Thứ Bảy, 19/03/2011 11:28

Không huy động vốn mới để trả nợ cũ

Số tiền ngân sách hàng năm bỏ ra để thanh toán nợ trái phiếu chính phủ (TPCP) ngày càng lớn, tuy nhiên, khẳng định với Báo Đầu tư, Tổng kiểm toán Nhà nước, ông Vương Đình Huệ cho biết, ngân sách không huy động vốn mới để thanh toán nợ cũ.

Thưa  ông, nhìn vào số liệu huy động và trả nợ  TPCP, nhiều người cho rằng, ngân sách đã bắt đầu phải huy động vốn mới  để trả nợ cũ?

Trong 4 năm vừa qua, ngân sách nhà nước huy động được 155.332 tỷ đồng và 534 triệu USD từ việc phát hành TPCP.

Cũng trong thời gian này, ngân sách phải thanh toán 91.530 tỷ đồng nợ gốc và 33.544 tỷ đồng nợ lãi, qua kiểm toán cho thấy, toàn bộ số tiền huy động được đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng, không có tình trạng huy động vốn mới để thanh toán nợ cũ. Việc trả nợ gốc và lãi TPCP đã huy động từ những năm trước được thực hiện theo đúng Luật ngân sách nhà nước.

Hàng năm, ngân sách phải thanh toán nợ  gốc và lãi TPCP rất lớn, nhưng việc giải ngân không theo kịp tiến độ huy động, ông bình luận gì về vấn đề này?

Tổng khối lượng TPCP đã giải ngân trong 4 năm vừa qua chỉ đạt khoảng 107.344 tỷ đồng, không chỉ thấp hơn so với khối lượng đã huy động được, mà còn thấp hơn cả kế hoạch đã bố trí cho các công trình, dự án trong giai đoạn này là gần 117.170. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm toán việc phát hành và sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2006-2009 vừa được Kiểm toán hoàn tất thì việc giải ngân nguồn vốn này đã có sự cải thiện đáng kể.

Cụ thể, nếu như năm 2006, các bộ, ngành, địa phương chỉ giải ngân được 8.080 tỷ đồng vốn TPCP thì năm 2007 khối lượng giải ngân đã tăng lên gấp đôi (16.655 tỷ đồng) và năm 2008 đạt 26.887 tỷ đồng. Năm 2009 và 2010, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành tới 95% và gần 100% kế hoạch. Đây là kết quả giải ngân nguồn vốn TPCP cao nhất kể từ khi ngân sách huy động này để đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng (năm 2003).

Ông nhìn nhận thế nào về kết quả này?

Tiến  độ giải ngân nguồn vốn TPCP được cải thiện rõ  nét, theo tôi, đây là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc phân giao kế hoạch vốn và triển khai dự án hàng năm rất sớm, thay vì phải đến tháng 5, tháng 6 mới hoàn thành, kể từ năm 2009, việc phân giao kế hoạch vốn thường hoàn thành ngay trong quý 1 .

Năm 2011, theo tôi được biết, ngay từ cuối năm 2010, Chính phủ đã lên kế hoạch huy động và giải ngân nguồn vốn TPCP và ngày 15/2/2011 (hạn cuối cùng), các bộ, ngành, địa phương cũng đã hoàn tất việc phân giao kế hoạch vốn đầu tư TPCP vì vậy, việc giải ngân nguồn vốn này trong năm nay cũng sớm hoàn thành.

Nhưng tính trong cả thời gian 4 - 5 năm vừa qua có  thể thấy, khối lượng TPCP phát hành cũ  vẫn còn mà lại tiếp tục huy động mới sẽ dẫn tới lãng phí, giảm hiệu quả  đầu tư, thưa ông?

Theo quy định trước đây, khối lượng TPCP phát hành được phân bổ cho từng công trình, dự án cụ thể. Vì thế dẫn đến tình trạng có công trình triển khai chậm hoặc chậm khởi công vẫn được phân bổ nguồn vốn. Trong khi đó, có những công trình, dự án thực hiện vượt tiến độ hoặc khởi công mới lại thiếu vốn nên bắt buộc phải phát hành cho dù tổng khối lượng đã phát hành vẫn còn.

Tình trạng này đã được khắc phục chưa?

Kể từ  năm 2009 trở lại đây tình trạng “vốn chờ công trình” và “công trình chờ vốn” đã giảm dần. Đặc biệt, kể từ năm 2011 này, thực hiện Nghị quyết 11/2011/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ sẽ không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, TPCP kế hoạch năm 2011, thu hồi vốn tại các công trình chậm khởi công, thực hiện không đúng tiến độ, chưa thực sự cấp bách hoặc hiệu quả thấp để bổ sung vốn cho các công trình, dự án hoàn thành trong năm 2011.

Theo tôi  được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  đã thành lập 11 đoàn đoàn kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình, dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và TPCP đã được bố trí vốn năm 2011; xác định cụ thể công trình, dự án cần ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện trong năm; thu hồi hoặc điều chuyển các khoản đã bố trí nhưng chưa cấp bách, không đúng mục tiêu, báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý ngay trong tháng 3 này. Với những giải pháp quyết liệt này, tôi tin rằng không còn tình trạng vốn huy động vượt quá khả năng giải ngân.

Mạnh Bôn

đầu tư

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp nên tự in hóa đơn (18/03/2011)

>   Dự kiến hai tuần nữa chốt phương án sửa Luật Thuế TNCN (17/03/2011)

>   Chưa nên vội sửa thuế thu nhập cá nhân? (16/03/2011)

>   Chống gian lận thuế qua báo cáo lỗ (16/03/2011)

>   Ngày 16/03, Bộ Tài chính họp về sửa thuế thu nhập cá nhân (15/03/2011)

>   Tạm dừng trang bị mới xe ôtô từ tiền ngân sách (14/03/2011)

>   Kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống gần 20% (10/03/2011)

>   Bộ Tài chính phát thông điệp sửa đổi luật thuế TNCN (10/03/2011)

>   Thuế nhập khẩu ô tô: Linh kiện hay nguyên chiếc? (10/03/2011)

>   Nên miễn giảm thuế thu nhập cá nhân (09/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật