Thứ Hai, 27/12/2010 21:16

Vận tải đường bộ Việt Nam – Campuchia: Chỉ mở đường thôi chưa đủ

Liên vận hai nước Việt Nam – Campuchia được đánh giá là khá sôi động sau 5 năm thông thương biên giới. Tuy vậy vẫn còn một số vướng mắc cần giải quyết ngay trong năm 2011 tới. Ghi nhận tại hội nghị thường niên về thực hiện hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia, tổ chức tại Cần Thơ sáng 27.12.

Phương tiện vận tải còn khó qua lại

Ông Chan Dara, phó tổng cục trưởng tổng cục Vận tải, bộ Công chính Campuchia nhìn nhận, bên cạnh những thuận lợi trong thực hiện hiệp định và nghị định thư, vẫn ít nhiều còn những tồn tại phải tiếp tục bàn bạc, bổ sung thêm cho phù hợp.

Do thủ tục hải quan và thuế lưu thông của Campuchia cao, các doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển hàng sang các phương tiện vận chuyển của đối tác Campuchia tại cửa khẩu để giảm chi phí. 

Đánh giá của tổng cục Đường bộ Việt Nam, dù đã cấp phép liên vận cho 20 loại xe vận chuyển hàng hóa, nhưng các phương tiện này ít hoạt động, thậm chí có nhiều phương tiện đã được cấp phép nhưng không tham gia vận chuyển hàng hóa qua lại biên giới. Nguyên nhân do thủ tục hải quan và thuế suất lưu thông hàng hóa phía Campuchia thu khá cao, nên các doanh nghiệp Việt Nam thường thực hiện việc chuyển tải hàng hóa sang phương tiện của phía đối tác Campuchia ngay tại các khu vực cửa khẩu để giảm bớt chi phí trong hoạt động kinh doanh.

Các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch Việt Nam cũng than phiền, nhiều xe vận chuyển du khách đến tham quan Siêm Riệp đã bị cảnh sát du lịch ở đây giữ lại do không có giấy phép của tổng cục Du lịch Campuchia. Tuy nhiên, theo qui định của Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định, phương tiện qua lại hai nước chỉ cần xuất trình giấy phép liên vận do cơ quan có thẩm quyền hai nước cấp là đủ. Theo tổng cục Đường bộ Việt Nam, với giấy phép này phương tiện hoạt động trên lãnh thổ hai nước không bị giới hạn về tuyến hoặc vùng hoạt động.

Vấn đề cấp phép cho phương tiện phi thương mại, tổng cục đường bộ Việt Nam cho rằng, từ năm 2006 đến nay chỉ mới thực hiện hiệp định đối với các phương tiện thương mại. Theo tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng cục Vận tải Campuchia cần triển khai tới các cơ quan liên quan để tạo điều kiện tốt hơn cho phương tiện phi thương mại của phía Việt Nam hoạt động trên lãnh thổ Campuchia đúng với các quy định đã ký kết. Các doanh nhân Việt Nam cũng đề xuất nhu cầu được cấp phép phương tiện phi thương mại để thuận tiện cho họ trong việc qua lại cửa khẩu cho mục tiêu trao đổi, hợp tác kinh tế với các đối tác phía Campuchia.

Tại hội nghị này, hai tỉnh Long An, Đồng Tháp có các cửa khẩu giáp cận Campuchia: Bình Hiệp (Long An) – Prayvo (Svay Rieng); Dinh Bà (Đồng Tháp) – Bontia Chak Cray (Pray Veng) đề xuất được bổ sung vào danh sách các cặp cửa khẩu thực hiện hiệp định. Tuy nhiên qua khảo sát hạ tầng giao thông, tổng cục Đường bộ đề xuất, trước mắt nên triển khai việc thông xe tại cặp cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) – Trapeang Sre (Snoul Kratie) trong quý 2/2011. Bên cạnh đó là việc xúc tiến xây dựng tuyến mẫu liên vận quốc tế TP.HCM – Phnom Penh theo biên bản ghi nhớ bộ Giao thông vận tải và bộ Công chính Campuchia ký kết ngày 14.9.2010.

32 đơn vị được cấp phép vận chuyển qua biên giới

Theo báo cáo của tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến cuối tháng 11.2010 đã có 32 đơn vị (doanh nghiệp, hợp tác xã) được cấp phép hoạt động liên vận quốc tế Việt Nam – Campuchia. Trong số này có 30 đơn vị hoạt động vận chuyển hành khách thuộc các tỉnh Trà Vinh, An Giang, TP.HCM và Cần Thơ. Hai đơn vị còn lại thuộc TP.HCM được cấp phép vận chuyển hàng hóa qua lại cửa khẩu.

Hiệp định vận tải đường bộ ký kết giữa Chính phủ hai nước vào tháng 6.1998 tại Hà Nội và nghị định thư thực hiện hiệp định này cũng đã ký hồi tháng 10.2005. Thực hiện các nội dung đã cam kết, tháng 9.2006 bộ Giao thông vận tải Việt Nam và bộ Công chính Campuchia đã tổ chức thông xe cặp cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) – Bavet (Svay Rieng).

Đây được xem là bước đầu tiên thực hiện hiệp định vận tải đường bộ và Nghị định thư.

Tiếp đến các cặp cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) – Phnom Den (Takeo); Xà Xía (Kiên Giang) – Prek Chak (Lork – Kam Pot)… tiếp tục được thông xe.

Đến tháng 12.2010, tổng hợp của tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, cơ quan này đã cấp trên 205 giấy phép cho phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa qua lại biên giới giữa hai nước. Trong đó phương tiện vận chuyển hành khách là 185 xe gồm xe hợp đồng vận chuyển khách du lịch và xe chạy tuyến cố định. Bên cạnh đó, tổng cục Đường bộ cũng đã cấp phép cho 20 xe vận chuyển hàng hóa liên vận.

Phó tổng cục trưởng tổng cục Vận tải, bộ Công chính Campuchia, ông Chan Dara nói bốn cặp cửa khẩu trên tuyến biên giới đang hoạt động theo khuôn khổ Hiệp định và Nghị định thư đã đáp ứng đáng kể nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa giao lưu giữa hai nước, tạo động lực phát triển kinh tế.

Ngọc Tùng (ghi)

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Lào tăng tốc dự án đường sắt cao tốc (26/12/2010)

>   Lượng du khách Việt Nam đến Campuchia tăng 50% so với năm ngoái (22/12/2010)

>   Campuchia, đối thủ cạnh tranh của gạo thơm Thái (14/12/2010)

>   Lào: Khánh thành nhà máy thủy điện Nam Theun 2 (12/12/2010)

>   Lào-Việt Nam: Công ty Việt Nam sản xuất hàng tre tại Attapeu   (10/12/2010)

>   Triển vọng ngành trồng và chế biến hạt điều của Campuchia (08/12/2010)

>   Xuất khẩu sang thị trường Campuchia còn nhiều tiềm năng (08/12/2010)

>   Công ty Trung Quốc tìm cơ hội đầu tư vào Campuchia (03/12/2010)

>   Hội chợ thương mại Việt Nam - Lào 2010 (02/12/2010)

>   Lào: Sản lượng điện sẽ tăng vọt (29/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật