TP. HCM khởi sắc nhờ 3 dự án lớn
Đại lộ Đông Tây, hầm Thủ Thiêm, Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè dự kiến hoàn thành trong năm nay là bước tiến lớn trong cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, làm đẹp bộ mặt của TP.HCM.
|
“Đại lộ Đông Tây là một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội" |
Hoàn thành hai dự án hạ tầng trọng điểm
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, năm 2011 là cột mốc quan trọng của ngành giao thông TP.HCM khi toàn tuyến Đại lộ Đông Tây và hầm Thủ Thiêm được thông xe vào tháng 6/2011. Khi đó, hai công trình này sẽ góp phần để hàng trăm ngàn lượt xe tải, xe khách và phương tiện giao thông của người dân dễ dàng lưu thông ra, vào nội thành mỗi ngày theo 2 hướng: cửa ngõ Đông Bắc - Tây Nam và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
“Đại lộ Đông Tây là một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy chỉnh trang và phát triển đô thị dọc Hành lang Đông - Tây của TP.HCM. Cùng với một số dự án liên quan như liên tỉnh lộ 25 B, cầu Thủ Thiêm 1, cầu Sài Gòn 2..., Đại lộ Đông Tây sẽ hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại trung tâm và là động lực phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng và TP.HCM nói chung trong tương lai”, ông Tài nói.
Được biết, hiện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang nghiên cứu lập dự án nối đại lộ Đông Tây đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Khi làm xong tuyến đường này, thời gian đi xe từ quận 2 vượt hầm Thủ Thiêm qua Đại lộ Đông Tây đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ mất không quá 30 phút.
Khơi dậy tiềm năng của nhiều dự án mới
Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Thái Văn Mến, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Tạo (chủ đầu tư Khu dân cư Tân Tạo, huyện Bình Chánh) cho rằng, Đại lộ Đông Tây và hầm Thủ Thiêm sẽ nối liền các quận 2, 9 với khu trung tâm TP.HCM, đồng thời đánh thức tiềm năng về quỹ đất dồi dào của khu vực phía Tây TP.HCM tới quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Ông Mến dự đoán, khi thông xe, hầm Thủ Thiêm sẽ kích thích việc tăng giá trị các dự án đầu tư bất động sản, thương mại... tại khu Đông Sài Gòn. “Nhiều quỹ đầu tư quốc tế đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư đang nhắm đến các dự án dọc theo Đại lộ Đông Tây”, ông Mến nói.
Nếu Đại lộ Đông Tây là niềm hy vọng của các nhà đầu tư hai đầu Đông - Tây TP.HCM, thì nhiều nhà đầu tư ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đang trông đợi vào tiến độ thực hiện các dự án đường vành đai xung quanh TP.HCM.
Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, đường vành đai 2 đã tìm được nhà đầu tư ở các đoạn Cầu Phú Mỹ - Ngã tư Bình Thái (Công ty cổ phần BOT Phú Mỹ); Cầu An Lập - Nguyễn Văn Linh (Công ty Petroland) và đoạn từ Ngã tư Gò Dưa đến Quốc lộ 1A (Khu quản lý giao thông đô thị số 2). Dự kiến, các đoạn trên sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2011 và thông xe toàn tuyến vào năm 2013.
Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cuu Long CIPM) cũng cho biết Cuu Long CIPM vừa báo cáo lên Bộ Giao thông - Vận tải về việc thực hiện Dự án Xây dựng đường vành đai 3 và đường vành đai 4 của TP.HCM.
Theo đó, đường vành đai 3 sẽ có tổng chiều dài 89,3 km, đường vành đai 4 có tổng chiều dài 196,5 km. Với thời gian thực hiện từ năm 2011 đến năm 2020, hai đường vành đai có tổng vốn đầu tư là 154.300 tỷ đồng.
Dự án cải thiện chất lượng sống
Dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng được kỳ vọng hoàn thành đúng hạn vào cuối năm 2011 để chấm dứt tình trạng “sống chung với lũ” của người dân TP.HCM.
Ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban Quản lý dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho biết, sau 5 năm triển khai, Dự án đã hoàn thành việc xây dựng một tuyến cống bao có đường kính 3 m chạy dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trải dài qua 7 quận (1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh và Gò Vấp). Trên tuyến kênh còn có 55 công trình tách dòng và kiểm soát xả tràn nước phân bố dọc bờ kênh để nối hệ thống thu gom vào tuyến cống bao. Ngoài ra, để chống ngập nước cho một lưu vực rộng 33,2 km2, nhằm cải thiện cuộc sống của 1,2 triệu người dân, công trình đang nạo vét khoảng 1,1 triệu m3 bùn dưới lòng kênh, thay thế và mở rộng 62 km cống thoát nước các các tuyến đường ở Thành phố và xây dựng một trạm bơm có công suất 64.000 m3/giờ.
Quang Duy
ĐẦU TƯ
|