Thứ Sáu, 07/01/2011 09:06

Những lợi ích của Campuchia từ quy tắc thương mại mới của EU

Ngày 18/11/2010, Liên minh Châu Âu thông qua một số các quy tắc thương mại mới sẽ có hiệu lực từ năm 2011, theo đó số lượng các mặt hàng có xuất xứ từ Campuchia được hưởng ưu đãi thuế quan vào thị trường EU sẽ tăng lên đáng kể.

Từ năm 2011 trở đi, khoảng 75% hàng hóa của Campuchia, một trong số những nước kém phát triển nhất, sẽ được miễn thuế vào thị trường EU. Bộ quy tắc mới này cũng sẽ đơn giản hóa các chỉ tiêu đế đánh giá nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tạo thuận lợi hơn cho các mặt hàng được sản xuất một phần tại Campuchia được hưởng các ưu đãi theo đạo luật EU’s Everything But Arms (tất cả các mặt hàng ngoại trừ vũ khí). Giá trị gia tăng đối với sản  phẩm sản xuất tại Campuchia chỉ cần đạt tỷ lệ 30% là có thể sẽ được hưởng ưu đãi thuế, trong khi đó quy định trước đây là 60%.

Đối với ngành may mặc, các quy định mới này sẽ xóa bỏ những rào cản đối với hàng may mặc của Campuchia được miễn thuế vào thị trường EU trong điều kiện ngành dệt của Campuchia còn chưa phát triển và hầu hết nguyên phụ liệu may mặc là nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất hàng dệt may Campuchia, chỉ có khoảng dưới 45% hàng may mặc của Campuchia nhập khẩu vào EU hiện đang được miễn thuế, phần lớn còn lại phải chịu mức thuế suất khoảng hơn 12 %. Hiện nay, theo thống kê của Bộ Thương mại Campuchia trong 9 tháng đầu năm 2010, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Campuchia là 2,47 tỷ USD. Trong số đó, giá trị hàng may mặc chiến tới 88%, EU nhập khẩu tới 23% lượng hàng may mặc này, Mỹ nhập khẩu tới 61%, còn lại tất cả các thị trường khác chỉ là 16%. Trong 09 tháng đầu năm 2010, giá trị hàng may mặc xuất khẩu của Campuchia tăng hơn 21 % so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến sẽ tăng 15% trong năm tới một phần là nhờ vào hiêu lực của bộ quy tắc mới này của EU. Theo Bộ Tài chính Campuchia, dự kiến giá trị hàng may mặc xuất khẩu của Campuchia trong năm 2010 sẽ đạt 2,8 tỷ USD, vẫn chưa bằng mức 2,9 tỷ USD vào năm 2008 trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính, kinh tế tòan cầu.

Các đối thủ cạnh tranh chính trong ngành may mặc của Campuchia là Việt Nam và Băngdalet cũng sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan của Liên minh Châu Âu nhưng các ưu đãi này có ý nghĩa lớn hơn nhiều đối với sự tăng trưởng của ngành may mặc Campuchia vào thời điểm hiện tại. Việt Nam hiện chỉ nhập khẩu khoảng 70% nguyên phụ liêu may mặc, còn Băngladet thì đã xuất khẩu tới 60% sản lượng hàng may mặc của mình sang thị trường EU. Trong khi đó, Campuchia nhập khẩu hầu hết nguyên phụ liệu may mặc và sản lượng may mặc của Campuchia nhập khẩu vào EU chưa đến một phần tư tổng sản lượng.

Tuy nhiên, dư luận trong giới nghiên cứu kinh tế trong nước và nước ngoài tại Campuchia tỏ ra thận trọng khi cho rằng, cùng với việc tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư, về lâu dài vấn đề là Campuchia cần phải tập trung cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng phục vụ các ngành sản xuất. Chẳng hạn trong ngành dệt may, nếu chỉ tập trung tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu trước mắt, có thể chính những ưu đãi thuế quan này của EU sẽ làm giảm động lực của Campuchia trong việc thúc đẩy phát triển ngành dệt và công nghiệp phụ trợ may mặc, từ đó không tăng được tỷ lệ thu nhập thực tế của Campuchia trong chuỗi giá trị sản phẩm may mặc xuất khẩu.

