Vào vụ ép mía, giá đường vẫn cao
Sáng 11.1, khảo sát một số chợ bán lẻ tại TP.HCM, nguồn đường bày bán khá dồi dào, không hề có hiện tượng khan hiếm như hồi cuối năm 2010.
Bộ Công thương vừa công bố hạn ngạch nhập khẩu 250 ngàn tấn đường trong năm nay. Trong đó, 150 ngàn tấn cho sản xuất, 50 ngàn tấn đường thô và 50 ngàn tấn cho mục đích thương mại.
Giảm vài ngày lại tăng
Tại chợ Bình Tây (quận 6), các thương hiệu đường Biên Hoà, Mỹ Tho, Cam Ranh, Quảng Ngãi… khá thông dụng, nhưng giá hầu hết đều trên 20.000 đồng/kg. Chẳng hạn, đường cát trắng Mỹ Tho có giá sỉ tính theo cây (12 kg/cây) giá 240.000 đồng/cây (20.000 đồng/kg, tiểu thương ở đây cho biết, sau khi giảm được 10.000 đồng hồi cuối tháng 12 năm ngoái, đến cuối tuần đầu tháng 1 năm nay lại tăng trở lại 10.000 đồng.
Tại cửa hàng bán sỉ của tổng công ty Mía đường 2, bến Vân Đồn, quận 4, giá đường Biên Hoà bán sỉ cũng vừa tăng thêm 500 đồng/kg lên 22.500 đồng. Một số loại đường RS khác cũng tăng thêm 200 – 500 đồng/kg.
Không chỉ tăng giá bán sỉ, đường bán lẻ tại các chợ mấy ngày nay cũng tăng 200 – 500 đồng/kg tuỳ loại. Tại chợ Phú Thọ (quận 11), đường cát trắng dao động từ 24.000 – 26.000 đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg. Trong khi đó, một số nơi đang bán đường tinh luyện Biên Hoà giá 23.000 – 25.000 đồng/kg. Bà Diệp, tiểu thương ở đây cho biết: “Giá đường cao, buôn bán chậm vì người ta mua ít lại. Hiện nay giá đường đang chựng lại, chưa biết hạ lúc nào nên không dám trữ hàng”.
Một số cơ sở sản xuất bánh kẹo, mứt tết cũng cho biết họ đang phải mua đường giá cao chẳng khác gì lúc đỉnh điểm tháng 9, tháng 10.2010. Chị Minh Kiều, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm A.D (quận 12) thắc mắc: “Trước đây nhiều nhà máy, kể cả lãnh đạo bộ Nông nghiệp đều khẳng định khi vào vụ giá đường sẽ bớt căng thẳng, nay nguồn đường dồi dào nhưng chẳng thấy giá giảm tí nào”. Một số cơ sở sản xuất bánh kẹo, mứt tết khác cũng cho hay, họ cứ tin rằng khi vào vụ ép mía, giá đường sẽ giảm nên không mua trữ trước, nhưng đến nay chờ mãi mà giá cứ đứng… trên trời.
Theo giá thế giới và lãi suất
Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch hiệp hội Mía đường Việt Nam, đồng thời là tổng giám đốc nhà máy đường Cần Thơ xác nhận: các nhà máy lại vừa điều chỉnh tăng 200 đồng, lên 19.200 – 19.500 đồng/kg đối với loại đường RS. Trong khi đó, ông Hà Hữu Phái, tổng thư ký hiệp hội này khẳng định nguồn cung trên thị trường hiện nay không chỉ khá dồi dào mà còn có hiện tượng dư thừa. Có 40 nhà máy đường trên cả nước đang tăng hết công suất ép mía, theo ông, trung bình mỗi tháng sản xuất ra 180.000 – 200.000 tấn đường, nhưng nhu cầu sử dụng tháng tết tối đa 100.000 tấn.
Vậy tại sao giá đường bán sỉ vẫn không giảm mà đang có xu hướng tăng? Giải thích câu hỏi này, ông Trần Thành Long bày tỏ quan điểm do giá đường thế giới, nhất là nhập lậu từ Thái Lan về vẫn còn đứng ở mức cao nên đường trong nước khó có thể giảm giá. “Đường tinh luyện trên thị trường London giao kỳ hạn tháng 3.2011 là 775 USD/tấn, nếu nhận ngay thì phải cộng thêm 80 USD. Cộng thêm thuế nhập khẩu 40%, cước vận chuyển, bốc xếp thì vể đến cảng cũng đã lên tới 19.500 đồng. Còn nhập lậu sỉ từ Thái Lan về có giá 19.500 – 20.000 đồng/kg, bán lẻ cũng 22.000 – 25.000 đồng/kg”, ông Long nói.
Ngoài nguyên nhân neo theo giá đường thế giới và nhập lậu, một số nhà máy đường còn cho rằng, với việc họ phải vay tiền ngân hàng lãi suất lên đến 14 – 15%/tháng, thì cứ mỗi ký đường trữ kho trong vòng một tháng phải “cõng” thêm 250 – 270 đồng. “Lãi suất quá cao, cộng với đang vào mùa tiêu thụ thấp điểm, nguồn cung lại dư thừa nên tôi cho rằng không ai dám đầu cơ trục lợi lúc này!”, ông Nguyễn Minh Châu, giám đốc nhà máy đường Sóc Trăng khẳng định như vậy.
Hoàng Bảy – Minh Cúc
sài gòn tiếp thị
|