Kiểm soát là then chốt trong quản lý kinh tế
Ulric Rudebeck, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Urvision tại Stockholm (Thụy Điển), là một chuyên gia về quản trị kinh doanh quốc tế. Ông không biết nhiều về chuyện kinh doanh ở Việt Nam, nhưng với tư cách là một nhà nghiên cứu sâu về các mô hình phát triển, ông chia sẻ với TBKTSG một số suy nghĩ về chuyện quản trị ở tầm vĩ mô. Ông nói: “Tôi muốn nhìn các khía cạnh kinh tế quốc gia từ định hướng kinh doanh và từ quan điểm kinh doanh”.
Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cách đây bốn năm. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Theo ông, giữa việc mở rộng cửa cho cạnh tranh quốc tế và tiếp tục bảo hộ một số lĩnh vực của nền kinh tế, thì đâu là cách tiếp cận thích hợp cho Việt Nam trên đường phát triển?
- Ông Ulric Rudebeck: Câu hỏi này đặt ra các nguyên tắc về kiểm soát và quản lý. Một doanh nghiệp cũng như một nước hay một khu vực, theo các nguyên tắc về quản lý, có thể được xem như một chiếc container chứa đựng các thực thể kinh tế-xã hội. Đó là đấu trường nơi diễn ra cuộc chơi. Không thể kiểm soát được mọi góc độ trong chiếc container đó.
Từ quan điểm kinh doanh, người ta cần phải chọn kiểm soát những yếu tố nào, đặt ra các quy tắc và minh bạch hóa việc kiểm soát các yếu tố đó, và làm cách nào để có thể điều chỉnh mỗi khi xảy ra trục trặc. Thật ra, số lượng các vấn đề có thể kiểm soát được trong thực tế rất hạn chế.
Giải pháp cho vấn đề này không phải là có thêm nguồn lực để kiểm soát, mà là việc lựa chọn các yếu tố chiến lược để kiểm soát, nâng cao và quản lý. Đối với mọi quốc gia thì “tri thức của lực lượng lao động” là yếu tố quan trọng bậc nhất trong tầm nhìn dài hạn. Điều này cũng đúng đối với doanh nghiệp. Theo tôi, yếu tố kiểm soát quan trọng nhất trong dài hạn là làm thế nào để một khoản đầu tư vào nền kinh tế cũng đồng thời là một khoản đầu tư cho tri thức của người Việt Nam và là một nguồn tài chính tạo ra tài sản và công ăn việc làm. Và như vậy, từ quan điểm quản lý, sẽ không có khoản đầu tư nào, dự án nào được phép triển khai nếu không có một thành tố cụ thể về việc “chuyển giao kiến thức và kỹ năng” từ nhà đầu tư nước ngoài cho lực lượng sản xuất trong nước. Điều này không dễ dàng nhưng có thể thực hiện được, trên cơ sở quyết định dựa trên quyền lợi của nhiều thế hệ.
Ông có thể nói rõ hơn về hình ảnh chiếc container và các yếu tố kiểm soát?
- Theo ý kiến cá nhân tôi, đây không phải là vấn đề mở rộng cửa chiếc container vô điều kiện. Nó phải là một quy trình chiến lược có nhận thức để dẫn đến việc lựa chọn những lĩnh vực nào được mở cửa, mở ở tốc độ nào và có nên cho người nước ngoài bước vào chiếc container hay không. Một cách ví von, người ta tạo ra các container con được bảo vệ bên trong chiếc container lớn.
Quy trình đó ở cấp độ quốc gia, vùng hay địa phương là nhằm thiết lập một tầm nhìn rất dài hạn về một tương lai mong muốn, đưa ra một số quyết định rõ ràng và thực hiện chúng. Kết quả là sẽ có một số lĩnh vực được lựa chọn dựa trên đặc thù của Việt Nam, nơi mà qua nhiều năm người ta xây dựng một cách có chiến lược ưu thế của mình để vượt qua được sự cạnh tranh. Điều này không phải là không thể thực hiện được, nhưng nó đòi hỏi nỗ lực một cách có ý thức và sự phối hợp của nhiều bộ phận trong nền kinh tế.
Ông có nghĩ rằng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) là lối đi tắt tốt nhất để đưa công nghệ hiện đại vào Việt Nam, hay FDI cũng tạo ra mối đe dọa đối với doanh nghiệp trong nước, chưa kể là có ý kiến cho rằng FDI có tác động xấu đối với việc khai thác tài nguyên?
- Nếu có một định hướng dài hạn thì FDI không phải là vấn đề. Điều quan trọng là thái độ và việc quản trị đầu tư. Các nguồn vốn FDI có thể rất hữu ích và cần được sử dụng, không chỉ để tạo ra các lợi ích tài chính mà còn là phương tiện để phát triển chuyên môn hóa trong dài hạn ở một số lĩnh vực được lựa chọn sao cho trong tương lai bạn không phải cạnh tranh mà là dẫn đầu quá trình phát triển những lĩnh vực đó.Liên quan đến mối đe dọa đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đây lại là vấn đề quản lý đầu tư. Một cách ví von, bạn không mở chiếc container một cách vô điều kiện. Nếu bạn không đạt được một thỏa thuận tốt, thì nên đợi thêm một vài năm và tìm ra người muốn tham gia cuộc chơi theo các quy tắc hợp lý và thiết lập sự hợp tác với bạn. Một khi các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị phá hoại, thì không chỉ mất nhiều thế hệ mà là nhiều thế kỷ để sửa sai, nếu còn có thể sửa sai.
Cũng cần phải nhớ rằng nhà đầu tư không hoạt động theo khuôn khổ thời gian như nước chủ nhà. Họ theo một khuôn khổ thời gian ngắn hơn nhiều, và một chuỗi mục tiêu hạn chế hơn nhiều so với bạn trong tư cách là một quốc gia. Điều đó không phải là vì họ “xấu” mà vì đó là bản chất định hướng của nhà đầu tư, và là cốt lõi của các hoạt động của họ cho dù người ta có nói tốt đẹp như thế nào chăng nữa.
Ông nhận định như thế nào về vai trò của Chính phủ trong phát triển kinh tế? Liệu Chính phủ có nên can thiệp trực tiếp và thường xuyên vào thị trường để điều chỉnh các vấn đề kinh tế?
- Không có chứng cứ nào cho thấy một thị trường hoàn toàn tự do sẽ tạo ra các điều kiện tốt nhất về kinh tế cho mọi người trong đất nước hay khu vực đó. Do đó, vấn đề không phải là liệu nên có một hình thái quy định nào đó hay không mà là những lĩnh vực nào cần quản lý và quản lý như thế nào. Nếu bạn cho phép một lĩnh vực kinh doanh có được sự tự do ở mức để cho thị trường tự điều chỉnh, thì phải hạn chế tối đa sự can thiệp. Các nhà kinh doanh cần ý thức được rằng trong lĩnh vực này họ phải đối mặt với các tác nhân trên thị trường; họ phải tự chịu trách nhiệm xử lý và một số vấn đề có thể nảy sinh trục trặc. Chính phủ không đưa ra những đảm bảo ở đây.
Tuy nhiên, đôi khi chuyện này đi quá đà và nếu cứ để nó tiếp diễn thì những giá trị lớn của một khu vực hay một quốc gia có thể gặp rủi ro. Vì vậy chính quyền lại phải can thiệp dựa trên lợi ích chung lớn nhất. Không có các tác nhân thị trường nào được định hướng một cách cơ bản để phục vụ lợi ích chung, mà chỉ phục vụ lợi ích cụ thể của một thực thể, một công ty hay một tổ chức hoạt động trên thị trường đó. Dù vậy, các lực lượng doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt hơn trong một môi trường kinh doanh có một mức độ tự do lớn. Điều đó có nghĩa là cần có ít quy định, luật lệ hơn.
Chính phủ đã trao quyền mạnh mẽ cho các tỉnh thành trong quản lý kinh tế, đặc biệt là trong việc cấp phép các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh một số thuận lợi thì cũng có một số hậu quả, nhất là chủ nghĩa địa phương thể hiện qua việc lôi kéo các nhà đầu tư làm ảnh hưởng lợi ích quốc gia do không có sự phối hợp giữa các tỉnh thành. Ông có suy nghĩ gì về các giải pháp?
- Đây là một trò chơi thăng bằng giữa một bên là việc trao quyền để thúc đẩy các sáng kiến ở cấp địa phương (vì lợi ích của việc hỗ trợ tinh thần doanh nghiệp qua các sáng kiến và thúc đẩy tăng trưởng, thì càng có ít quy định càng tốt), và bên kia là nhu cầu ở tầm quốc gia cần phải quy định một số việc và đưa ra một số nguyên tắc. Phải hiểu rằng về lâu dài các địa phương cần hợp tác với nhau thay vì cạnh tranh lôi kéo nhà đầu tư và cho phép nhà đầu tư “làm eo” trong tư cách là các khách hàng của nhiều địa phương.
Do đó, chúng ta kết thúc ở đây bằng việc cần phải có một kế hoạch chiến lược cho quốc gia, đó là đưa ra một khuôn khổ cho “những người tham gia cuộc chơi” trong những chiếc container khác nhau. Người ta không thể khắc phục mọi vấn đề chỉ với một kế hoạch. Luôn luôn có những chuyện không được bao quát hết, và một kế hoạch chỉ là một kế hoạch và không có giá trị trừ phi bạn có năng lực để thực hiện nó và điều chỉnh các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, nếu không có một định hướng thì sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn mà trong tiếng Anh người ta hay gọi là “thái độ kiểu miền Tây hoang dã”.
Văn Thắng
tbktsg
|