Một vấn đề cũng đang được quan tâm hàng đầu khác là, hiện vẫn chưa rõ liệu Mỹ, khách hàng lớn nhất của các sản phẩm may mặc của Campuchia, có thay đổi các quy tắc thương mại tương tự như EU hay không. Sau khi Hiệp định dệt may Campuchia – Mỹ hết hạn năm 2004, các sản phẩm may mặc của Campuchia vào Mỹ vẫn phải chịu mức thuế suất tới 16%. Hiện Campuchia đang nỗ lực vận động Mỹ dành ưu đãi cho hàng may mặc “Made in Cambodia”. Năm 2009, Nghị sỹ Mỹ Jim Mc Dermott đã đưa ra dự luật về việc miễn thuế cho hàng may mặc của Campuchia nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển mới trong việc hai đảng của Mỹ cùng thống nhất về vấn đề này. Năm 2011 tới, vấn đề sửa đổi hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) có liên quan trực tiếp đến Campuchia sẽ được tiếp tục bàn thảo tại các Quốc hội và Thượng viện Mỹ.

Trước mắt, các quy định mới của EU sẽ tác động tăng cường đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Campuchia, kể cả đầu tư xây dựng mới và bổ sung vốn cho các dự án đầu tư, qua đó giúp tạo ra thêm việc làm cho công nhân Campuchia, trong lĩnh vực dệt may và các ngành sản xuất hàng hóa khác như lắp ráp các thiết bị điện, sản xuất đồ gia dụng, thép và sản phẩm nhựa.

Trường hợp công ty A&J Worldwide của Đài Loan chuyên sản xuất xe đạp xuất khẩu sang Châu Âu (đã đầu tư xây dựng một nhà máy tại tỉnh Svay Rieng từ năm 2006) là một ví dụ điển hình. Theo quy định mới của EU, tỷ lệ sản phẩm của nhà máy này được  hưởng thuế suất ưu đãi sẽ tăng từ khoảng 50% lên đến 70%, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường Châu Âu của sản phẩm xe đạp sản xuất tại Campuchia của công ty này. Do đó, A&J Worldwide lập tức đã có kế hoạch mở rộng sản xuất nhằm gia tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu với dự kiến sản lượng năm 2011 sẽ là 300 ngàn chiếc xe đạp, tăng gần 10% so với năm 2010 vừa qua.

Về tình hình chung, năm 2009, bất chấp tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Campuchia vào EU tăng trưởng 4,9%, đạt mức 1,1 tỷ USD, trong đó 71% là hàng may mặc và 19% nữa là các mặt hàng liên quan đến may mặc như giày dép và mũ nón.

Tuy nhiên, quan hệ thương mại Campuchia vẫn còn một số vấn đề tồn tại. Hiện các NGO trong nước và quốc tế tại Campuchia đang phản đối mạnh mẽ việc EU miễn thuế cho các mặt hàng nông sản của Campuchia. cụ thể là mặt hàng đường. Lý do là việc miễn thuế của EU cho Campuchia sẽ khuyến khích Chính phủ Campuchia cấp phép cho các dự án đất tô nhượng kinh tế quy mô lớn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân đang sinh sống trong khu vực đất tô nhượng kinh tế. Đại diện của Liên minh Châu Âu tại Campuchia đã tiếp nhận các kiến nghị này để xem xét và báo cáo các cơ quan chức năng của EU nhằm có biện pháp can thiệp.

Thị trường nước ngoài, Thương vụ Việt Nam tại Campuchia

Các tin tức khác

>   Campuchia bắt đầu thu thuế sử dụng bất động sản (05/01/2011)

>   Chính thức khai trương siêu thị Việt tại Campuchia (29/12/2010)

>   Campuchia vay 558 triệu USD xây nhà máy thủy điện (29/12/2010)

>   Campuchia muốn tự xuất khẩu gạo (28/12/2010)

>   Vận tải đường bộ Việt Nam – Campuchia: Chỉ mở đường thôi chưa đủ (27/12/2010)

>   Lào tăng tốc dự án đường sắt cao tốc (26/12/2010)

>   Lượng du khách Việt Nam đến Campuchia tăng 50% so với năm ngoái (22/12/2010)

>   Campuchia, đối thủ cạnh tranh của gạo thơm Thái (14/12/2010)

>   Lào: Khánh thành nhà máy thủy điện Nam Theun 2 (12/12/2010)

>   Lào-Việt Nam: Công ty Việt Nam sản xuất hàng tre tại Attapeu   (10/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật