Không sửa thuế TNCN vì áp lực
Lạm phát tăng, thu nhập thực tế của người lao động giảm, áp lực sửa thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ngày càng lớn, nhưng ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định: “Không sửa thuế TNCN vì áp lực”.
Thực tế cuộc sống đang đòi hỏi cần phải sửa thuế TNCN, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Cuộc sống lúc nào cũng đặt ra áp lực, chẳng lẽ cứ mỗi khi có áp lực, trong đó có nhiều áp lực nhất thời do nền kinh tế gặp khó khăn tạm thời lại phải sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách?
Đối với thuế TNCN, chúng ta cần phải nhìn nhận thấu đáo là hiện tại sắc thuế này chỉ điều tiết đối với khoảng 330.000 người có thu nhập thường xuyên (từ tiền lương, tiền công) cao hơn mức thu nhập bình quân của xã hội mà thôi. Với những đối tượng này, do lạm phát tăng mà vẫn phải đóng thuế thì đúng là có đặt ra áp lực, nhưng nhìn trong tổng thể, hiện chúng ta có trên 51 triệu người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công chưa đến ngưỡng phải đóng thuế TNCN thì họ không đặt ra áp lực nào cho việc sửa đổi, bổ sung sắc thuế này.
Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế, thậm chí nhiều quan chức nhà nước mặc dù thu nhập của họ chưa đến ngưỡng phải chịu thuế vẫn đặt vấn đề phải hạ thuế suất, nâng mức khởi điểm chịu thuế và tăng giảm trừ gia cảnh?
Đấy chỉ là quan điểm cá nhân. Nếu sửa đổi, bổ sung thuế TNCN theo hướng này thì thuế TNCN sẽ trở thành thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao - sắc thuế lỗi thời mà hầu hết các nước trên thế giới không còn sử dụng. Tôi xin nhấn mạnh rằng, thuế TNCN phải bảo đảm nguyên tắc: đã có thu nhập thì phải nộp thuế, tất nhiên cũng phải tính đến các yếu tố xã hội để thực hiện giảm trừ gia cảnh; miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế đối với những trường hợp gặp khó khăn.
Tuy nhiên, trong điều kiện lạm phát tăng cao, mức giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng/tháng/người nộp thuế và 1,6 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc vẫn là quá thấp, thưa ông?
Chúng ta chưa nên vội vàng đánh giá mức 4 triệu đồng/tháng hay 1,6 triệu đồng/tháng là cao hay thấp. Cao hay thấp cần phải có sự so sánh, nhưng tôi chỉ muốn nói rằng, trong số hơn 50 triệu người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp may mặc, da giày, thuỷ sản và lao động nông nghiệp chưa có mức thu nhập này.
Nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia kinh tế nước ngoài đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam không cao chính là việc chúng ta liên tục sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, đặc biệt là các chính sách thuế. Chúng ta muốn tạo môi trường đầu tư bình đẳng, ổn định thì không thể cứ mỗi khi bị áp lực nhất thời của xã hội, báo chí do hoàn cảnh khó khăn nào đó lại tính đến việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách.
Luật thuế TNCN mới chỉ có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2009, nhưng thực tế mới chỉ đi vào cuộc sống kể từ năm 2010 do năm 2009, trước áp lực suy giảm kinh tế, Quốc hội quyết định miễn thuế TNCN cho một số nhóm đối tượng vì thế, nếu đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung sắc thuế này trong khi chưa nghiên cứu, tính toán, cân nhắc thấu đáo sẽ phản tác dụng.
Mặc dù vậy, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN. Và trên thực tế, Bộ Tài chính cũng đã có cuộc họp bàn về vấn đề này?
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng mới chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN. Và trên thực tế, Bộ Tài chính cũng chỉ mới nghiên cứu. Quá trình nghiên cứu, tổng kết, đánh giá mất rất nhiều thời gian bởi không chỉ nghiên cứu, đánh giá về thuế suất, bậc thuế, khởi điểm chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh… có phù hợp hay không, mà còn phải nghiên cứu mức thuế TNCN đánh vào đầu tư chứng khoán, thừa kế, quà tặng, tiền gửi ngân hàng, đầu tư bất động sản… Sau quá trình nghiên cứu, Bộ Tài chính mới trình Chính phủ quyết định có kiến nghị Quốc hội sửa đổi hay không.
Theo tôi, chính sách cần phải bảo đảm tính ổn định tương đối, đừng vì những khó khăn, vướng mắc nhất thời mà chúng ta lại đi thay đổi cả một chính sách thuế mới chỉ đi vào cuộc sống hơn một năm và càng không thể sửa cơ chế, chính sách chỉ vì áp lực của báo chí.
Thu nhập thường xuyên hiện phải chịu thuế TNCN theo 7 bậc, từ 5% đến 35%. So với Biểu thuế TNCN của nhiều nước trong khu vực thì Biểu thuế của Việt Nam khá “nặng”?
Mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhất là trình độ nền kinh tế của chúng ta còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực đang áp dụng thuế TNCN như Thái Lan, Singapore, Malaysia… Nếu muốn nói rằng thuế TNCN của nước ta “nặng” hơn thì cần phải so sánh xem tỷ lệ người nộp thuế/dân số của nước ta có cao bằng họ không thì mới kết luận được. Tôi nghĩ rằng, thuế TNCN của nước ta không cao bởi khi đưa ra 7 bậc thuế (từ 5% đến 35%), Bộ Tài chính, Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cũng đã cân nhắc, tính toán rất cẩn trọng rồi. Bây giờ, nếu muốn hạ thuế suất thì phải mở rộng diện chịu thuế, đối tượng chịu thuế.
Năm 2009, trước áp lực suy giảm kinh tế, Quốc hội quyết định miễn thuế TNCN cho một số nhóm đối tượng. Theo ông, tại Kỳ họp này, Quốc hội có cần thiết phải ban hành một Nghị quyết tương tự?
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép miễn thuế TNCN đối với một số khoản thu nhập của cá nhân năm 2009 là do nền kinh tế khi đó đang bị suy thoái vì bị ảnh hưởng, tác động bởi khủng hoảng kinh tế thế giới. Để chống suy giảm kinh tế cần phải kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng, chính vì vậy, khi đó Chính phủ mới thực hiện miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp các loại thuế, phí, lệ phí và Quốc hội cũng đã cho phép miễn thuế đối với một số khoản thu nhập của cá nhân để kích cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất trong nước.
Nhưng bối cảnh của nền kinh tế hiện nay là lạm phát chứ không phải là suy giảm kinh tế vì vậy, thay vì miễn, giảm thuế, Chính phủ đang tích cực cắt giảm chi tiêu công, đầu tư công, thắt chặt chính sách tài chính, chính sách tiền tệ để rút tiền ra khỏi lưu thông, bên cạnh đó, Chính phủ cũng khuyến khích tiết kiệm cả trong đầu tư lẫn chi tiêu của toàn xã hội.
Nói như vậy có nghĩa là không kỳ vọng việc Quốc hội ra Nghị quyết miễn thuế TNCN?
Đến giờ phút này Uỷ ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan giúp Quốc hội thẩm định các chính sách thuế) chưa nhận được yêu cầu nghiên cứu, lấy ý kiến, soạn thảo nghị quyết nào liên quan đến việc miễn, giảm hay gia hạn thuế TNCN để Quốc hội thông qua.
Mạnh Bôn
đầu tư
|