“Hiến kế” ổn định kinh tế vĩ mô trung, dài hạn
Không chỉ “mổ xẻ” để rút ra bài học từ thực tế đã qua mà nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô với tầm nhìn xa hơn cũng sẽ được đề xuất tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn”.
Do Ủy ban Kinh tế và Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức tại Cần Thơ trong hai ngày 10 và 11/3, hội thảo này có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính và lập pháp ở nhiều vùng miền, lĩnh vực.
Với mục tiêu đề xuất các kiến nghị thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và 5 năm 2011-2015, hội thảo sẽ tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính về mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội...
Đó là những yêu cầu đặt ra cho công tác hoạch định và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô giai đoạn 2011-2015; những điểm nghẽn tăng trưởng trung hạn và dài hạn; những định hướng cơ bản để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; vai trò của đầu tư tư nhân, của doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn phát triển mới...
Với nhóm vấn đề về ổn định kinh tế vĩ mô, các nội dung được tập trung bàn thảo sẽ là việc hoạch định và triển khai thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ; lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại và các cân đối vĩ mô khác.
Một số vấn đề kinh tế ngành - lĩnh vực, như chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, chính sách quản lý vốn đầu tư gián tiếp, chính sách phát triển công nghiệp, nông nghiệp trong giai đoạn mới cũng được bàn thảo tại diễn đàn này.
Ngoài ra, hội thảo cũng dành thời gian để trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp đối với các vấn đề xã hội, như chính sách an sinh xã hội, giáo dục- đào tạo, đất đai, tiền lương, lao động và việc làm...
Hội thảo cũng là một trong những diễn đàn quan trọng để thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc trao đổi đa chiều về những định hướng chiến lược và những khuyến nghị cụ thể để kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và phát triển nhanh, cân bằng, bền vững hơn trong giai đoạn tới.
Có thể dễ dàng nhận thấy điểm chung tại nhiều tham luận được gửi đến hội thảo này là những quan ngại về sự bất ổn đã không còn là tiềm ẩn mà ngày càng rõ rệt của kinh tế vĩ mô.
Lý giải về những bất ổn này, trong bài trả lời phỏng vấn VnEconomy mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, có nguyên nhân do mô hình tăng trưởng kinh tế không phù hợp.
Vì thế năm 2011 Ủy ban Kinh tế đã đặt vấn đề ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Và để ổn định vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng thì phải tập trung nhiều hơn nữa để chuẩn bị cho bước đi dài hạn hơn.
Trao đổi với VnEconomy, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, chọn được mô hình tăng trưởng phù hợp với điều kiện quốc tế và nội lực nền kinh tế của từng giai đoạn phát triển là điều kiện tiên quyết cho nền kinh tế phát triển bền vững. Không thể có tăng trưởng bền vững nếu mô hình tăng trưởng không phù hợp với điều kiện thực tế.
Còn theo quan điểm của TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong một lần trả lời phỏng vấn VnEconomy, để tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết vấn đề gốc của ổn định vĩ mô thì vấn đề quan trọng không phải là ta kêu gọi là tái cấu trúc thế này, tái cấu trúc thế kia mà các chính sách kinh tế, đặc biệt là thuế, tín dụng và ngoại hối phải phục vụ mục tiêu đó theo nguyên tắc: chính sách kinh tế, tài chính tác động vào thị trường và chính thị trường sẽ tác động vào định hướng đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Với những giải pháp hướng đến trung và dài hạn, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, ý kiến tại hội thảo là cơ sở để Ủy ban Kinh tế tham mưu cho Quốc hội quyết định Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và các chính sách kinh tế khác.
Để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 9, vào giữa tháng Hai vừa qua, Ủy ban Kinh tế cũng đã có đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế năm 2010 và tình hình thực hiện năm 2011.
Tại đây, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị: để kinh tế vĩ mô ổn định và có tính bền vững lâu dài, song song với các giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong năm 2011, cần ưu tiên xây dựng lộ trình và khẩn trương thực hiện ngay từ năm 2011 quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế.
Trước hết là điều chỉnh cơ cấu đầu tư để nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng hợp lý các nguồn lực, tạo tiền đề vững chắc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.
Nguyên Hà
TBKTVN
|