Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu: Vì đâu?
(Vietstock) - Giá thực phẩm ngày càng tăng cao, mà theo Ngân hàng Thế giới (WB) là hiện đang ở “mức nguy hiểm”, đã khiến vấn đề an ninh lương thực trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới trong tuần qua.
* WB: Giá thực phẩm đang ở “mức nguy hiểm”
* Giá thực phẩm thế giới chạm kỷ lục mới
Từ châu Á cho đến Trung Đông và Mỹ Latinh, xu hướng tăng giá thực phẩm đã làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc của người dân trên toàn thế giới nói chung và ở các nước đang phát triển nói riêng.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert B. Zoellick hôm 15/02 cảnh báo: “Giá thực phẩm toàn cầu đang tăng lên đến mức nguy hiểm và đe dọa hàng triệu người nghèo trên khắp thế giới”.
Theo đó, kể từ tháng 06/2010 đến nay, giá thực phẩm cao đã đẩy khoảng 44 triệu người tại các nước đang phát triển rơi vào cảnh đói nghèo. Theo dự báo, giá thực phẩm sẽ tiếp tục tăng lên sát các mức cao thiết lập năm 2008.
Trong báo cáo nghiên cứu mang tên Theo dõi Giá Thực phẩm (FPW) của WB, chỉ số giá thực phẩm tăng 15% trong giai đoạn tháng 10/2010-01/2011, cao hơn 29% so với cùng kỳ năm trước và chỉ thấp hơn mức đỉnh năm 2008 là 3%.
Nguyên nhân đằng sau đà leo thang mạnh của giá thực phẩm
Câu trả lời nằm ở chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của Mỹ, sự tài chính hóa thị trường nông sản toàn cầu, sự phát triển của các nhiên liệu sinh học và thời tiết khắc nghiệt gây thiệt hại đến vụ mùa tại các khu vực sản xuất ngũ cốc lớn của thế giới.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đẩy giá thực phẩm lên cao bằng cách in thêm tiền và khiến đồng USD mất giá. Liên quan đến vấn đề này, trang web Business Insider của Mỹ cho rằng: “Cuộc khủng hoảng lương thực cũng chính là cuộc khủng hoảng đồng USD”.
Một nghiên cứu cách đây vài năm của WB kết luận rằng sự phát triển của nhiên liệu sinh học tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự bùng nổ của giá thực phẩm và ngũ cốc trên toàn thế giới.
Nghiên cứu này, vốn là một tài liệu bảo mật, được tờ Guardian của Anh tiết lộ vào năm 2008 và đã gây chấn động trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, sự tài chính hóa các thị trường nông sản toàn cầu trong những năm gần đây khiến giá thực phẩm càng thêm biến động. Theo đó, các dự báo và sự sợ hãi của nhà đầu tư có thể khiến giá thực phẩm biến động ngày càng mạnh.
Cần phải chỉ ra rằng khi giá các thực phẩm thiết yếu tăng vọt, tác động của nó lên các quốc gia giàu và nghèo là khác nhau. Tại một số quốc gia nghèo nhất trên thế giới, người dân đã tiêu tốn một phần lớn chi phí gia đình vào thực phẩm nên sẽ cảm nhận được tác động ngay khi giá thực phẩm tăng cao.
Đâu là hướng giải quyết?
Trong các nỗ lực nhằm chặn đứng đà leo thang này, cộng đồng quốc tế nên tăng cường phối hợp và áp dụng thêm nhiều biện pháp nhằm thúc giục các quốc gia phát triển thực hiện các chính sách tiền tệ có trách nhiệm cũng như thắt chặt giám sát các thị trường hàng hóa thiết yếu.
Đối với các quốc gia đang phát triển, cách tốt nhất để tránh được cuộc khủng hoảng này là gia tăng nguồn nông sản đầu vào và nâng cao năng suất nhằm thúc đẩy sản lượng nông nghiệp và nguồn cung ngũ cốc.
Phạm Thị Phước (Theo Xinhuanet)
|