Thứ Năm, 27/01/2011 08:14

Xuất khẩu gạo khi lộ trình WTO có hiệu lực 

Việc mở cửa thị trường xuất khẩu gạo cũng mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, số lượng người mua nhiều hơn sẽ giúp người nông dân có lợi về giá bán. 

Thị trường gạo năm 2011 sẽ có bất lợi cho doanh nghiệp trong nước và lợi thế cho nông dân như dự báo?

Khi thị trường gạo phải mở cửa hoàn toàn theo lộ trình cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm 2011, thế độc quyền của các thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) sẽ chấm dứt. Họ phải chia sẻ quyền lợi cùng các doanh nghiệp tư nhân trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài. Thị trường sẽ diễn biến như thế nào sau cột mốc này?

Sàng lọc trong nội địa

Doanh nghiệp tư nhân sẽ có quyền tham gia hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung, điều mà trước đây chỉ có thành viên của VFA được phép. Nhưng đến hết tháng 9.2011 và vào đầu tháng liền sau đó, nếu không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về kho chứa và cơ sở xay xát, tất cả doanh nghiệp phải ngừng xuất khẩu.

Hiện nay, Việt Nam có 264 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, chỉ 30 doanh nghiệp trong đó được coi là chủ lực của ngành, đa phần còn lại là doanh nghiệp nhỏ, cả năm chỉ xuất được vài container. Thêm nữa, các doanh nghiệp nhỏ chủ yếu là của tư nhân trong khi doanh nghiệp chủ lực hầu hết thuộc VFA, vốn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu của Nghị định 109 (hiệu lực từ 1.1.2011). Do đó, thực chất, dù mất lợi thế thì doanh nghiệp lớn vẫn chẳng có gì phải lo lắng, vấn đề là nằm ở các doanh nghiệp nhỏ lẻ.

Khó khăn thứ nhất doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt là nguồn tài chính. Thứ đến là cơ sở xay xát lúa gạo. Rất khó để họ có thể đầu tư một cơ sở xay xát có công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ, kho chứa tối thiểu 5.000 tấn trong vòng vài tháng. Các doanh nghiệp này lại thường không xuất khẩu nhiều nên thành tích xuất khẩu không theo yêu cầu.

Trong một lần trả lời báo giới, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, khẳng định các tiêu chuẩn trên càng tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ năng lực tham gia hợp đồng tập trung. Thị trường sẽ không rối loạn, thậm chí còn sàng lọc được doanh nghiệp đủ “sức khỏe”. Đồng thời, nhà nghiên cứu thị trường gạo Đoàn Hữu Nguyên cho biết các tiêu chuẩn còn giúp thị trường tránh được tình trạng tranh mua, tranh bán gây ra cơn sốt ảo.

Và ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cảnh báo, có nguy cơ doanh nghiệp nhỏ lẻ lọt vào tay doanh nghiệp kinh doanh gạo nước ngoài. Nếu đúng như vậy, họ sẽ trở thành hệ thống chân rết, giúp doanh nghiệp nước ngoài mau chóng thâm nhập thị trường. Việc này sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến năm 2012, những điều khoản ràng buộc trong Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo mới có hiệu lực, nên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một năm để chuẩn bị nếu không muốn phá sản hoặc bị thâu tóm.

Cuộc chiến với bên ngoài

Một khi doanh nghiệp lương thực nước ngoài không còn phải liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam khi kinh doanh gạo, thì đối tượng được nhiều thuận lợi sẽ là nông dân. Bởi họ sẽ chọn được nhiều khách hàng, ai trả giá cao hơn, hợp lý hơn thì bán. Trên thực tế, cho dù giá lúa gạo lâu nay được Nhà nước bảo hộ, thu nhập bình quân của nông dân mỗi năm cũng không quá 400 USD/người, trong khi thu nhập của người dân thành thị là hơn 2.500 USD/người.

Như vậy, việc mở cửa hoàn toàn thị trường gạo sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh lớn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Sức ép đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ cao hơn, thúc đẩy họ phải có động thái nào đó để giữ thị trường, nhà nghiên cứu gạo Hữu Nguyên chia sẻ.

Tuy nhiên, khi tham gia kinh doanh gạo tại Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài buộc phải tuân thủ yêu cầu của Nghị định 109. Theo Nghị định, doanh nghiệp nước ngoài cũng phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa và 1 cơ sở xay xát lúa, gạo công suất tối thiểu 10 tấn/giờ, trữ ít nhất 10% lượng gạo xuất khẩu 6 tháng trước đó. Doanh nghiệp nước ngoài khi xuất cho bên thứ 3 là nước hoặc vùng lãnh thổ có giao dịch hợp đồng tập trung với Việt Nam phải được sự đồng ý của bên bán (theo Thông tư 44 của Bộ Công Thương).

Trên đây hầu hết là những công việc các doanh nghiệp nội đã thực hiện từ hơn 10 năm qua. Nhưng ông Hữu Nguyên vẫn khuyến cáo, doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng tăng năng lực kho bãi, mạng lưới thu mua, dự trữ, bảo quản lúa gạo; đồng thời liên kết chặt chẽ với nông dân để tổ chức vùng nguyên liệu, sản xuất các loại gạo chất lượng cao. Bởi lẽ, việc mở cửa thị trường xuất khẩu gạo cũng mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam, số lượng người mua nhiều hơn sẽ giúp người nông dân có lợi về giá bán.

Cũng theo ông Hữu Nguyên, thị trường xuất khẩu gạo sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khi có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không có lộ trình cho doanh nghiệp chuẩn bị thì giá xuất khẩu gạo sẽ giảm so với giá bán trong nước vì sự cạnh tranh giá giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, gạo Việt Nam vẫn được bán theo quy đổi phần trăm tấm nên mức giá xuất khẩu thấp hơn so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á (ví như Thái Lan).

Thế nhưng theo VFA, nếu chủ quan, không chỉ hơn 200 doanh nghiệp nhỏ mà cả 30 doanh nghiệp lớn được chuẩn bị kỹ lâu nay cũng có thể bị thua ngay trên sân nhà. Bởi trên thương trường, vốn liếng là yếu tố quan trọng nhất, mà doanh nghiệp nước ngoài lại nhiều tiềm lực về điều này. Trong khi đó, lãi suất vay vốn của doanh nghiệp nước ngoài thấp (khoảng 5%/năm), doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn phải chịu mức lãi suất cao, khoảng 15-18%/năm.

Mặc dù vậy, nhận định về tình hình trong thời gian tới, ông Phong, VFA, vẫn tự tin rằng, với nhà máy thứ 2 đang được xây dựng có công suất 1.000 tấn/ngày của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, cộng với lượng khách hàng truyền thống trong và ngoài nước, sức cạnh tranh của 30 doanh nghiệp lớn của Việt Nam là khá cao.

Thanh Hương

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Giá đường đang có xu hướng giảm (26/01/2011)

>   Sản lượng cao su thiên nhiên tăng 4,8% (26/01/2011)

>   Giá lương thực đang bị thao túng (25/01/2011)

>   Giá cao su không ngừng tăng (24/01/2011)

>   ECB cảnh báo giá thực phẩm tăng cao (21/01/2011)

>   Giá cao su Ấn Độ có thể tăng do nhu cầu ngành sản xuất xe ôtô (21/01/2011)

>   Cao su khởi động năm mới khả quan (20/01/2011)

>   Năm nay, xuất khẩu cà phê có thể chạm mốc 2 tỷ USD (20/01/2011)

>   Thị trường cà phê năm 2010 và dự báo năm 2011 (19/01/2011)

>   Bangladesh sẽ nhập khẩu 250.000 tấn gạo Việt Nam (19/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật