấp hơn nhiều so với đồng Việt Nam trong cùng thời kỳ.

Tháng 9/2010, Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) có kế hoạch mua thêm 5 triệu USD đồng Riel nhằm củng cố giá trị của đồng nội tệ. Động thái này có thể nâng tổng số Riel mà NBC mua trong năm 2010 lên đến 48 triệu USD. Tổng giá trị Riel mà NBC mua vào trong năm 2009 đạt 54 triệu USD.

Các đô thị chính và cơ sở hạ tầng

Thủ đô của Campuchia là  Phnôm Pênh (Phnom Penh). Các tỉnh, thành phố lớn khác gồm có: Battambang, Kampong Cham, Sihanouk Ville, Seam Reap.

Campuchia không phải là quốc gia có cơ sở hạ tầng tốt, do hậu quả của nội chiến và xung đột kéo dài nhiều thập kỷ trước. Hiện chỉ có một hệ thống đường sắt chạy tới Kampong Cham và tới miền Tây Bắc giáp Thái Lan, tổng chiều dài đường sắt là 603 km. Campuchia đang có kế hoạch cùng với Việt Nam xây dựng tuyến đường sắt nối TPHCM – Phnom Penh như một phần của tuyến đường sắt Xuyên Á.

Chỉ có khoảng gần 12% trong số 35,769 km đường bộ của Campuchia được trải nhựa. Con đường tốt nhất là nối thủ đô Phnom Penh với cảng biển Sihanouk Ville. Đây là lý do có rất nhiều nhà máy được đặt dọc con đường này.

Về hàng không, nước này có 19 sân bay. Ngoài ra Campuchia có khoảng 3,700 km đường thủy nội địa.

Tài nguyên thiên nhiên: Gỗ, khoáng sản và quặng kim loại, thủy điện, dầu mỏ

Bên cạnh tài nguyên đất cho phát triển nông nghiệp, Campuchia còn có nguồn tài nguyên rừng phong phú với hơn 70% diện tích có rừng bao phủ. Gỗ là nguồn lâm sản chính của Campuchia.

Về các nguồn khoáng sản và quặng kim loại, trước kia người ta cho rằng trữ lượng của Campuchia không lớn lắm. Trong những năm 1950 và 1960, các chuyên gia Trung Quốc phát hiện trữ lượng quặng sắt khoảng 5.2 triệu tấn ở tỉnh Christian Chun và khoảng 120,000 tấn quặng Mangan ở tỉnh Kampong Thum. Ngoài ra, một số tỉnh phía Bắc cũng có quặng sắt, trữ lượng khoảng 2.5 – 4.8 triệu tấn.

Campuchia cũng có một số khoáng sản quý khác như bạc, hồng ngọc, … nhưng trữ lượng khá khiêm tốn.

Đáng lưu ý nhất là đầu năm 2010, một mỏ vàng với trữ lượng khoảng 8.1 triệu tấn quặng đã được phát hiện ở tỉnh Mondulkiri, phía đông bắc Campuchia, gần biên giới với Việt Nam.

Tài nguyên nước cũng đáng kể, trong đó không thể không tính đến tiềm năng thủy điện từ việc thay đổi dòng chảy của sông Mê Kông. Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên nước quá mức để làm thủy điện đang đặt ra những thách thức đối với vấn đề môi trường.

Campuchia cũng được kỳ vọng là có tiềm năng về dầu mỏ, do các quốc gia Đông Nam Á láng giềng có chung thềm lục địa cũng đã khai thác được tài nguyên này. Tuy trữ lượng dầu hiện nay chưa được ước tính chính xác (hoặc chưa được công bố), nhưng một số tập đoàn lớn như Chevron (Mỹ), GS Caltex của Hàn Quốc, Mitsui Oil Exploration Holding của Nhật Bản và KrisEnergy (Singapore) đã tham gia khoan thăm dò dầu khí tại Campuchia.

Hiện nay đã có 22 giếng được khoan thăm dò tại thềm lục địa Campuchia (Vịnh Thái Lan). Trữ lượng ước tính của lô A là khoảng 500 triệu thùng, nhưng hiện nay chỉ có khả năng khai thác khoảng 15-20% do địa tầng phức tạp.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

Các tin tức khác

>   Đề xuất mở đường sắt, đường bộ xuyên Đông Dương (28/11/2010)

>   Việt Nam có 16 dự án thủy điện được cấp phép tại Lào (24/11/2010)

>   Việt Nam-Myanmar thúc đẩy hợp tác nhiều lĩnh vực (23/11/2010)

>   Chính phủ tạo điều kiện cho DN đầu tư vào Campuchia (16/11/2010)

>   Khai mạc Hội nghị SOM Việt Nam - Lào - Campuchia (15/11/2010)

>   VinaCapital đầu tư 75 triệu USD qua Campuchia (12/11/2010)

>   Lào huy động vốn cho các dự án hạ tầng   (10/11/2010)

>   OECD: các nước ASEAN sẽ tăng trưởng 6%/năm (09/11/2010)

>   Lào đang bị Trung Quốc vắt kiệt? (09/11/2010)

>   Myanmar tuyên bố lập đặc khu kinh tế đầu tiên (05/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật