Chuỗi sản xuất gạo và tôm Việt Nam còn nhiều hạn chế
“Cần xây dựng lại tổ chức của Hiệp hội Lương thực Việt Nam để thật sự phục vụ mục tiêu lợi ích tổng thể của chuỗi xuất khẩu gạo nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung” - ông Nguyễn Đức Nhật thay mặt nhóm nghiên cứu tác động chính sách lên chuỗi xuất khẩu gạo và tôm của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN) nói tại buổi hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu do Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 14-1 tại Hà Nội.
Hiện nay, theo DEPOCEN, có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo và 117 là thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Trong khi mục tiêu của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan là vì quyền lợi của tất cả các bên liên quan trong ngành sản xuất gạo, thì VFA chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên. Theo quy định hiện nay, việc phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo phụ thuộc vào VFA, nếu không có dấu của VFA trên hợp đồng, gạo sẽ không được thông quan xuất khẩu. “Chính sách này đang tạo ra biến dạng thị trường rõ nét thông qua việc hình thành độc quyền xuất khẩu” - nhóm nghiên cứu cho biết.
Về chuỗi xuất khẩu tôm, các nhà nghiên cứu cho biết trong khi các nước xung quanh đã hạn chế hoặc cấm đánh bắt hải sản mùa sinh sản, Việt Nam vẫn chưa có chính sách về vấn đề này. Chưa kể việc chế tài các vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được thực hiện nghiêm. Kết quả là năng lực đánh bắt giảm dần, từ đó dẫn đến nhiều hộ nông dân nuôi tôm tự phát, phá vỡ quy hoạch. Như Bạc Liêu năm 2009 đã có hơn 120.000ha tôm, vượt chỉ tiêu đề ra cho năm 2010...
Hương Giang
TUỔI TRẺ
|