Thứ Tư, 09/03/2011 06:26

TS Trần Du Lịch: TPHCM tái cơ cấu kinh tế cần đồng bộ với quy hoạch đô thị

Xung quanh vấn đề làm thế nào để TPHCM có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh theo hướng tích cực và phát triển bền vững (Báo SGGP đã đăng loạt bài về tái cấu trúc kinh tế TPHCM từ ngày 24 đến 26-2), PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TPHCM, Ủy viên UB Kinh tế của Quốc hội.

TPHCM cần tập trung xây dựng các đô thị cảng

* PV: Thưa ông, trong bài viết “Đưa Nghị quyết vào cuộc sống: Tránh xây nhà tầng trên nền móng yếu” đăng trên Báo SGGP ngày 7-2-2011, ông có nói: “Năm 2011, nếu TPHCM chỉ quan tâm đến tăng chỉ tiêu GDP 12%, e sẽ ảnh hưởng đến việc nâng cao, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng và việc triển khai 6 chương trình đột phá của Thành ủy”. Tại sao ông đưa ra khuyến cáo này?

* TS TRẦN DU LỊCH: Trước hết, căn cứ vào định hướng và nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM trong 5 năm tới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX, là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị. Nếu theo tinh thần này (tôi cho rất đúng đắn), TP không nên dành mọi nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng về số lượng, mà cần tập trung vào các chính sách và giải pháp để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, thay đổi cơ cấu lao động; đồng thời tập trung nguồn lực để phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng, đặc biệt giao thông đô thị.

Về thực tiễn, sự tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng trên địa bàn TP trong suốt 2 thập niên qua đã tạo sức hút mạnh mẽ lao động nhập cư (khoảng 200.000 người/năm) làm quá tải nghiêm trọng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị, gây ô nhiễm môi trường… Kinh tế tăng trưởng nhưng chất lượng và môi trường sống không được cải thiện, một số mặt còn giảm sút, thì có tăng trưởng GDP cao đến mấy cũng mất hết ý nghĩa.

Tôi hình dung “ngôi nhà kinh tế TPHCM” đang đứng trên móng yếu, đó là: hạ tầng đô thị quá tải; nguồn nhân lực chất lượng cao không đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng trong cơ cấu giá trị hàng hóa dịch vụ và năng lực về thể chế bất cập so với yêu cầu quản lý phát triển một siêu đô thị như TPHCM. Do vậy, đổi mới tư duy phát triển là yêu cầu bức thiết.

* Vậy theo ông, TPHCM phải xây dựng chính sách, giải pháp gì và triển khai cụ thể ra sao?

* 6 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX lựa chọn chính là các giải pháp để tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra là triển khai thực hiện như thế nào trong mỗi năm từ nay đến 2015. Trước hết, cần gắn nội dung của từng chương trình vào kế hoạch 5 năm (2011-2015) và đồng thời phân bổ nguồn lực cho từng kế hoạch hàng năm. Cần tránh tình trạng tách biệt giữa các chương trình đột phá với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm, lộ trình thực hiện mỗi chương trình phải được thể hiện trong nội dung kế hoạch hàng năm. Tiếp đến, cần tiếp tục thực hiện xã hội hóa đầu tư theo mô hình đối tác công tư (PPP) để huy động nguồn lực xã hội.

Trong 6 chương trình đột phá, tôi cho rằng chương trình cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền đô thị phải được ưu tiên hơn cả, vì đầu tư vốn ít nhưng đem lại hiệu quả cao. Chính nội dung chương trình này mới tác động tháo gỡ cho việc triển khai các chương trình khác. Với nguồn vốn ngân sách hữu hạn, tôi đề nghị TP nên khai thác quỹ mặt bằng cơ sở kinh doanh “đất vàng” bằng cách chuyển nhượng hoặc cho thuê dài hạn để tạo vốn đầu tư vào các công trình giao thông, chống ngập...

* TPHCM cần làm gì và chính sách vĩ mô nên như thế nào để hỗ trợ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững?

* Đúng là trong khuôn khổ quy định của pháp luật hiện hành, các chính sách kinh tế vĩ mô tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế đều thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ. Tuy nhiên, không phải không còn “dư địa” để TP vận dụng trong điều kiện riêng của mình. TP đã có kinh nghiệm “tự chủ” trong vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu đầu tư, đổi mới công nghệ máy móc thiết bị nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng trong cơ cấu giá trị sản phẩm từ đầu những năm 2000 thông qua chính sách kích cầu đầu tư.

Do đó TP cần rút kinh nghiệm để triển khai chương trình đột phá về hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời gian tới. Cùng với đó, TP cần thay đổi cách làm quy hoạch đô thị. Đến nay công tác quy hoạch đô thị của TP vừa kém chất lượng vừa thiếu cụ thể. Ví dụ: mật độ và tầng cao xây dựng nên được xác định theo lô đất chứ không nên xác định theo con đường.

Bên cạnh đó, TP tiếp tục đề nghị Trung ương sớm triển khai chính sách về tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư, đất đai và xuất nhập khẩu. Cần lưu ý: Nhà nước (TƯ và địa phương) sử dụng các chính sách, biện pháp và công cụ để tác động vào thị trường theo định hướng của Nhà nước; chính thị trường sẽ tác động vào sự định hướng đầu tư của doanh nghiệp (trên cơ sở quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh), chứ Nhà nước không nên “cầm tay chỉ việc” cho doanh nghiệp.

* TPHCM phải làm gì để xây dựng các mối liên hệ kinh tế với các địa phương khác trong việc cùng nhau phát triển bền vững?

* Với vị trí địa lý và do quá trình phát triển trong lịch sử, TPHCM có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với vùng ĐBSCL; Đông Nam bộ, Tây Nguyên và trong phạm vi hẹp hơn TP đã và đang là “hạt nhân” trong mối quan hệ “mang tính cơ cấu” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong quy hoạch phát triển cụm cảng biển số 5 đã có sự phân bố cảng chung cả địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Hệ thống cảng biển của TP đang di chuyển về phía Đông, trong đó cảng Hiệp Phước và Cát Lái có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả vùng. Do đó, trong 5 năm tới TPHCM cần tập trung xây dựng đô thị cảng Hiệp Phước; đồng thời đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông kết nối, gắn kết hệ thống cảng với các khu công nghiệp một cách đồng bộ, để phát huy vai trò cửa ngõ trong giao thương quốc tế.

Ng.Khoa – H.Liêm

Sài Gòn Giải phóng

Các tin tức khác

>   Kinh nghiệm lập kế hoạch trong kinh tế thị trường (08/03/2011)

>   Thận trọng với các dự án BOT, BT (08/03/2011)

>   Hà Nội rà soát các dự án dùng vốn ngân sách Nhà nước (08/03/2011)

>   Ông Nguyễn Xuân Phúc: Giữ niềm tin trong thời lạm phát (07/03/2011)

>   Tác động của các chính sách vĩ mô (07/03/2011)

>   HSBC: Kinh tế Việt Nam chuyển biến tốt năm 2011 (07/03/2011)

>   Khổ vì đu theo USD (07/03/2011)

>   Nhiều dự án ODA chậm tiến độ (07/03/2011)

>   Từ hôm nay, 7-3, kiểm tra việc cắt giảm đầu tư công (07/03/2011)

>   Cơ hội để cải cách mạnh mẽ cơ chế (06/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật