Thứ Hai, 21/03/2011 17:52

Hạch toán chênh lệch tỷ giá vẫn khó

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) dù đã được sửa đổi nhiều lần để phù hợp với thực tế hơn, nhưng các khoản thu nhập chịu thuế liên quan đến lĩnh vực nóng là chênh lệch tỷ giá vẫn là bài toán khó trong hạch toán của doanh nghiệp.

Cuối năm 2010, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) có ý kiến với Tổng cục Thuế về việc thực hiện Nghị định 124 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN. Vấn đề nhiều thành viên của hội bức xúc liên quan đến khoản tính thu nhập từ chênh lệch tỷ giá. Nghị định 124 chỉ quy định rất chung chung tại điều 9 về các khoản trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, trong đó có “chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế”.

Ông Nguyễn Doãn Thắng, Phó tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ, yêu cầu phải quy định thống nhất về chuyện này, vì nhiều văn bản của Tổng cục Thuế khó hiểu, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, trong khi bản chất các khoản thuế là phải minh bạch và tính đúng. Tại sao lại như vậy? Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Trưởng văn phòng Luật sư Đào và Đồng nghiệp, chỉ rõ: “Hiện nay các quy định về khoản trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được quy định rải rác tại nhiều văn bản về thuế”. Chỉ riêng việc tính thuế do chênh lệch tỷ giá, điều 9 Nghị định 124 có nói đến, Thông tư 130/2008 cũng nhắc lại nhưng không phải vì thế mà quy định trở nên rõ ràng.

Chính Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cũng có công văn kiến nghị sửa đổi nghị định theo hướng phù hợp hơn, phải hướng dẫn liên quan đến lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ; lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ vào cuối năm tài chính. Bởi vì các biến động về tỷ giá luôn có mặt trong sổ sách kế toán và trong hạch toán thu nhập của doanh nghiệp. Nhất là đối với các doanh nghiệp niêm yết, hạch toán chênh lệch tỷ giá, ngoài ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận cuối năm, còn tác động rất lớn đến quyền lợi của cổ đông và giá cổ phiếu.

Sự không rõ ràng từ các cơ quan hướng dẫn tính thuế về hạch toán được trừ hay không được trừ thuế TNDN do chênh lệch tỷ giá, hạch toán vào thời điểm nào và thực hiện ra sao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông trong doanh nghiệp và gây khó khăn cho quá trình minh bạch tài chính qua kiểm toán.

Hội Doanh nghiệp trẻ đề nghị, đối với khoản lãi chênh lệch tỷ giá, do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính, được bù trừ với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong cùng thời điểm. Sau bù trừ, nếu còn thì tính vào thu nhập khác và nếu lỗ thì tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có khoản vay bằng ngoại tệ, nếu chênh lệch do đánh giá lại nợ không được đưa vào chi phí, sẽ gây khó khăn cho họ khi đến thời hạn trả.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế, thực tế thì Thông tư 18/2011 của Bộ Tài chính mới đây đã sửa lại điều khoản xử lý thuế chênh lệch tỷ giá. Cái khó là do các quy định liên quan nằm rải rác trong nhiều văn bản, lại hướng dẫn không rõ ràng, nên chưa đến được doanh nghiệp. Thông tư mới cho phép khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ có liên quan đến doanh thu, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh chính thì được bù trừ. Cụ thể hơn, trường hợp chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ và tính vào chi phí làm cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị lỗ thì có thể “phân bổ một phần cho năm sau để doanh nghiệp không bị lỗ”. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đảm bảo phần chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí trong năm ít nhất cũng phải bằng chênh lệch tỷ giá của số ngoại tệ đến hạn phải trả trong năm đó.

Sự thiếu rõ ràng của luật thuế TNDN, rồi Nghị định 124, tới Thông tư hướng dẫn 130 đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về khoản mục xử lý chênh lệch tỷ giá. Lấy thông tư sau đó (18/2011) để giải quyết những vướng mắc nêu trên là chưa đủ. Đã đến lúc phải hướng dẫn thống nhất thực thi điều khoản này ở một văn bản tầm nghị định, để tránh áp đặt không rõ ràng cho những người nộp thuế.

Ngọc Lan

tbktsg

Các tin tức khác

>   Kiến nghị nâng mức bán hàng miễn thuế ở cửa khẩu Mộc Bài (21/03/2011)

>   Không huy động vốn mới để trả nợ cũ (19/03/2011)

>   Doanh nghiệp nên tự in hóa đơn (18/03/2011)

>   Dự kiến hai tuần nữa chốt phương án sửa Luật Thuế TNCN (17/03/2011)

>   Chưa nên vội sửa thuế thu nhập cá nhân? (16/03/2011)

>   Chống gian lận thuế qua báo cáo lỗ (16/03/2011)

>   Ngày 16/03, Bộ Tài chính họp về sửa thuế thu nhập cá nhân (15/03/2011)

>   Tạm dừng trang bị mới xe ôtô từ tiền ngân sách (14/03/2011)

>   Kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống gần 20% (10/03/2011)

>   Bộ Tài chính phát thông điệp sửa đổi luật thuế TNCN (10/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật