Hạn chế công ty chứng khoán “làm liều”
Ngày càng có nhiều hoạt động mang tính ‘xé rào’ được công ty chứng khoán (CTCK) thực hiện. Theo lý lẽ của các CTCK, do luật quá khắt khe nên họ phải làm vậy để “sống” và bảo vệ NĐT. Nhưng sự thực có như vậy hay không?
CTCK xé rào
Năm 2008, mặc dù TTCK khó khăn, nhưng cũng có một số giai đoạn hồi phục và việc NĐT được phép mua CP khi trên tài khoản không có đủ tiền bắt đầu xuất hiện. Dịch vụ đòn bẩy tài chính khi đó chỉ mới ở mức độ dành cho khách hàng ruột của CTCK và du di cho NĐT cam kết sẵn sàng mua, chiều đem tiền lên trả. Cũng trong năm đó, xuất hiện những vụ kiện tụng về chuyện nhân viên của CTCK do được khách hàng ủy quyền đã tìm cách trục lợi.
Sang đến năm 2009, việc sử dụng đòn bẩy tài chính nở rộ và phần nào được hệ thống hóa bằng các chương trình quản lý đã góp phần đưa thanh khoản của TTCK Việt Nam lên mức cao nhất trong lịch sử.
Sang năm 2010, mặc dù thị trường buồn tẻ nhưng CTCK có đến 4 thành tích xé rào: NĐT được tạo điều kiện để thanh toán trước ngày T+4 theo như bình thường; hoạt động cho vay cổ phiếu để bán được thực thi rầm rộ; sản phẩm quyền chọn (option) được tạo ra để NĐT “kiểm soát” rủi ro và có thêm kênh đầu tư; thực hiện hình thức góp vốn đầu tư giữa CTCK và NĐT, mà thực chất là kiểu huy động vốn mới của CTCK.
Việc CTCK xé rào cũng phải có cớ để NĐT ủng hộ: Phục vụ cho lợi ích của NĐT. Nhưng nếu bây giờ, điểm lại tất cả những lần xé rào như trên, có thể nói NĐT là bên lãnh đủ trước tiên.
Quý 4/2009, TTCK Việt Nam điều chỉnh, nhiều NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính đã thiệt hại nặng đến mức mất sạch lãi từ đầu năm. Năm 2010, việc một số NĐT được quyền bán trước ngày T+4 đã khiến thị trường rất khó đoán định và ảnh hưởng đến những NĐT còn lại. Còn việc sử dụng sản phẩm option do một CTCK đưa ra lại vướng mức phí cao ngất, và những CP được chọn để NĐT “chơi” option có những diễn biến hết sức khó lường.
Hình thức mới nhất là chuyện CTCK huy động vốn mới theo kiểu hợp đồng đầu tư cũng tạo ra một rủi ro rất dễ nhận thấy. Thí dụ: Bây giờ TTCK Việt Nam khó khăn, NĐT đồng ý góp vốn với CTCK tỷ lệ 16-20%, nhưng một khi TTCK phục hồi, sóng nổi lên, tỷ suất sinh lời lên đến 50 – 100%, NĐT đồng loạt kéo đến CTCK đòi rút vốn. Trong trường hợp này, NĐT không mất tiền thì cũng mất cơ hội.
Vung tay quá trán
Việc NĐT vay CK để bán ra trong thời gian qua mặc dù được quảng cáo rầm rộ, nhưng với diễn biến đi ngang của TTCK trong thời gian qua, rõ ràng lượng NĐT sử dụng rất hạn chế. Sản phẩm này chỉ phát huy khi thị trường diễn biến theo hướng đi xuống.
Đối với các hợp đồng “hợp tác kinh doanh CK”, “hợp tác đầu tư” tỷ lệ 16% không phải là sức ép nếu đầu tư nhỏ. Nhưng giả sử CTCK huy động được số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, cây chuyện sẽ rất khác. Vay 100 tỷ đồng cam kết tra lãi 16%, CTCK sẽ phải làm ra ít nhất 16 tỷ đồng mới nói đến chuyện hòa vốn. Nhưng trong tình cảnh hiện nay, việc đem số tiền này ra lướt sóng là điều hết sức mạo hiểm, và một số tiền lớn cũng không thể nào “đánh” kiểu NĐT cá nhân được, rõ ràng là việc này hết sức rủi ro. Trong khi đó, nếu sử dụng tiền để tài trợ cho những người cần vốn cũng không hề đơn giản, vì lãi suất cho vay có thể lên đến 18 -20%, và đối với nhiều NĐT con số này quá cao khi thị trường không có sóng.
Trở lại với báo cáo tài chính của các CTCK trong 2 năm gần đây, các khoản mục liên quan đến việc cho NĐT vay tiền như khoản phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư, khách hàng mua trả chậm chiếm tỷ trọng không nhỏ trên tổng tài sản. Một số TCK sử dụng các thủ thuật “bùa chú” nhằm làm giãn các khoản này, NĐT tinh ý cũng khó nhận ra. Đây rõ ràng là hệ quả của chính sách vung tay quá trán mà các CTCK đã thực hiện trong những năm trước đó, và ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tiền của mình.
Việc cơ quan quản lý thận trọng ít nhiều cũng có cái lý của mình nếu nhìn vào đoạn sau của câu chuyện xé rào, tất cả những hệ quả xấu chủ yếu do NĐT phải gánh chịu. Chính vì vậy, việc thông tư 226 quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh CK được hy vọng sẽ hạn chế chuyện CTCK “làm liều”.
Đại Ngàn
Đầu tư tài chính
|