Thứ Hai, 21/02/2011 06:07

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Kiểm soát tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô

LTS: Điều chỉnh tỷ giá và giá một số mặt hàng sát với thị trường đang là những thách thức lớn đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô năm 2011. Dự kiến trong tuần này, Chính phủ sẽ công bố và triển khai một nghị quyết chuyên đề về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát với nhiều giải pháp quyết liệt. Chiều qua 20-2, phóng viên đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Giàu dành cho cuộc phỏng vấn độc quyền về những vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ, giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát sắp được triển khai. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết:

Từ tháng 9-2010 đã xuất hiện các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô khi CPI tăng 1,31%, đến tháng 10 CPI giảm xuống 1,05%, tháng 11 tăng trở lại và đặc biệt là tháng 12 tăng lên 1,98%. Đầu năm 2011, chúng ta đã có nhiều nỗ lực cố gắng ổn định vĩ mô nhưng CPI tháng 1 vẫn tăng cao (1,74%). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có những tác động từ bên ngoài như giá năng lượng và lương thực không ổn định.

Bên cạnh đó nền kinh tế cũng biểu hiện nhiều yếu tố bất ổn, trong đó lớn nhất là cơ cấu kinh tế, cán cân thanh toán thâm hụt, nhập siêu ngày càng lớn. Năm 2005, nhập siêu 4,3 tỷ USD; năm 2006: 5,06 tỷ USD; năm 2007: 14,2 tỷ USD; năm 2008 nhập siêu lên đến 17,7 tỷ USD. Năm 2009 suy giảm kinh tế cả thế giới và trong nước, nhập siêu giảm xuống còn 12,3 tỷ USD và năm 2010, chúng ta thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhưng nhập siêu vẫn ở mức 12,5 tỷ USD. Vì thế, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định là hệ quả tất yếu.

Sản xuất bóng đèn compact xuất khẩu tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang.

Kiểm soát tín dụng tăng dưới 20%

° Phóng viên: Trong bối cảnh đó, theo Thống đốc cần phải có những giải pháp gì để ổn định vĩ mô trong ngắn hạn, cũng như tạo nền tảng để nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững trong dài hạn?

° Thống đốc NGUYỄN VĂN GIÀU: Trong tình hình hiện nay, chúng ta đang từng bước tái cơ cấu nền kinh tế nên cần phải có các giải pháp ngắn hạn để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Tôi đã đề xuất với Chính phủ là phải dùng tác động giảm tổng cầu làm giải pháp chủ lực. Muốn giảm tổng cầu thì phải phối hợp cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Về phía ngân hàng phải kiểm soát giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý.

Giữ vững niềm tin

Tôi mong rằng người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp cần tin tưởng vào thông điệp và những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát mà Chính phủ sắp triển khai. Không có cơ sở nào để cho rằng kinh tế nước ta biến động ngoài tầm kiểm soát. Nước ta hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nên những biến động bất lợi của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào nền kinh tế nước ta.

Tuy nhiên, kinh tế nước ta được thiết lập trên nền tảng vững chắc, mà điều dễ nhận thấy nhất là vào cao điểm cuộc khủng hoảng tiền tệ - tài chính thế giới, ta vẫn chịu tác động ít nhất, ít tổn thất nhất. Vì vậy, với biến động hiện nay, không phải là quá lớn, người dân và cộng đồng doanh nghiệp không nên hoang mang.

Tôi tin những giải pháp, chính sách đó chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả khi chúng ta có niềm tin cùng nhau đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn trước mắt.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Giàu

Tín dụng trong những năm gần đây tăng rất nhanh, như năm 2007 tăng tới 51%, năm 2009 để hạn chế suy giảm kinh tế tín dụng cũng tăng 37%. Năm 2010 dự kiến tăng tín dụng khoảng 25%, nhưng thực tế tín dụng khi trừ đi phần tăng ảo đã tăng 28,7%. Năm 2011, NHNN dự kiến kiểm soát tín dụng tăng ở mức khoảng 23%, thấp hơn năm ngoái. Nhưng tôi mới đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép kiểm soát tín dụng trong năm 2011 tăng dưới 20%, thậm chí ở mức 18% - 19% để tác động giảm tổng cầu. Chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp kinh tế, thậm chí cả biện pháp hành chính để thực hiện mục tiêu này.

° Thưa Thống đốc, giảm tín dụng là cần thiết để giảm tổng cầu, nhưng điều quan trọng là phải hướng nguồn vốn ngân hàng vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế?

° Đúng thế, chúng tôi sẽ định hướng tín dụng tập trung trước hết là vào lĩnh vực sản xuất tạo ra của cải vật chất. Thứ hai, là tập trung vốn cho khu vực nông thôn để có tác động cả về kinh tế và xã hội. Thứ ba là dành vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nơi tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Thứ tư là tập trung tín dụng cho công nghiệp phụ trợ, nền tảng cơ bản cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần giảm nhập khẩu, tạo việc làm cho kinh tế trong nước. Cuối cùng là dành vốn cho những lĩnh vực mà chúng ta đang thiếu, chẳng hạn như phát triển nguồn điện, bởi chúng ta đang thiếu điện.

° Thưa Thống đốc, để giảm tổng cầu thì chính sách lãi suất sẽ như thế nào?

° Để giảm tổng cầu, NHNN có 2 công cụ chính là dự trữ bắt buộc và lãi suất. Tăng dự trữ bắt buộc là làm giảm thanh khoản của các ngân hàng thương mại xuống để giảm cho vay. Thứ hai, là tăng lãi suất sẽ hút tiền vào hệ thống, đồng thời sàng lọc các dự án cho vay hiệu quả. Năm 2007, nguồn ngoại tệ từ đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào rất lớn, thanh khoản các ngân hàng thừa, nên tăng dự trữ bắt buộc từ 5% lên 10% là thành công. Nhưng năm 2008 chỉ tăng lên 1% - 2% thôi là thanh khoản hệ thống đã có vấn đề, bởi FII vào thấp trong khi nội lực của hệ thống ngân hàng chưa mạnh, vì thế phải sử dụng công cụ lãi suất. Năm nay cũng vậy, để giảm tổng cầu NHNN sẽ dùng lãi suất để tác động.

° Thưa Thống đốc, chúng ta buộc phải tăng lãi suất nhưng với những lĩnh vực được ưu tiên tập trung tín dụng thì có giải pháp nào để áp dụng lãi suất ở mức hợp lý mà doanh nghiệp có thể chịu đựng được?

° Thực ra có những lĩnh vực mà các ngân hàng phải cạnh tranh để giảm lãi suất cho vay. Chẳng hạn như với doanh nghiệp xuất khẩu, không ngân hàng nào dám cho lãi suất cao. Các đối tượng này đều được vay với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung. Khi lạm phát cao, lãi suất có thể từ 14% - 16%/năm, nhưng ở thời kỳ ổn định có thể giảm xuống 10% - 11%/năm. Mặt khác, một số lĩnh vực vẫn cần có chính sách tác động, chẳng hạn như cho vay nông nghiệp – nông thôn, hay sắp tới là cho vay với lĩnh vực công nghiệp phụ trợ – một lĩnh vực ưu tiên khuyến khích, cũng sẽ được ưu tiên về lãi suất. Riêng vấn đề cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất, NHNN sẽ tập trung thanh, kiểm tra từ nay đến cuối tháng 6, xem xét lại toàn bộ, kể cả cho vay tiêu dùng, cho vay bất động sản…, xem nhu cầu thực là bao nhiêu, hiệu quả và rủi ro thế nào để có biện pháp điều chỉnh.

Giảm cung tiền trên 100.000 tỷ đồng

° Thưa Thống đốc, có một thực tế là mỗi lần điều chỉnh tỷ giá, đưa tỷ giá chính thức sát với tỷ giá tự do, nhưng lần nào sau điều chỉnh tỷ giá, thị trường lại có giãn cách với tỷ giá chính thức. Vậy xử lý như thế nào?

° Theo tôi, lần này có khác hơn, chúng ta nên nhìn nhận một cách công bằng. Lần này, khi NHNN điều chỉnh tỷ giá thì có thêm nhiều thông tin khác như điều chỉnh tăng giá điện, đưa giá xăng dầu theo thị trường… Thứ hai, thị trường chưa đón nhận được thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về kiềm chế lạm phát mà tôi vừa đề cập. Khi những giải pháp đó được triển khai trong tuần này, chắc chắn sẽ có những hiệu quả tích cực.

° Thưa Thống đốc, các giải pháp vừa qua của NHNN về điều hành linh hoạt tỷ giá được các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và cả các định chế tài chính lớn của nước ngoài đánh giá cao. Tuy nhiên, giải pháp này cũng có nhiều tác động phụ bất lợi cùng lúc điều chỉnh giá điện, xăng dầu, khiến tâm lý của một bộ phận dân cư bất an. Theo Thống đốc, nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

° Thực ra phải hiểu rằng lần điều chỉnh giá điện lần này không phải là tăng giá. Giá điện ở Việt Nam hiện nay ở mức quá thấp, nhà nước phải bao cấp về giá. Bây giờ điều chỉnh giá điện, phải hiểu đây là giảm bớt sự bao cấp về giá điện để nền kinh tế đi theo hướng lành mạnh, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, khi tăng giá điện Chính phủ cũng tính toán rất kỹ, chẳng hạn tăng 15,28% thì tác động đến giá cả các mặt hàng khác cả trực tiếp và gián tiếp là bao nhiêu. Các hiệu ứng về tâm lý xã hội cũng được tính toán kỹ. Tôi nghĩ báo chí, nhất là Báo SGGP, nên lên tiếng phân tích kỹ về vấn đề này để giải tỏa tâm lý của người dân.

° Xin cảm ơn Thống đốc!

Giải pháp ổn định kinh tế

Thủ tướng đã kết luận 4 giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa để giảm tổng cầu. Thứ nhất, tăng thu ngân sách. Thứ hai, phấn đấu đạt mục tiêu bội chi ngân sách không quá 5%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đưa ra. Thứ ba, sẽ xem xét, sắp xếp lại danh mục đầu tư của năm 2011, những dự án công trình nào thủ tục chưa xong sẽ chuyển sang năm sau, công trình nào hiệu quả không cao sẽ dừng lại. Thứ tư, sẽ tiết kiệm chi thường xuyên 10%.

Theo tính toán, với việc giảm tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20% (so với kế hoạch là 23%) thì sẽ giảm khoảng 50.000 tỷ đồng. Cùng với 4 giải pháp về chính sách tài khóa sẽ giảm được trên 60.000 tỷ đồng nữa, cung tiền sẽ giảm khoảng trên 100.000 tỷ đồng, tác động mạnh để giảm tổng cầu. Từ đó sẽ giảm nhập khẩu, giảm nhập siêu, giảm lạm phát…

Khi những giải pháp này được công bố, các doanh nghiệp sẽ tính toán để không mở rộng quy mô. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu những hàng hóa, nguyên liệu đầu vào sẽ cân đối lại để nhập vừa phải. Tôi nghĩ, nếu đồng lòng, quyết tâm thực hiện các giải pháp này thì sẽ có hiệu quả rất nhanh. Nếu giảm tổng cầu khoảng trên 100.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 30% - 40% là nhập khẩu thì tự khắc sẽ giảm nhập siêu 3 - 4 tỷ USD, tạo được tác động tốt cho thị trường ngoại hối và chính sách tỷ giá.

Tiền Phong - Minh Giang thực hiện

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Các tin tức khác

>   TS Trần Du Lịch: "Phải giảm tổng cầu nền kinh tế" (20/02/2011)

>   Kiểm soát là then chốt trong quản lý kinh tế (20/02/2011)

>   Crown mở rộng sản xuất tại Việt Nam (20/02/2011)

>   Khi lạm phát gần gấp đôi tăng trưởng (19/02/2011)

>   Lạm phát quý I có thể đến 4% (19/02/2011)

>   Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát (18/02/2011)

>   Quản lý chi phí dự án sử dụng vốn ngân sách (18/02/2011)

>   Thông điệp chống lạm phát mạnh mẽ hơn (18/02/2011)

>   Đại diện IMF: Quan trọng là niềm tin của dân (18/02/2011)

>   Doanh nghiệp, người dân cùng chung tay vượt khó (18/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật