Thứ Ba, 28/12/2010 11:17

Campuchia muốn tự xuất khẩu gạo

Campuchia đang sửa soạn cho chiến lược xuất khẩu gạo tương lai, nhắm đến thị trường Trung Quốc, Philippines và Indonesia. Trong tháng 8, Chính phủ Campuchia đã tuyên bố rằng nước này phấn đấu đến năm 2015 trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo chủ chốt tới nhiều thị trường trên thế giới. Những động thái này sẽ có tác động đến thị trường gạo quốc tế, và đặc biệt đối với Việt Nam.

Tham vọng của Campuchia

Sản xuất lúa gạo của Campuchia đã có xu hướng tăng trong những năm gần đây và lượng gạo dư thừa để xuất khẩu ngày càng dồi dào. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sản lượng gạo của Campuchia năm 2009 đạt 4,5 triệu tấn, năm 2010 đạt 4,7 triệu tấn và dự kiến năm 2011 sẽ đạt 4,8 triệu tấn. Trong khi đó, xuất khẩu gạo năm 2009 đạt 800.000 tấn và năm 2010 đạt 850.000 tấn (xem bảng).

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp nước này mới đây cho biết sản lượng lúa của Campuchia năm 2010 ước đạt 7,99 triệu tấn, mức cao nhất kể từ năm 2000. Với sản lượng này, năm 2010 ước tính nước này sẽ dư thừa 3,8 triệu tấn lúa, cao hơn mức 3,5 triệu tấn năm 2009. Ước tính lượng gạo dư thừa sẽ đạt mức 2,1 triệu tấn để xuất khẩu. Đây có thể là một tin tốt lành đối với Thái Lan và Việt Nam trong việc hỗ trợ nguồn cung xuất khẩu, tuy nhiên đang có sự cạnh tranh thu mua lúa giữa hai nước này trên thị trường Campuchia.

Trong khi sản xuất lúa gạo tăng trưởng thì Chính phủ Campuchia đang nỗ lực thúc đẩy tìm kiếm thị trường xuất khẩu, bắt đầu tập trung vào các thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc.

Phát biểu trong trung tuần tháng 10, Thủ tướng Hun Sen cho biết, Campuchia đang hướng tới thị trường Trung Quốc để xuất khẩu gạo. Thủ tướng cho biết một thỏa thuận sẽ được ký kết giữa hai bên về vấn đề xuất khẩu gạo của Campuchia. Ngoài xuất khẩu gạo, Chính phủ Trung Quốc cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Campuchia trong việc xuất khẩu nói chung.

Tiếp theo Trung Quốc, Campuchia cũng đã tiếp xúc với Philippines. Ông Sok Siphana, cố vấn của Chính phủ Campuchia, cho biết trong chuyến thăm nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới này là sẽ tìm ra giải pháp để Campuchia có thể bắt đầu xuất khẩu một khối lượng gạo lớn sang thị trường này. Một thành viên khác trong Chính phủ Campuchia cho biết nước này đang cố gắng phát triển lĩnh vực xuất khẩu gạo và đã chào bán ít nhất 100.000 tấn gạo mỗi năm cho Philippines.

Không chỉ dừng lại ở Philippines, trong tháng 11-2010, Indonesia cũng đã xúc tiến để mua gạo khối lượng lớn của Campuchia. Phát biểu trong cuộc hội chợ thương mại Indonesia, Bộ trưởng ngoại giao Indonesia cho biết: “Chúng tôi đang muốn nhập khẩu gạo, Campuchia đang là một cân nhắc của chúng tôi”. Ông Sok Siphana cho biết: “Doanh nhân của chúng tôi chưa từng tham gia vào hệ thống thương mại thế giới, bởi vậy chúng tôi muốn bắt đầu với những khối lượng nhỏ và đặc biệt ưu tiên xuất khẩu trong khu vực ASEAN”.

Các ảnh hưởng đến xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam

Khi xuất khẩu gạo của Campuchia tăng lên, đặc biệt khi nước này đang nhắm vào các thị trường Đông Nam Á, sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam. Hơn nữa, những động thái gần đây cho thấy Campuchia sẽ tham gia mạnh mẽ hơn theo hình thức cung cấp gạo theo cấp chính phủ, cạnh tranh với các hợp đồng tập trung của Việt Nam.Việc Campuchia tự xuất khẩu gạo sẽ dẫn đến giảm lượng gạo của nước này xuất qua Việt Nam để tái xuất khẩu. Hàng năm, có một khối lượng lúa gạo khá lớn từ Campuchia qua Việt Nam để chế biến xuất khẩu thông qua mạng lưới thương lái.

Nếu hợp đồng tập trung của Việt Nam chịu sức ép thì Việt Nam sẽ phải thúc đẩy xuất khẩu theo hợp đồng thương mại nhiều hơn nữa, một mặt tạo nên sức ép xuất khẩu nhưng mặt khác sẽ là cơ hội tốt hơn cho nhiều doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và xuất khẩu gạo nhiều hơn.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho rằng Campuchia sẽ còn lâu mới có thể tăng lượng xuất khẩu trực tiếp do những yếu kém về năng lực thương mại, công nghệ chế biến, hạ tầng giao thông và cảng biển… Tuy nhiên, những động thái mới đây của Campuchia cho thấy họ có thể thúc đẩy nhanh hơn tiến trình xuất khẩu gạo trực tiếp. Thứ nhất, Campuchia vừa thông qua kế hoạch tăng ngân sách năm 2011 cho ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng đặc biệt cho đầu tư xuất khẩu gạo. Thứ hai, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo của Campuchia.

Trong tháng 11-2010, Công ty Thái Thịnh Việt Nam và Takmoa Campuchia đã ký thỏa thuận 22,4 triệu đô la Mỹ để sản xuất 20.000 héc ta lúa gạo ở vùng Kompong Cham và Kompong Svay cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm hơn là Trung Quốc cũng bắt đầu vào cuộc. Tập đoàn COFCO, một trong những hãng kinh doanh lớn nhất của Trung Quốc về lương thực và dầu ăn đang muốn đầu tư vào lĩnh vực chế biến và xuất khẩu gạo của Campuchia. Trong tháng 10-2010, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Campuchia cho phép doanh nghiệp Trung Quốc có điều kiện thuận lợi để xuất khẩu gạo từ Campuchia. Yang Hong, Phó giám đốc COFCO, phát biểu: “Chúng tôi rất quan tâm đến lĩnh vực xuất khẩu gạo và du lịch của Campuchia”.

Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động lên phương án kinh doanh trong dài hạn có tính đến sự trỗi dậy của Campuchia. Sự tự cường của Campuchia sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh với xuất khẩu gạo của Việt Nam không chỉ về thị trường mà còn cả về nguồn cung cho chế biến. Nếu không, rất có thể trong tương lai không phải gạo chảy từ Campuchia về miền Tây để chế biến và xuất khẩu ra thế giới mà sẽ đi theo chiều ngược lại.

Phạm Quang Diệu

tbktsg

Các tin tức khác

>   Vận tải đường bộ Việt Nam – Campuchia: Chỉ mở đường thôi chưa đủ (27/12/2010)

>   Lào tăng tốc dự án đường sắt cao tốc (26/12/2010)

>   Lượng du khách Việt Nam đến Campuchia tăng 50% so với năm ngoái (22/12/2010)

>   Campuchia, đối thủ cạnh tranh của gạo thơm Thái (14/12/2010)

>   Lào: Khánh thành nhà máy thủy điện Nam Theun 2 (12/12/2010)

>   Lào-Việt Nam: Công ty Việt Nam sản xuất hàng tre tại Attapeu   (10/12/2010)

>   Triển vọng ngành trồng và chế biến hạt điều của Campuchia (08/12/2010)

>   Xuất khẩu sang thị trường Campuchia còn nhiều tiềm năng (08/12/2010)

>   Công ty Trung Quốc tìm cơ hội đầu tư vào Campuchia (03/12/2010)

>   Hội chợ thương mại Việt Nam - Lào 2010 (02/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật