Thứ Ba, 22/02/2011 19:28

Giá cả hàng hóa thế giới đột ngột leo thang

Sự bất ổn về chính trị tại Trung Đông, thời tiết lạnh khắc nghiệt tại Châu Âu và Mỹ, và đặc biệt hạn hán tại Trung Quốc khiến giá cả hàng hóa leo thang. Khả năng các nền kinh tế lớn tăng lãi suất cơ bản sớm là không thể tránh khỏi.

Giá cả các loại hàng hóa thế giới đột ngột leo thang trong những ngày gần đây và trở thành tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu. Một loạt các loại hàng hóa được ghi nhận có mức giá cao kỷ lục, từ cà phê, ca cao cho đến đồng và bạc. Giá vàng cũng một lần nữa vượt qua mức 1400USD/oz vào hôm 21.02. Giá dầu Brent đã lên tới 104USD/thùng.

Giá vàng một lần nữa vượt qua mức 1400USD/oz.

Giá hàng hóa tăng cao kỷ lục

Giá cả hàng hóa sau khi giảm xuống mức đáy vào tháng 1.2009 đã tăng trở lại. Sau một năm khá ổn định, giá cả hàng hóa bắt đầu gia tăng từ tháng 7.2010 sau khi Fed tuyên bố thực hiện gói nới lỏng tiền tệ thứ hai lên đến 600 tỷ USD để kích thích kinh tế.

Trong số các loại hàng hóa, kim loại có tốc độ tăng nhanh nhất. Tính cho đến hiện tại thì chỉ số CRB kim loại đang ở mức 1084,9 tăng 7,82% so với 31.12.2010 và tăng 171% so với 31.12.2008. Trong khi đó con số này với CRB lương thực là 6,44% và 106%, CRB năng lượng là 4,23% và 99%, CRB giao ngay là 8,6% và 79%.

Trong suy thoái, hầu hết các chính phủ đều bơm tiền hỗ trợ các thành phần kinh tế, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nguồn vốn với chi phí rẻ thúc đẩy các nhà đầu tư bỏ tiền vào các dự án có thời gian hoàn vốn lâu dài thậm chí có tỷ suất lợi nhuận thấp. Kết quả của những chính sách trên là làm tổng cầu tăng, tuy giảm được một phần suy thoái nhưng lại đẩy giá cả hàng hóa tăng cao. 

Chỉ số giá tiêu dùng của các nền kinh tế vượt ra ngoài mức mục tiêu

Chi phí giá hàng hóa đầu vào tăng cao trong khi tăng trưởng kinh tế chậm khiến giá cả hàng tiêu dùng của các quốc gia tăng theo.

Hơn nữa, các chính phủ đã không lường được những yếu tố ngẫu nhiên đang diễn ra. Tại thế giới Ả Rập là những cuộc biểu tình chống chính phủ; tại Châu Âu và Châu Mỹ là những cơn bão tuyết; còn tại Trung Quốc là các đợt hạn hán kỷ lục trong 60 năm qua.

Mặc dù hầu hết các chính phủ đã bắt đầu thu hẹp chính sách cung tiền nhưng dường như sự thay đổi này là chậm chạp hơn tốc độ gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng.

Người dân Trung Quốc đang cầm cự với "bão giá"

Với mức lạm phát này thì người gửi tiền tiết kiệm vẫn sẽ nhận lãi suất thực âm. Bên phía Châu Âu, CPI khu vực đồng tiền chung cũng đã vượt ra khỏi mục tiêu 2% của ECB bất chấp việc các chính phủ thắt chặt chi tiêu để bù đắp thâm hụt ngân sách. Mức lạm phát hiện nay của Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã cao hơn mức mục tiêu 0,5%. Còn tại Anh tuần qua cũng ghi nhận mức lạm phát cao tới 4%. Tuy nhiên điểm đáng lo ngại nhất với khu vực Châu Âu là sự thu hẹp của sản xuất và GDP đang tăng rất chậm.

Tại Mỹ, mọi chuyện cũng không mấy tốt đẹp khi chỉ số giá tiêu dùng đã ở mức 1,6%. Hiện tại chỉ số chi phí các nhà sản xuất cũng đang tăng khá cao, lên đến 3,6%, báo hiệu cho chỉ số giá tiêu dùng sẽ còn tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Nếu thị trường việc làm không thể cho thấy một bước ngoặt đáng kể thì Mỹ khó lòng duy trì được tăng trưởng GDP như mong muốn.

Tăng lãi suất cơ bản để đối phó với lạm phát

Để kiềm chế lạm phát, việc tăng lãi suất là con đường không thể tránh khỏi. Các nhà đầu tư đã bắt đầu đòi hỏi mức lợi tức cao hơn đối với trái phiều chính phủ của các quốc gia. Lần này sự gia tăng lợi tức trái phiếu chính phủ không chỉ dừng lại ở một số quốc gia châu Âu có vấn đề về nợ công như Ireland, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha. Lợi tức trái phiếu 10 năm của chính phủ Mỹ cũng không thoát khỏi xu thế này. Mức lợi tức đã tăng từ 3,379% vào đầu tháng 2 lên đến 3,518% hôm nay.

Trước tình thế này, việc các ngân hàng trung ương như của Anh, châu Âu và Mỹ tăng lãi suất cơ bản có thể sẽ sớm hơn kế hoạch từ các mức thấp kỷ lục như hiện nay.

Nguyễn Minh Cường

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu: Vì đâu? (21/02/2011)

>   Mỹ: Giá thủy sản tăng 4,5% năm 2011 (14/02/2011)

>   Săn cổ phiếu sắp lên sàn (19/08/2009)

>   Thị trường OTC: Ngưng đọng (08/10/2008)

>   HOSTC tiếp nhận Phó giám đốc mới (30/07/2007)

>   BIDV: Giá mỗi cổ phần sẽ do thị trường quyết định (12/07/2007)

>   Hai cổ đông nội bộ vi phạm vi qui định giao dịch (11/07/2007)

>   Nhà đầu tư nước ngoài chuộng loại cổ phiếu nào? (11/07/2007)

>   Cách nào bảo vệ nhà đầu tư? (10/07/2007)

>   OTC: Một số cổ phiếu ngân hàng tăng giá (10/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật