Thứ Bảy, 15/01/2011 09:30

Cà phê tăng giá kỷ lục

Cà phê là mặt hàng có mức tăng giá ấn tượng trong hai tháng qua, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro. Tháng 2-2010, giá cà phê có lúc chỉ còn 22.000 đồng/kg buộc Chính phủ phải can thiệp bằng cách cho các doanh nghiệp vay vốn mua tạm trữ thì nay giá cà phê đã tăng gần 80%.

Đơn vị tính:đồng/kg

Diễn biến giá cà phê

Bà Trần Thị Tươi (Bảo Lâm, Lâm Đồng) cho biết năm nay thu được hơn 2 tấn cà phê nhân, đầu vụ định bán với giá 30.000 đồng/kg nhưng lại thôi. “Giá tăng liên tục, tôi cũng như nhiều người không dám mạnh tay bán ra. Ai muốn mua sắm gì cần thiết mới bán đi một ít, còn đa số vẫn trữ vì hi vọng giá còn lên nữa” - bà Tươi cho biết. Giá cà phê liên tục lập đỉnh mới, đến ngày 13-1-2011 đã vượt mốc 39.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà phê trên thị trường thế giới cũng tăng mạnh, đạt mức 2.162 USD/tấn (ngày 13-1).

Giảm 10%

Niên vụ 2010/2011, Vicofa ước tính sản lượng toàn quốc giảm 10% so với niên vụ trước, tổng sản lượng cả nước giảm xuống dưới 1 triệu tấn.

Ông Đỗ Văn Nam, tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê VN, cho biết giá cả hiện tại phản ánh quy luật cung cầu, chủ yếu do nguồn cung cà phê robusta giảm đã đẩy giá bán tăng.

Nhưng ở một khía cạnh khác, Hiệp hội Cà phê ca cao VN (Vicofa) lại đang lo lắng. Theo ông Lương Văn Tự - chủ tịch Vicofa, giá cà phê trong nước tăng nhưng chứa đựng nhiều rủi ro do cách kinh doanh của các nhà xuất khẩu trong nước. Để có thể bán được nhiều cà phê ở mức giá cao, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng phương thức mua bán cà phê giao sau và bán trừ lùi. Từ đó, phía nước ngoài lợi dụng để ép giá trong nước.

Theo phương thức trừ lùi, doanh nghiệp ký hợp đồng với nước ngoài ở một mức giá mà thị trường đang áp dụng, sau đó trừ lùi một khoản. Ví dụ, doanh nghiệp ký với giá 2.200 USD/tấn và mức trừ lùi là 50 USD/tấn thì giá doanh nghiệp nhận bán thực tế là 2.150 USD/tấn. Khoản trừ lùi này là “vũ khí” để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh và làm hại nhau. Nếu công ty A trừ lùi 50 USD/tấn, lập tức công ty B trừ lùi 60 USD/tấn. Cứ thế mức trừ lùi tăng dần gây thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp, nông dân mà cả hoạt động xuất khẩu cà phê của VN.

Tại sao lại có khoản trừ lùi này? Theo các doanh nghiệp, đây là cách ép giá của nước ngoài với lý do cà phê của VN chưa đạt chất lượng vì hái cả cà phê còn xanh... Bên cạnh đó do khả năng tài chính eo hẹp, các công ty trong nước phải bán trừ lùi để có hợp đồng làm căn cứ vay tiền ngân hàng mua cà phê.

Mới đây, Vicofa đã lên tiếng cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước không nên liên tục tăng mức trừ lùi các lô cà phê xuất khẩu gây bất lợi cho ngành cà phê VN.

Vẫn theo ông Lương Văn Tự, cà phê VN chiếm 15% tổng lượng cà phê toàn cầu, chúng ta có thể tác động đến giá cà phê robusta của thế giới nếu các doanh nghiệp đoàn kết lại. Thế nhưng giá trong nước luôn bị tác động bởi giá thế giới. Vì vậy cả người trồng và doanh nghiệp cần sự ổn định để giữ giá cao, không nên chạy theo thành tích về số lượng. Cũng với cách bán trừ lùi trên, các doanh nghiệp trong nước đã thua lỗ hàng trăm tỉ đồng trong các năm trước. Khi đó thiệt hại của ngành cà phê không chỉ còn là vấn đề riêng của doanh nghiệp, mà người trồng cà phê cũng ảnh hưởng nặng nề.

Trần Mạnh

TUỔI TRẺ

Các tin tức khác

>   Nhập khẩu lúa gạo từ Campuchia (15/01/2011)

>   Cuộc chiến mía đường: Bao giờ có hồi kết? (14/01/2011)

>   Cho phép tham gia rộng rãi trong xuất khẩu gạo (13/01/2011)

>   Chấm dứt độc quyền xuất khẩu gạo (13/01/2011)

>   Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 4% trong năm 2011 (12/01/2011)

>   Vào vụ ép mía, giá đường vẫn cao (12/01/2011)

>   Bộ Công Thương cho nhập gần 140.000 tấn đường (11/01/2011)

>   Giá lương thực toàn cầu tăng vẫn là mối đe dọa lớn trong 2011 (11/01/2011)

>   Sản lượng càphê của Indonesia có thể giảm 8,3% (10/01/2011)

>   Philippines gia hạn mua gạo Việt Nam (10/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật