Thứ Ba, 18/01/2011 06:28

DOANH NGHIỆP LÃI TO, NGƯỜI TRỒNG LÚA MÃI NGHÈO - BÀI 2

DN giàu, gạo VN vẫn không thương hiệu

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, nhận định người trồng lúa bao đời này mãi nghèo là do chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo được phân phối chưa đồng đều.

* Lãi chảy về phía doanh nghiệp

Doanh nghiệp (DN) mới chỉ tập trung khâu xuất khẩu mà ít tham gia phát triển, xây dựng vùng nguyên liệu.

Lúa hết, giá mới tăng

. Ông nghĩ như thế nào khi VN là nước xuất khẩu gạo lớn hàng đầu thế giới nhưng phần lãi lại rơi về phía DN, còn cuộc sống của nông dân vẫn mãi bấp bênh với hạt lúa do chính mình làm ra?

+ Cái này tôi có thể khẳng định do chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo được phân phối không đồng đều. Trong chuỗi sản xuất thì nông dân làm lúa xong bán cho DN. DN mua và trữ đó rồi tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Điều đáng nói là giá gạo mà DN xuất khẩu không được thông báo công khai và nông dân không được biết. Cho nên dù DN xuất khẩu với giá cao nhưng về nói giá thấp, từ đó hạ giá mua lúa trong nước xuống thì nông dân cũng phải chịu thôi. Hiện nay giá lúa trong nước không phải phụ thuộc vào giá xuất khẩu mà phụ thuộc vào lượng lúa tồn đọng trong kho. Ví dụ đầu mùa vụ lúa nhiều nên giá thu mua lúa thường thấp, có khi thấp hơn giá thành nhưng khi cuối vụ, khi lúa gạo trong dân ít thì giá lại được đẩy lên. Nông dân chỉ lãi trong giai đoạn khi lúa đã hết. Hiện nay lợi nhuận do việc tìm kiếm thị trường mới, bán gạo giá cao đều chảy về phía doanh nghiệp chứ nông dân không được hưởng. Chưa có chuyện DN xuất khẩu được giá cao nên mua lúa gạo của nông dân với giá cao.

Áp lực phải bán giá rẻ

. Giá lúa mà DN thu mua như năm 2010 có giúp người trồng lúa đủ trang trải cuộc sống hay không, thưa ông?

+ Giá lúa như những tháng cuối năm 2010 khiến nông dân rất phấn khởi. Chúng tôi tính giá thành chi phí đầu vào sản xuất lúa đông xuân khoảng 2.500-2.800 đồng/kg; hè thu 3.200-3.300 đồng/kg, mà DN mua trên 5.000 đồng/kg. Với giá mua đó, tính ra mức lãi thu được từ trồng lúa trên mức 30% theo quy định của nhà nước. Chưa kể lúa gạo là mặt hàng ảnh hưởng nhiều đến chính trị, xã hội nên khi có biến động, nhà nước phải dùng những biện pháp kìm giá. Với nông dân, chỉ cần bỏ chi phí 3.000 đồng nhưng bán được 5.000-6.000 đồng/kg đã là quý lắm rồi. Nhưng họ không biết được rằng DN mua với giá đó, nếu xuất khẩu với giá 400-500 USD/tấn thì DN hưởng lãi rất cao.

. Giá mua lúa tăng hằng năm nhưng chưa theo kịp với giá vật tư đầu vào nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, giống má… Đây có phải là lý do khiến đa phần người trồng lúa cứ nghèo mãi?

+ Điều này đúng. Chi phí đầu vào sản xuất lúa cũng tăng cao khiến không ít nông dân gặp nhiều khó khăn. Như tôi nói giá lúa cao hay thấp còn phụ thuộc vào lượng hàng tồn kho. Đầu vụ thu hoạch rộ, lúa không có chỗ chứa, người dân cần phải bán gấp để trang trải nợ nần cho ngân hàng, đại lý phân bón, lấy tiền cho con cái ăn học nên phải chịu giá thấp. Nhưng khi lúa gạo còn lại rất ít thì giá lúa lại trở nên sôi động. Lúc này nông dân chỉ có tiếc rẻ.

Liên kết sản xuất và lưu thông

. Ông có nghĩ rằng sản xuất nông nghiệp của nước ta nhỏ lẻ, diện tích manh mún nên dù tỉ suất lợi nhuận trong trồng lúa có cao đến mấy cũng không đủ giúp nông dân thoát nghèo?

+ Hiện nay có thể làm tăng chuỗi giá trị sản xuất lúa. Ví dụ DN đi khảo sát, tìm kiếm thị trường, nếu thấy thị trường yêu cầu gạo chất lượng gì thì về đặt hàng cho nông dân sản xuất với số lượng lớn với tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… và đảm bảo đầu ra. Nếu làm được điều này thì cả DN và nông dân đều được lợi. Chứ hiện nay với diện tích nhỏ, nông dân chủ yếu tự trồng, tự lo. Có những người có 3-5 công đất, chủ yếu trồng để ăn, dư thì bán. Do đó lúa gạo VN không có thương hiệu, phải chịu giá thấp.

. Theo ông, cần phải làm gì để hài hòa lợi ích giữa DN và người trồng lúa để người trồng lúa sống được với hạt lúa do mình làm ra?

+ Trong thời gian tới có lẽ cần phải tính toán phương thức sản xuất mới cho phù hợp. Phải tính toán sự liên kết vùng, liên kết bốn nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và DN). DN muốn có một mặt hàng theo yêu cầu thị trường thì phải đặt hàng đến người sản xuất. Nhà nước, DN phải tập hợp nông dân thành một hợp tác xã, tổ chức đất đai thành một vùng chuyên canh sản xuất. Kiểu này giống như công ty cổ phần nông nghiệp mà một phần vốn công ty thuộc về nông dân. Nếu tổ chức được như vậy thì sau khi sản xuất, lúa sẽ được phơi sấy, chế biến và cất trong kho. DN sẽ đi tìm kiếm thị trường và chọn thời điểm phù hợp để bán với giá cao. hiện nay khi DN có hợp đồng, liền chạy về tìm kiếm hàng xáo thu mua lúa hàng chợ để xuất khẩu. Như vậy thì chuỗi giá trị từ sản xuất, kinh doanh lúa sẽ không cao. Cần phải liên kết bốn nhà và có sự phân vai, trách nhiệm cụ thể chứ không thể lộn xộn như hiện nay được.

. Xin cảm ơn ông.

Nhà khoa học cũng thiệt thòi!

Không chỉ nông dân mà ngay cả các nhà khoa học cũng đứng ngoài lợi nhuận mà xuất khẩu gạo thu được. Hiện gạo xuất khẩu năng suất cao đều từ những giống lúa do trong nước nghiên cứu, nghĩa là các nhà khoa học đóng góp trong đó nhưng DN bảo lúa chúng tôi mua trực tiếp của nông dân chứ có mua của các ông đâu.

Tôi từng kiến nghị thay vì khoa học phải dùng ngân sách nhà nước, chỉ cần 1 tấn gạo xuất khẩu trích lại 0,5 USD thì số tiền đó đủ chi phí cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu giống lúa mới, có hiệu quả năng suất cao. Hiện các tổng công ty lương thực lãi cả năm vài ngàn tỉ mà chưa chú ý nhiều đến nhà khoa học, nông dân và phát triển vùng nguyên liệu.

Trung Hiếu

Pháp luật

Các tin tức khác

>   Thị trường gạo xuất khẩu đang phân cực? (16/01/2011)

>   Nhiều thách thức cho xuất khẩu gạo khi mở thị trường (16/01/2011)

>   Chuỗi sản xuất gạo và tôm Việt Nam còn nhiều hạn chế (15/01/2011)

>   Cà phê tăng giá kỷ lục (15/01/2011)

>   Nhập khẩu lúa gạo từ Campuchia (15/01/2011)

>   Cuộc chiến mía đường: Bao giờ có hồi kết? (14/01/2011)

>   Cho phép tham gia rộng rãi trong xuất khẩu gạo (13/01/2011)

>   Chấm dứt độc quyền xuất khẩu gạo (13/01/2011)

>   Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 4% trong năm 2011 (12/01/2011)

>   Vào vụ ép mía, giá đường vẫn cao (12/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật