Thứ Ba, 25/01/2011 21:37

Giá lương thực đang bị thao túng

Không chỉ có vụ mùa thất bát và thời tiết khắc nghiệt đẩy giá lương thực toàn cầu lên mức cao kỷ lục hiện nay, những kẻ đầu cơ mới là thủ phạm chính.

Cuối năm 2010, giá lương thực vươn lên cao hơn mức của năm 2008, và tất cả mọi người trên thế giới đều bị ảnh hưởng. Ở châu Âu, giá thực phẩm cũng tăng thêm 10%. Liên Hiệp Quốc (LHQ) dự báo giá lương thực toàn cầu sẽ còn tăng thêm ít nhất 40% trong 10 năm tới.

Tổ chức LHQ và các chuyên gia lương thực giải thích đó là hậu quả của một “cơn bão khổng lồ” bao gồm cả các yếu tố con người lẫn tự nhiên, từ đất nông nghiệp giảm sút đến thiên tai có liên quan đến biến đổi khí hậu...

Mua lương thực như... chứng khoán

Tiến sĩ Ngô Trí Long (nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả): Phải tăng cường dự trữ

Ở nước ta, theo thông tin tôi nhận được từ một số tổ chức quốc tế, tiềm ẩn nhiều yếu tố làm lạm phát tăng 13-15%. Mà lạm phát tăng chủ yếu do lương thực thực phẩm và năng lượng.

Việt Nam là nước xuất khẩu và không thiếu lương thực, nhưng giá cả lại phụ thuộc thế giới. Khi giá thế giới tăng thì thật khó cưỡng lại, ngại nhất là thực phẩm.

Vì thế, ngoài chính sách tiền tệ, sử dụng các công cụ tài chính linh hoạt, tôi cho rằng một trong những biện pháp cần tính tới là tăng dự trữ lương thực, thực phẩm.

L.N.M. ghi

Các nhà kinh tế khẳng định còn có một nguyên nhân khác lớn hơn. Theo giới chuyên gia, chính các ngân hàng, quỹ đầu tư và những nhà tài phiệt đã gây ra cuộc khủng hoảng thị trường địa ốc Mỹ là những kẻ đẩy giá lương thực lên cao chót vót.

Bằng thủ đoạn lợi dụng việc các quy định kiểm soát thị trường hàng hóa bị bãi bỏ, các ngân hàng và quỹ đầu tư đã đầu cơ vào lương thực để kiếm hàng tỉ USD và gieo rắc sự khốn khổ trên toàn thế giới.

Các nhà kinh tế cho biết từ trước đến nay đầu cơ quy mô nhỏ luôn tồn tại trên thị trường lương thực. Nông dân X tự bảo vệ bản thân trước thời tiết xấu và các nguy cơ khác bằng cách đồng ý bán trước vụ thu hoạch cho thương nhân Y.

Cách đó giúp nông dân X đảm bảo một mức giá cố định để ông ta đầu tư thêm vào công việc trong khi thương nhân Y cũng có lợi. Trong một năm thất bát nông dân X vẫn có lãi, nhưng trong một năm bội thu thương nhân Y có lợi hơn nhiều.

Quy trình “lập hàng rào” này được kiểm soát chặt chẽ và hoạt động hiệu quả. Do đó yếu tố cung - cầu quyết định giá lương thực trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi vào giữa thập niên 1990.

Sau chiến dịch vận động hành lang dữ dội của các ngân hàng, quỹ đầu tư và các chính trị gia theo đuổi thị trường tự do ở Mỹ và Anh, các quy định kiểm soát thị trường hàng hóa dần dần bị bãi bỏ.

Các hợp đồng mua và bán lương thực bị biến thành các “sản phẩm phái sinh” kiểu như giấy chứng khoán. Giới thương nhân chẳng biết gì về nông nghiệp cũng có quyền nhảy vào mua và bán các “sản phẩm phái sinh” này một cách tự do giống như buôn chứng khoán. Và hậu quả là một thị trường ảo “đầu cơ lương thực” ra đời. Ca cao, nước trái cây, đường, ngũ cốc, thịt và cà phê trở thành hàng hóa trao đổi toàn cầu giống như dầu thô, vàng và kim loại.

Và khi thảm họa thị trường địa ốc phái sinh xảy ra vào năm 2006 ở Mỹ, các ngân hàng, quỹ đầu tư, thương nhân chuyển hàng tỉ USD từ các quỹ vào những loại hàng hóa an toàn, đặc biệt là lương thực. “Chúng tôi phát hiện tình trạng đầu cơ lương thực vào năm 2006 - chuyên gia Mike Masters, giám đốc Công ty Masters Capital Management, cho biết - Khi đó nó chưa phải là một yếu tố quan trọng. Nhưng đầu cơ lương thực tăng vọt từ năm 2007-2008. Các thương gia đều khẳng định xu hướng này. Khoảng 70-80% doanh nghiệp trên thị trường Mỹ đầu cơ vào lương thực”.

Phong trào phát triển thế giới (WDM) ở Anh ước tính kể từ cuộc khủng hoảng tài chính đến nay, các ngân hàng và quỹ đầu tư đã đổ 200 tỉ USD vào thị trường lương thực.

Thị trường méo mó

Trên thực tế, giờ đây thị trường lương thực đã bị các ngân hàng, quỹ đầu tư làm méo mó. “Ví dụ ở một quốc gia có tin thời tiết xấu khiến vụ mùa gạo thất bát - chuyên gia Masters giải thích - thông thường giá sẽ tăng thêm 1 USD/kg. Nhưng khi 70-80% doanh nghiệp nhảy vào đầu cơ gạo, giá sẽ tăng thêm 2-3 USD/kg và gây hỗn loạn thị trường”.

Năm ngoái quỹ đầu tư Anh Armajaro mua 240.000 tấn hạt ca cao, tương đương 7% dự trữ hạt ca cao toàn cầu. Lập tức giá sôcôla tăng lên mức cao nhất trong 33 năm qua. Trong khi đó, chỉ trong ba ngày giá cà phê tăng 20% do các quỹ đầu tư thu mua cà phê số lượng lớn. “Rõ ràng là giá bột mì, bắp và gạo tăng cao không phải do vụ mùa hay dự trữ thấp, mà do giới thương gia phản ứng với thông tin về thời tiết bất lợi và đầu cơ để kiếm lợi” - đặc phái viên LHQ về quyền tiếp cận thực phẩm Olivier de Schutter nhận định. Trong cuộc họp hôm 19-1, Nghị viện châu Âu xác định 50% đợt tăng giá thực phẩm vừa qua trên thế giới là do đầu cơ.

“Người dân ở các nước nghèo đang chết đói, trong khi các ngân hàng, quỹ đầu tư kiếm bộn tiền từ việc đánh bạc với thực phẩm” - bà Deborah Doane, giám đốc Phong trào phát triển thế giới ở Anh, bức xúc. Quả thật là các tổ chức đầu cơ kiếm được rất nhiều tiền. Theo báo cáo thường niên của Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs, năm 2008 ngân hàng này đạt mức lãi 1 tỉ USD qua hoạt động đầu cơ lương thực.

Theo bà Ann Berg - một trong những chuyên gia phân tích hàng hóa hàng đầu thế giới, thị trường lương thực đối với các ngân hàng và quỹ đầu tư cũng là một sân chơi đầy lợi nhuận. “Đối với người nghèo thì chỉ là một mẩu bánh mì, nhưng đối với một kẻ giàu có đó là tài sản được chứng khoán hóa”.

Giá lương thực tăng mạnh

Tháng 12-2005, giá gạo 5% tấm trên thị trường thế giới vào khoảng 263,41 USD/tấn. Sau đó, giá gạo tăng liên tục và đến tháng 12-2007 bắt đầu tăng vọt, đỉnh điểm lên đến hơn 1.000 USD/tấn hồi tháng 4 và 5-2008. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, giá gạo giảm dần và đến tháng 6-2010 xuống mức thấp nhất 458,55 USD/tấn. Tuy nhiên sau đó giá gạo đã tăng trở lại và đến tháng 12-2010 ở mức 536,78 USD/tấn.

Giá bột mì thế giới năm 2005 ở mức dưới 188 USD/tấn và cũng tăng lên đỉnh điểm 439 USD/tấn trong giai đoạn 2007-2008. Giá bột mì giảm xuống dưới 188 USD/tấn trong năm 2009, nhưng đã tăng liên tục trong năm 2010 và đến tháng 12-2010 đã chạm mức 305 USD/tấn. Giá bắp năm 2005 ở mức khoảng 100 USD/tấn rồi tăng vọt lên đỉnh điểm 287 USD/tấn giai đoạn giữa 2007-2008, sau đó giảm xuống ở khoảng 140 USD/tấn, nhưng tăng trở lại cuối năm 2009 và tăng liên tục tới 251,74 USD/tấn vào tháng 12-2010.

Tương tự, giá đậu nành ở mức gần 300 USD/tấn hồi năm 2005 và tăng vọt lên 634 USD/tấn giai đoạn giữa và cuối năm 2007. Giá đậu nành sụt ở nửa cuối năm 2008, xuống khoảng 360 USD/tấn nhưng lại tăng trở lại. Nửa cuối năm 2010 giá tăng liên tục và hiện ở mức gần 490 USD/tấn.

Nguồn: Indexmundi.com

HIẾU TRUNG (Theo Guardian, Financial Times, Bloomberg)

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Giá cao su không ngừng tăng (24/01/2011)

>   ECB cảnh báo giá thực phẩm tăng cao (21/01/2011)

>   Giá cao su Ấn Độ có thể tăng do nhu cầu ngành sản xuất xe ôtô (21/01/2011)

>   Cao su khởi động năm mới khả quan (20/01/2011)

>   Năm nay, xuất khẩu cà phê có thể chạm mốc 2 tỷ USD (20/01/2011)

>   Thị trường cà phê năm 2010 và dự báo năm 2011 (19/01/2011)

>   Bangladesh sẽ nhập khẩu 250.000 tấn gạo Việt Nam (19/01/2011)

>   DN giàu, gạo VN vẫn không thương hiệu (18/01/2011)

>   Thị trường gạo xuất khẩu đang phân cực? (16/01/2011)

>   Nhiều thách thức cho xuất khẩu gạo khi mở thị trường (16/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật