Thứ Ba, 10/07/2007 18:14

Cách nào bảo vệ nhà đầu tư?

TTCK Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới cũng là lúc xuất hiện nhiều hành vi thao túng giá, mánh khóe lừa đảo, thủ thuật tạo tác động tâm lý đám đông... Nhà đầu tư (NĐT) cần được nhìn nhận như nguồn lực quý giá của thị trường và phải được bảo vệ, có như vậy thị trường mới phát triển bền vững. Đây là thông điệp được đưa ra tại Hội thảo "Đào tạo NĐT và phát triển TTCK Việt Nam" diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Hai giải pháp chính để bảo vệ NĐT được các diễn giả và đại biểu tập trung thảo luận là đảm bảo tính minh bạch của thị trường, với trách nhiệm chính ở cơ quan quản lý và giáo dục NĐT.

Theo bà Gerri Walsh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Mỹ (NASD), cơ quan quản lý tốt phải đáp ứng được yêu cầu: công bố đầy đủ, kịp thời thông tin quan trọng; ngăn ngừa và xử lý nghiêm hành vi gây hiểu nhầm, thao túng thị trường hoặc lừa đảo. Ở Mỹ, các nhà môi giới và tổ chức giao dịch chứng khoán đều phải đăng ký, hiện số nhà môi giới vào khoảng 150.000 người. Với 9 sàn giao dịch chứng khoán ở tầm quốc gia và nhiều sàn thứ cấp, mỗi bang có một đơn vị quản lý riêng. Tuy nhiên, họ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin, điều phối cả khía cạnh thanh tra. Theo luật Mỹ, hàng năm đều có những cuộc kiểm tra định kỳ với các nhà môi giới và hãng đầu tư, song doanh nghiệp còn chịu sự kiểm tra đột xuất dựa trên thông tin thị trường và khiếu nại của NĐT. "Đôi khi chỉ là những sản phẩm gây chú ý đặc biệt, chúng tôi cũng điều phối để kiểm tra và có thông tin cho NĐT", bà Walsh cho biết.

Với Việt Nam, các chuyên gia khuyến nghị UBCKNN cần thanh tra hoạt động môi giới để đảm bảo việc tuân thủ (có thể thanh tra định kỳ và thanh tra tìm kiếm nguyên nhân), cần thiết ban hành sổ tay hướng dẫn thanh tra và điều tra, đồng thời đào tạo chuyên sâu cho thanh tra viên và điều tra viên. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát để phát hiện các giao dịch không công bằng và các hành vi lừa đảo, một số cách tiếp cận có thể xuất phát từ những vấn đề bất thường về tài chính của tổ chức phát hành hay hành vi bán hàng không hợp lệ. Bà Walsh cho biết, trên trang web của NASD và UBCK Mỹ (SEC), NĐT sẽ thấy ngay một vị trí để có thể gửi khiếu nại, những phản ánh của họ được đón nhận một cách nghiêm túc để xử lý.

Giải pháp thứ hai là tăng cường giáo dục NĐT, gián tiếp bảo vệ họ, đảm bảo thị trường phát triển bền vững, lành mạnh. Ông William Harter, chuyên gia chứng khoán Mỹ, cho biết để giáo dục NĐT, NASD có văn phòng và quỹ giáo dục NĐT, giúp họ nâng cao khả năng lựa chọn, tiếp cận những trung gian, những dịch vụ chất lượng của thị trường, có cơ hội tiếp cận thông tin nhằm nắm rõ chính sách và đặc biệt có thông tin để lường và tránh được những thủ đoạn, mánh khóe trên thị trường. Chương trình có sự phối hợp với SEC. Kinh phí cho hoạt động trên được lấy từ nguồn xử phạt các thành viên môi giới. Ở Mỹ, việc này được thực hiện nghiêm túc tới mức trong vòng 3 năm qua, quỹ của NASD lên tới 85 triệu USD.

Năm 2003 là năm đầu tiên thực hiện công việc này, văn phòng chỉ có một người, hiện tăng lên 5 người nhờ vai trò và hiệu quả của chương trình. Nhiều chương trình được đặt ra song biện pháp đơn giản nhất là cứ khi nào chứng khoán tăng nóng, hay trên thị trường xuất hiện tình trạng NĐT thao túng, làm giá ở một vài mã cổ phiếu nào đó, sẽ có cảnh báo. Những cảnh báo này không chỉ xuất hiện trên trang web của NASD, SEC mà còn được viết dưới dạng thông cáo báo chí gửi tới các báo, đài... Ngoài ra, các chỉ số tài chính của doanh nghiệp niêm yết, thị trường, công thức tính... được đăng tải dễ hiểu trên trang web. NASD cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn để tạo cơ hội gặp gỡ, phản ánh ý kiến của NĐT.

Ông Harter kể, một sai lầm mà SEC phạm phải hồi những năm 80 của thế kỷ trước khi TTCK khủng hoảng là không đối thoại, tiếp xúc với NĐT, điều này khiến họ mất niềm tin, phương hướng càng dẫn đến những hành động đẩy thị trường vào khủng hoảng. Chuyên gia này cũng chia sẻ kinh nghiệm, ở những thời điểm nhất định nên có người phát ngôn của cơ quan quản lý. Ông lấy ví dụ, khi sự kiện 11/9 xảy ra, Chủ tịch Sở GDCK New York được cử là người phát ngôn cho thị trường tài chính Mỹ và ông này đem lại niềm tin cho NĐT.

Giáo dục NĐT không chỉ là nhiệm vụ của các TTCK non trẻ mà ngay cả TTCK phát triển, vấn đề này cũng được đánh giá quan trọng. Ở nước Mỹ, khảo sát của NASD về kiến thức tài chính năm 2003 cho thấy, chỉ có 35% NĐT trả lời chính xác 7/10 câu hỏi kiến thức cơ bản về thị trường và có tới 97% NĐT cho rằng, cần phải nâng cao kiến thức của mình.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Bảo vệ nhà đầu tư: kinh nghiệm của Philippines (10/07/2007)

>   Quỹ công chúng thứ 3 được chào bán chứng chỉ (10/07/2007)

>   ''Bâng khuâng'' dòng chảy vốn (10/07/2007)

>   BBC: Kết quả giao dịch cổ phiếu cổ đông lớn (10/07/2007)

>   DHG: Kết quả giao dịch cổ phiếu cổ đông lớn (10/07/2007)

>   Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2007 của ABT (10/07/2007)

>   Nghị quyết Đại hội Cổ đông 2007 của ITA (10/07/2007)

>   TS4 Giao dịch cổ phiếu của đông lớn (10/07/2007)

>   DHA: Kết quả giao dịch cổ phiếu Cổ Đông Lớn (10/07/2007)

>   SAV chào bán cổ phiếu ra công chúng (10/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật