Thứ Hai, 24/01/2011 21:57

Giá cao su không ngừng tăng

Sau khi tăng 50% trong năm 2010, giá cao su trên thị trường thế giới tiếp tục leo dốc và không ngừng lập kỷ lục trong những ngày đầu năm 2011.

Nguyên nhân được cho là nhu cầu tăng mạnh từ các khách hàng Trung Quốc và Ấn Độ trong khi nguồn cung dự kiến sẽ rất thấp trong thời gian tới ở các nước sản xuất chủ lực.

Giá liên tục lập kỷ lục

Chỉ trong 3 tuần đầu tháng 1, giá cao su thiên nhiên thế giới đã tăng 16% khi nỗi lo nguồn cung ở Thái Lan có thể giảm tới 55% so với lúc cao điểm bởi mùa lạnh làm giảm sản lượng mủ. Giá tăng còn bởi các thương gia tích cực mua hàng dự trữ với dự báo các hãng sản xuất lốp xe sẽ tăng cường mua hơn nữa.

Giá cao su tại Thái Lan chỉ trong 3 tuần đã tăng 16%

Tính đến ngày 21/1, giá cao su tấm hun khói RSS3 của Thái Lan đã lên tới gần 6 đô la Mỹ/kg, giá cao su cùng loại tại Thượng Hải đã vượt 40.000 nhân dân tệ/tấn (tức khoảng 6.000 đô la Mỹ) - đều là các mức cao chưa từng thấy từ trước tới nay.

Ở thị trường trong nước, giá cao su xuất khẩu sang Trung Quốc hiện đang ở mức cao và đã tăng 12% kể từ đầu năm tới nay nhờ nhu cầu tăng mạnh. Giao dịch tại cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng diễn ra nhộn nhịp với giá dao động từ 33.300 – 33.500 nhân dân tệ/tấn, với lượng giao dịch khoảng 1.600 tấn/ngày.

Thống kê sơ bộ từ Ban quản lý cửa khẩu Móng Cái cho thấy, từ đầu tháng 1 tới nay, lượng cao su nước ta xuất sang Trung Quốc đạt khoảng 40.000 tấn.

Mất cân bằng cung cầu

Trung Quốc, nước nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới với khoảng 2,7-2,8 triệu tấn mỗi năm, đã tăng cường mua cao su trong thời gian qua do nhu cầu cao từ ngành công nghiệp sản xuất ôtô. Nhu cầu từ Ấn Độ cũng tăng rất nhanh do kinh tế nước này tăng trưởng mạnh mẽ.

Nguồn cung trong khi đó đang bước vào giai đoạn cực kỳ khan hiếm. Nông dân ở Thái Lan, nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, thường dừng việc thu hoạch mủ vào cuối tháng 2, khi bắt đầu mùa khô, mùa cây trút lá và giảm sản lượng mủ. Họ chỉ khôi phục việc thu hoạch vào giữa tháng 4. Dự kiến sản lượng của Thái Lan từ nay tới tháng 5 chỉ đạt 45% tới 60% sản lượng mùa cao điểm. Cùng thời điểm này, sản lượng tại Indonesia và Malaysia – hai nước sản xuất cao su lớn thứ hai và thứ ba thế giới - cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Triển vọng lạc quan

Trong tuần cuối tháng 1, cũng là tuần giao dịch cuối cùng của năm Âm lịch tại Trung Quốc và Việt Nam, thị trường cao su thế giới hứa hẹn sẽ sôi động hơn nữa do khách hàng Trung Quốc tăng mua cho cho mục đích dự trữ trước khi đất nước bước vào thời gian nghỉ tết Âm lịch dài ngày.

Về dài hạn, theo ông Tetsu Emori, nhà quản lý quỹ hàng hoá thuộc công ty Astmax Co. ở Tokyo thì giá cao su sẽ tăng tới khi giá quá cao khiến nhu cầu tiêu thụ giảm xuống. Hồi tháng 9, ông Emori đã từng dự báo chính xác việc giá tăng lên mức cao kỷ lục. Hãng sản xuất lốp xe SIPH của Pháp thì dự đoán, nhu cầu cao su sẽ tiếp tục mạnh trong năm 2011, một phần do tăng trưởng kinh tế mạnh ở Ấn Độ và Trung Quốc.

Ngành cao su Thái Lan cũng dự báo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ giữ giá cao su tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2011.

Nguyễn Hằng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   ECB cảnh báo giá thực phẩm tăng cao (21/01/2011)

>   Giá cao su Ấn Độ có thể tăng do nhu cầu ngành sản xuất xe ôtô (21/01/2011)

>   Cao su khởi động năm mới khả quan (20/01/2011)

>   Năm nay, xuất khẩu cà phê có thể chạm mốc 2 tỷ USD (20/01/2011)

>   Thị trường cà phê năm 2010 và dự báo năm 2011 (19/01/2011)

>   Bangladesh sẽ nhập khẩu 250.000 tấn gạo Việt Nam (19/01/2011)

>   DN giàu, gạo VN vẫn không thương hiệu (18/01/2011)

>   Thị trường gạo xuất khẩu đang phân cực? (16/01/2011)

>   Nhiều thách thức cho xuất khẩu gạo khi mở thị trường (16/01/2011)

>   Chuỗi sản xuất gạo và tôm Việt Nam còn nhiều hạn chế (15/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật